Khí thế 'Chân trần chí thép'

(PLO) - Qua hơn 250 hình ảnh, hiện vật được trưng bày tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò, người tham quan sẽ càng thêm thấu hiểu sự gian khổ, khốc liệt của chiến tranh; bồi đắp hơn nữa niềm tự hào dân tộc, tôi luyện cho mình thêm ý chí, hoài bão để cùng nhau góp sức đưa dân tộc Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Khí thế 'Chân trần chí thép'

Nhân kỷ niệm 43 năm Ngày Giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2018); 64 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2018); 128 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2018), Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức trưng bày chuyên đề: “Chân trần chí thép” với: “Theo dấu chân Người”, “Từ trong tù ngục”, “Chân trần chí thép” và “Bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam” bắt đầu từ  ngày 14/4/2018 tại số 1 Hỏa Lò (Hà Nội).

“Theo dấu chân Người” là nội dung mở đầu của “Chân trần chí thép”, dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với những chiến thắng vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX. Tư tưởng, đạo đức, nhân cách của Người được thể hiện bằng hành động và lời nói giản dị hàng ngày, trở thành di sản cho các thế hệ người Việt Nam “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. “Chất thép” của những chiến sỹ cách mạng kiên cường bừng sáng. 

“Nơi hầm tối là nơi sáng nhất”, họ đã biến nhà tù thực dân, đế quốc thành trường học cách mạng, nơi rèn luyện, đào tạo ra lớp lớp cán bộ lãnh đạo xuất sắc cho cách mạng Việt Nam được thể hiện trong nội dung thứ hai: Từ trong tù ngục. “Chân trần chí thép” còn giới thiệu “Vị tướng trong lòng dân” như: Đại tướng Võ Nguyễn Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Văn Tiến Dũng, Chu Huy Mân, Hoàng Văn Thái… họ là những học trò xuất sắc của Chủ tích Hồ Chí Minh; là những người văn, võ song toàn; những nhà tham mưu chiến lược, cầm quân tài tình, chỉ huy nghiêm khắc; nhưng vẫn hết mực thương yêu chiến sỹ, gần gũi nhân dân. Họ là những người tiên phong, sẵn sàng xả thân trên chiến trường và lan tỏa chí thép đến toàn quân. 

Hai tổ hợp là điểm nhấn trong trưng bày. Tổ hợp “Mốc son Điên Biên Phủ - 1954” là khí thế sục sôi của lực lượng dân quân sử dụng xe đạp thồ để trở thành phương tiện vận chuyển vũ khí, lương thực, nhu yếu phẩm tiếp tế cho các chiến sỹ ở chiến trường. Tổ hợp “Sử vàng đại thắng năm 1975”, tái hiện lại trạm giao liên nơi dừng chân trên đường hành quân vượt Trường Sơn của hàng triệu người lính. Hàng vạn người trong số họ đã nằm lại giữa lòng Trường Sơn, nơi thử thách ý chí và lòng người.

Qua hai tổ hợp, những người lính Điện Biên Phủ và những người lính vượt Trường Sơn sẽ gặp lại hình ảnh của mình trên chặng đường hành quân ra trận; được ngắm nhìn những vật dụng quen thuộc như: võng, ba lô, mũ cối, bi đông... cùng với cây đàn ghi ta giúp nâng cao tâm hồn người lính trong sinh hoạt hàng ngày, trước giờ ra trận, cũng như khi hát tưởng nhớ về đồng đội đã ngã xuống.

Tại buổi khai mạc trưng bày chuyên đề “Chân trần chí thép” ngày 14/4/2018 vừa qua, đại biểu và khách tham quan chứng kiến lễ trao tặng hiện vật của Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Nguyễn Đức Minh trao tặng cho Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò và việc ký kết Biên Bản ghi nhớ về công tác giáo dục và tuyên truyền  giữa Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò với Trung đoàn 375, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an.

Trưng bày chuyên đề với hơn 250 hình ảnh, hiện vật trưng bày, những câu chuyện thời chiến càng thêm chi tiết, sống động. Qua đó mỗi người sẽ càng thêm thấu hiểu sự gian khổ, khốc liệt của chiến tranh; bồi đắp hơn nữa niềm tự hào dân tộc, tôi luyện cho mình thêm ý chí, hoài bão để cùng nhau góp sức đưa dân tộc Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đọc thêm