Khi sinh viên bị “quấy rối”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  51,8% sinh viên tại 3 trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Hồng Đức, Đại học Sư phạm Thái Nguyên được khảo sát cho biết từ đầu năm học 2021-2022 đến nay đã từng trải nghiệm ít nhất một trong những biểu hiện của hành vi quấy rối tình dục.
Khuôn viên các trường đại học cần là không gian an toàn cho sinh viên. (Ảnh minh họa)
Khuôn viên các trường đại học cần là không gian an toàn cho sinh viên. (Ảnh minh họa)

69% sinh viên không lên tiếng

Trong khuôn khổ dự án “Khuôn viên trường đại học an toàn”, ba trường đại học gồm: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên và Trường Đại học Hồng Đức đã tiến hành khảo sát về tình hình an toàn của sinh viên trong nhà trường. Cụ thể, với sinh viên, có 944 sinh viên (chiếm 51,8%) ở cả 3 trường đại học được khảo sát đã từng trải nghiệm ít nhất một trong những biểu hiện của hành vi quấy rối tình dục. Với cán bộ, giáo viên, có 30,2% (105/350 cán bộ, giảng viên) ở cả 3 trường đã từng trải nghiệm ít nhất một trong các hành vi quấy rối tình dục.

Khảo sát của UN Women cũng cho thấy, trong số hơn 1.800 sinh viên và 350 cán bộ, giảng viên tại các trường đại học ở Hà Nội, Thái Nguyên và Thanh Hóa, có hơn một nửa số nữ sinh và gần 1/3 đội ngũ giảng viên từng bị ít nhất một hình thức quấy rối tình dục trong và quanh khuôn viên trường trong năm học vừa qua, phổ biến nhất là hình thức quấy rối tình dục bằng lời nói như: có những lời tán tỉnh, làm quen, những cử chỉ, nhận xét hoặc trò đùa khêu gợi tình dục khiến người khác cảm thấy khó chịu. Ngoài ra, cả sinh viên và cán bộ, giảng viên đều đã từng bị các hình thức bạo lực khác nhau như: Bạo lực thể xác, bạo lực tinh thần, bạo lực kinh tế và bạo lực tình dục; trong đó “bạo lực tinh thần” là nhiều nhất.

Theo ông Phạm Hùng Anh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên,Bộ Giáo dục và Đào tạo: Từ những số liệu và bài học kinh nghiệm thu được từ quá trình thực hiện các dự án và các trường đại học sẽ là cơ sở có giá trị cho các nhà quản lý giáo dục, các nhà hoạch định chính sách, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ quan khác để ban hành những quy định, chính sách thiết thực, hiệu quả nhằm đảm bảo môi trường học đường an toàn, không bạo lực.

Theo đánh giá chung của cả sinh viên và cán bộ, giảng viên các hình thức bạo lực và quấy rối tình dục không phổ biến và không phải là vấn đề đáng lo ngại ở cả 3 trường đại học được khảo sát. Tuy nhiên, cả sinh viên, cán bộ và giảng viên đều lo ngại về sự không an toàn với một số địa điểm trong trường đại học như: đường về ký túc xá, cổng trường và sân vận động. Trong khi đó giảng đường, thư viện và ký túc xá là những địa điểm có sự an toàn rất lớn với sinh viên và cán bộ, giảng viên cả trong và ngoài giờ hành chính.

PGS. TS Nguyễn Thị Thanh Hồng - Phó Trưởng khoa Tâm lý giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, các hình thức quấy rối tình dục ở sinh viên và cán bộ, giáo viên là không phổ biến. Khảo sát đưa ra những địa chỉ để hỗ trợ sinh viên, cán bộ giảng viên khi bị quấy rối tình dục như phòng tham vấn cho sinh viên, bảo vệ/ban quản lý ký túc xá, lãnh đạo khoa và trường, đường dây nóng của nhà trường… Đáng chú ý, có tới 51% sinh viên không biết có phòng tham vấn tại nhà trường. Các địa chỉ trợ giúp như ngôi nhà bình yên, ngôi nhà tạm lánh có tới 72,5% sinh viên không biết. Và tới 69% sinh viên không tìm sự trợ giúp khi bị bạo lực.

Làm sao để sinh viên “trải lòng”?

TS Phạm Mạnh Hùng - Phó Trưởng phòng Công tác sinh viên, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, ban đầu sinh viên đến phòng tham vấn là để chia sẻ về những khó khăn trong học tập, cuộc sống, tình yêu,… Nhưng sau khi trao đổi hồi lâu, có những em lại đưa ra những băn khoăn về giới tính chưa biết chia sẻ với ai. Vì vậy, ông Hùng đánh giá phòng tham vấn tâm lý giúp giảm thiểu nguy cơ mất an toàn trong các mối quan hệ hàng ngày. Đặc biệt với ngôi trường có tới 38 nghìn sinh viên như Đại học Bách khoa thì vai trò của phòng tham vấn tâm lý là vô cùng quan trọng.

Khuôn viên các trường đại học cần là không gian an toàn cho sinh viên. (Ảnh minh họa)

Khuôn viên các trường đại học cần là không gian an toàn cho sinh viên. (Ảnh minh họa)

PGS. TS Nguyễn Thị Tố Quyên - Quyền Trưởng khoa Xã hội học và phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, sinh viên của trường nhìn chung rất mạnh dạn, dám nói, dám lên tiếng về những vấn đề các em gặp phải trong cuộc sống, trong đó có bạo lực tình dục. Chỉ có một bộ phận sinh viên còn tâm lý e ngại và phòng tư vấn sinh viên ra đời có góc riêng để chia sẻ, có góc để thảo luận nhóm và kết hợp lồng ghép truyền thông thuận lợi nên đã giúp sinh viên thêm mạnh dạn để chia sẻ.

Quyền Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Văn Đạt khẳng định, an toàn trong nhà trường trước hết phải nhận thức rõ bao gồm những vấn đề là an toàn về kiến thức, nhận thức và quan điểm. Thứ hai là tính mạng, sức khỏe, tinh thần hiện đã có nhiều quy định về vấn đề này. Chúng ta đã có hành lang pháp lý để xây dựng trường học an toàn, xây dựng các bộ quy tắc ứng xử mà trước hết là phải nhận diện được đâu là các hành vi được làm, không được làm…

Được biết, chỉ trong vòng 2 tháng, phòng tham vấn tâm lí của 3 trường đã trợ giúp cho 13 trường hợp sinh viên bị bạo lực tinh thần, thể xác và tình dục. H.M.D, nữ sinh Trường Đại học Hồng Đức cho biết: “Em từng là nạn nhân nên em cũng hiểu, đó là cảm giác ngoài sự tiêu cực ra thì cũng có những sự lo sợ từ phía bên ngoài, rồi bị mất niềm tin. Nhưng sau đó, khi được tiếp xúc với các thầy cô giáo trong trường, chúng em được tâm sự và trao đổi một cách dễ dàng hơn để mở lòng hơn”.

Chưa kể, ngay cán bộ, giảng viên còn chưa biết nhiều đến các địa chỉ hỗ trợ người bị bạo lực bên ngoài trường học như: Nhà tạm lánh hay Ngôi nhà bình yên… Cô Hoài Thu, giảng viên Khoa tâm lý và giáo dục, Đại học Hồng Đức chia sẻ, hiện cô đang tư vấn tâm lý trực tiếp cho 9 đến 10 bạn sinh viên, nhưng tư vấn qua điện thoại thì rất nhiều: “Tôi thấy cái khó khăn lớn nhất của các thầy cô làm công tác tư vấn, đó là làm thế nào để những nạn nhân của bạo lực giới có thể chia sẻ những vấn đề khó khăn của mình. Bởi khi một nạn nhân của bạo lực giới có thể chia sẻ được, có thể nói được với người khác tình trạng của mình, thậm chí là nỗi đau của mình cả về thể xác lẫn tinh thần là vô cùng khó. Không dễ gì họ chia sẻ rằng em bị ngược đãi như thế nào trong gia đình em hoặc là em đã bị sàm sỡ như thế nào. Còn khi các em đã mạnh dạn chia sẻ rồi thì việc hỗ trợ các em cũng không đơn giản”.

Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên cho rằng, cần thiết phải có các dịch vụ hỗ trợ tâm lý có hệ thống không chỉ trong các trường đại học mà trong cả hệ thống các trường THCS và THPT, giúp những người bị bạo lực là học sinh, sinh viên, cán bộ và giảng viên được hỗ trợ kịp thời. Ngoài ra, các hoạt động nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, những hình thức bạo lực giới (bạo lực hẹn hò và quấy rối tình dục cả trên giảng đường và trên không gian mạng) cũng cần được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, những địa điểm không an toàn trong các trường học cần được ban giám hiệu các trường quan tâm, có camera quản lý và bảo vệ chặt chẽ hơn.

Bà Vân Anh nhấn mạnh: Nên có các nguyên tắc từ đầu của các trường học để những người có ý định quấy rối tình dục biết được rằng nếu như họ vi phạm thì họ sẽ bị đối mặt với luật pháp như thế nào thì sẽ ngăn chặn tốt hơn rất nhiều. Hoặc là các em có cơ chế để báo cáo một cách độc lập với một hệ thống khác về những hành vi quấy rối tình dục của một người nào đó ở trong khu vực trường.

Làm thế nào để học sinh, sinh viên có thể mạnh dạn tố cáo và trải lòng khi bị quấy rối hoặc bị bạo lực trong hoặc ngoài phạm vi nhà trường, H.M.D cho rằng: “Nếu chúng ta không tâm sự, không nói thẳng được thì có thể mở những hòm thư kín hoặc là nhà trường có những đường dây nóng (hotline) để chúng em có thể tâm sự và trao đổi, kể về câu chuyện của mình theo cách ẩn danh, để họ có thể giãi bày lòng mình, có thể mở lòng hơn, dám đứng lên để đấu tranh cũng là để tuyên truyền. Nếu mình đang là học sinh, sinh viên mà bị vướng mắc vào những vấn đề đó thì nên nói ra, không nên giữ trong lòng”…

Liên Hợp quốc (UNFPA) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) đang phối hợp trong một dự án chung chấm dứt bạo lực cho phụ nữ và trẻ em giai đoạn 2021 - 2025. Trong chương trình này có 3 bộ công cụ dành cho giới trẻ gồm bộ công cụ xây dựng mối quan hệ tôn trọng bình đẳng trong trường học, bộ công cụ dành cho các bạn sinh viên và bộ công cụ về xây dựng khuôn viên trường đại học an toàn. Sắp tới, các chương trình khuôn viên an toàn (Safe Campus) sẽ được mở rộng ra ở các tỉnh, thành khác như TP HCM, Điện Biên, Đà Nẵng và Hà Nội.

Đọc thêm