Khi quấy rối tình dục được “biện bạch”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Quấy rối tình dục là một chủ đề không mới. Gần đây, dư luận lại rộ lên nhiều phản ứng mạnh mẽ trước vấn nạn này, xuất phát từ vụ ồn ào về một lãnh đạo doanh nghiệp bị tố quấy rối nhân viên.
Cần có thái độ dứt khoát và kỹ năng xử lý tình huống khi có nguy cơ bị quấy rối tình dục. (Ảnh minh họa - Nguồn: KT)
Cần có thái độ dứt khoát và kỹ năng xử lý tình huống khi có nguy cơ bị quấy rối tình dục. (Ảnh minh họa - Nguồn: KT)

Vì sao khó xử lý?

Trước sự tẩy chay và sức ép của dư luận, vị lãnh đạo công ty được cho là có hành vi quấy rối tình dục (QRTD) đã phải viết tâm thư bày tỏ rằng đây chỉ là hành vi “thể hiện sự quan tâm, quý mến đối với cấp dưới”. Sau đó, công ty phát hành nói trên đã xin lỗi cộng đồng và ngưng mọi chức vụ của vị lãnh đạo này. Nhưng đó mới chỉ là góc nhìn bề nổi. Trong mỗi câu chuyện, có khi kẻ quấy rối cho rằng “đơn giản”, hoặc bao biện cho mình bằng rất nhiều lý do, nhưng đối với nạn nhân, đó lại là vết thương suốt đời.

Thực tế, hành vi QRTD nơi công sở, chốn công cộng đã không còn xa lạ trong đời sống hàng ngày. Số liệu gần đây của Tổ chức Action Aid tại Việt Nam cho thấy, có tới 87% phụ nữ từ TP Hồ Chí Minh và Hà Nội từng bị QRTD nơi công cộng. Còn theo nghiên cứu của Tổ chức Plan Quốc tế tại Việt Nam, 31% em gái vị thành niên và thanh niên đã từng bị QRTD nơi công cộng và trên các phương tiện giao thông công cộng.

Tuy nhiên, hầu hết các vụ việc xảy ra đều khó xử lý hoặc không được xử lý, bởi thông thường, nhiều người, trong đó có cả nạn nhân và những người chứng kiến đều cho rằng đây là hành vi “chưa quá nghiêm trọng” để nhờ đến pháp luật can thiệp. Trong một số trường hợp, khi sự việc được đưa ra ánh sáng, cũng như vị lãnh đạo công ty phát hành nói trên, hầu hết những người gây ra hành vi QRTD đều phủ nhận, cho rằng hành vi của họ chỉ là “thể hiện tình cảm”, hoặc bao biện bằng nhiều lý do khác. Nhiều trường hợp, chính nạn nhân là người bị đổ lỗi. Dư luận, những người chung quanh hay cả những người chứng kiến nhiều khi cho rằng do nạn nhân ăn mặc hở hang, hoặc “lả lơi”, có những hành vi cố ý câu dẫn, ra tín hiệu đồng thuận nên “bị như thế là đáng”.

Ng.Nh.A., 26 tuổi, làm việc tại một tổ chức xã hội cho biết, cô từng có kỉ niệm cay đắng với câu chuyện QRTD. Đó là khi cô làm việc tại một công ty lớn tại TP Hồ Chí Minh, vị trưởng phòng phụ trách thường buông những câu bông đùa quá trớn về thân thể, khiến cô khó chịu nhưng chưa dám phản ứng. Cho đến khi cùng đi gặp khách hàng, vị trưởng phòng đã có những hành vi đụng chạm đến thân thể. Khi cô tố cáo hành vi này đến phòng nhân sự thì không được giải quyết, không những thế, sự việc bị rò rỉ, nhiều người chế giễu, cho là cô vì yêu đơn phương “sếp” không được nên bày trò phá đám. Nh.A. đã phải xin nghỉ việc đi nơi khác vì không chịu được áp lực.

Ranh giới không mong manh

Một nghiên cứu về QRTD tại nơi làm việc ở Việt Nam do Bộ LĐ-TB&XH thực hiện với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động quốc tế cho thấy, đa số nạn nhân bị QRTD là nữ giới (chiếm tỉ lệ 78,2%) và ở độ tuổi từ 18 - 30. Phần lớn nạn nhân chỉ bắt đầu tìm kiếm sự trợ giúp khi họ bị quấy rối nghiêm trọng trong thời gian dài.

Nguyên nhân của việc nạn nhân không tìm ngay đến cơ quan chức năng để can thiệp chính là sự thiếu nhận thức đầy đủ về ranh giới giữa những hành vi đùa giỡn thông thường, về quyền được bảo vệ của bản thân mình và cả sự sợ hãi phải đối mặt với dư luận cực đoan. Với nhiều người, hành vi QRTD không quá nghiêm trọng, không ít người còn không nhận diện được nó, nhưng với nạn nhân, đó là cả một sự sợ hãi, một nỗi ám ảnh. Nhiều trường hợp là sang chấn, là nỗi đau, vết thương lâu dài khó lành, ảnh hưởng đến cả chặng đường đời về sau.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng ranh giới giữa QRTD và các hành vi khác không hề mong manh, có chăng là một số người không dám nhìn nhận, không dám nhận diện nó. TS. Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội trong nhiều bài viết đã khẳng định pháp luật Việt Nam cũng đã có quy định rất rõ ràng về hành vi QRTD và những chế tài xử phạt liên quan đến hành vi này. Cụ thể, hành vi QRTD nhìn nhận dưới góc độ pháp lý biểu hiện cụ thể bằng các hành vi như trêu ghẹo, xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác, dâm ô, cưỡng dâm, hiếp dâm... Pháp luật Việt Nam quy định đây là những hành vi vi phạm pháp luật và tùy vào tính chất mức độ của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người thực hiện hành vi QRTD sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính ít nhất là 5.000.000 đồng hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Những hành vi vi phạm thì nhiều nhưng những người bị xử lý thì chưa nhiều ở mức độ tương xứng là bởi tâm lý e ngại, xấu hổ của nạn nhân và việc thu thập chứng cứ để chứng minh có hành vi vi phạm pháp luật là rất khó khăn, đặc biệt là những hành vi không để lại dấu vết trên cơ thể nạn nhân. Do đó, LS Cường đưa ra lời khuyên, khi có nguy cơ bị xâm hại, QRTD thì cần phải ngưng ngay tư duy và thái độ “biện bạch” cho hành vi đó, thay vào đó cần có thái độ dứt khoát, có cảnh báo với đối tượng, đồng thời lưu giữ chứng cứ để có thể trình báo sự việc với cơ quan chức năng ở thời điểm thích hợp. Cần phải có kĩ năng sống, kỹ năng xử lý tình huống có vấn đề như dự phòng bằng ghi âm, ghi hình, nếu môi trường làm việc không lành mạnh, nguy hiểm nên báo sớm với cơ quan chức năng và cộng đồng...

Đọc thêm