“Thần tượng” bị bóc mẽ
Mới đây, truyền thông Malaysia “phát sốt” vì một hotgirl nước này bất ngờ thú nhận bản thân đã phá sản vì vướng cờ bạc, đồng thời lừa gạt fan hâm mộ để lấy tiền trả nợ. Hotgirl này nổi tiếng nhờ xinh đẹp và khoe cuộc sống sang chảnh với thói quen tiêu dùng hàng hiệu, tuy nhiên, đằng sau đó là cuộc sống không mấy sung túc như những gì thể hiện. Tìm đến cờ bạc như một giải pháp tài chính, nhưng càng lún càng sâu, đến mức nợ nần chồng chất, phải bán hết đồ đạc có giá trịl Lợi dụng sự hâm mộ của fan, cô gái này đã rao bán hàng, nhận tiền nhưng không giao sản phẩm. Tự sát không thành, cô gái đã phải vào bệnh viện tâm thần điều trị.
Một “thần tượng giới trẻ” khác, hotgirl người Indonesia cũng vừa mới bị bắt vì tội lừa đảo. Cô gái này cũng thường khoe nhan sắc, cuộc sống xa hoa, giàu có của “tầng lớp thượng lưu”. Với lượng fan hâm mộ lớn, hotgirl Indonesia đã tổ chức một mạng lưới tài chính riêng chuyên huy động vốn, sau đó ôm số tiền tương đương 20 tỉ đồng và bỏ trốn.
Câu chuyện fan hâm mộ bị thần tượng lừa đảo không hiếm. Một nữ ca sĩ Hàn Quốc đã lừa đảo fan hâm mộ của mình hơn 1 tỉ đồng. Một chàng trai Trung Quốc nổi tiếng trên mạng xã hội vì đẹp trai, thường du lịch, check in sang chảnh một ngày kia bị tố cáo đã lừa gạt tình cảm của hàng trăm cô gái trẻ, là một “Sở Khanh” chính hiệu.
Tại Việt Nam, không ít “thần tượng” trên mạng lợi dụng lòng tin của người hâm mộ nhằm trục lợi. “Thần tượng” ở đây không hẳn chỉ những người hoạt động trong lĩnh vực giải trí. Đó có thể là các hotgirl, hotboy, hay một nhân vật vlog, người truyền cảm hứng nào đấy. Cách đây ít lâu, một hotboy mạng xã hội, tự khoe là con nhà giàu, đã bị “bóc phốt” là sống ảo, xài hàng giả, xe cộ đi mượn… để lừa tình nhiều cô gái trẻ.
Phớt lờ pháp luật?
Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện một nhóm “vạch mặt” một “thần tượng” vốn là “hot Facebooker”. Đây vốn là một nữ doanh nhân có cách nói chuyện hài hước được đông đảo cư dân mạng hâm mộ. Nhưng nhiều “nạn nhân” của nữ doanh nhân này đã vạch trần những câu chuyện bịa về độ giàu có, tài sản… của nữ doanh nhân cùng lối sống buông thả. Nữ doanh nhân còn bị tố lợi dụng uy tín để bán hàng hiệu mình đã sử dụng cho fan hâm mộ, nhưng thực chất là hàng giả khiến nhiều người mất hàng chục triệu mua sản phẩm không có giá trị.
Cũng đã xảy ra trường hợp chủ nhân một group có hàng trăm ngàn người tham gia, được các thành viên ngưỡng mộ vì sự giỏi giang, lối sống đạo đức, nhân ái, lại hóa ra chuyên lừa gạt, bán thuốc rởm cho các thành viên. Group nói trên cuối cùng ngưng hoạt động và chủ group này phải trả lại tiền cho những người từng là fan hâm mộ của mình.
Hiện tượng “thần tượng” không chỉ xuất hiện trong làng giải trí mà có mặt ở khắp mọi nơi. Đặc biệt, khi mạng xã hội trở nên phát triển, con đường trở thành “thần tượng” càng dễ dàng. Nhiều người trở thành “thần tượng” nhờ sự tô vẽ giả mạo cho mình tấm mặt nạ trên mạng xã hội và trục lợi trên lượng fan hâm mộ lớn. Đã có quá nhiều hậu quả không hay từ việc “hâm mộ” thần tượng một cách lệch lạc, thiếu suy xét.
Điều đáng nói, nhiều “thần tượng” đã có dấu hiệu lừa đảo, nhưng vì cả nể, vì ngại, sợ, không muốn “khoe” ra cái dại của mình... một bộ phận fan hâm mộ chỉ ngậm ngùi buông vài tiếng trách móc rồi cho vào lãng quên. Và các “thần tượng” không bị pháp luật “gõ cửa”, vẫn tiếp tục diễn trên mạng xã hội, lừa mị những fan hâm mộ cả tin khác.