Khi thực phẩm chức năng 'nổ'... như thuốc

(PLVN) - Liên quan đến kiến nghị về lĩnh vực an toàn thực phẩm, đầu tháng 8/2024, trả lời tại văn bản gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu trả lời cử tri của tỉnh sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Bộ Y tế khẳng định: “Không có thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào thay thế thuốc chữa bệnh”.
Tọa đàm Đạo đức trong quảng cáo thực phẩm chức năng tháng 5/2024.

Bùng nổ quảng cáo thực phẩm chức năng gây khó khăn cho cơ quan quản lý

Trước đó, trong kiến nghị cử tri tỉnh Bạc Liêu nêu hiện tượng hiện nay, tình trạng thuốc chữa bệnh gia truyền, các thực phẩm chức năng (TPCN), dược liệu... được quảng cáo, buôn bán tràn lan trên các trang mạng xã hội, phương tiện thông tin đại chúng nhưng chưa được cơ quan chức năng thẩm định, không rõ nguồn gốc xuất xứ có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Cử tri đề nghị Bộ Y tế kiểm tra, quản lý chặt chẽ hơn nữa, xử lý những hành vi buôn bán, quảng cáo không đúng sự thật gây ảnh hưởng đến dân; đồng thời, triển khai các biện pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng trên.

Trả lời kiến nghị cử tri, Bộ Y tế cho biết, hiện nay, việc quảng cáo thực phẩm được quy định chặt chẽ tại Luật Quảng cáo năm 2012, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo, Nghị định số 70/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 181/2013/NĐ-CP; Luật An toàn thực phẩm năm 2010, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm và Thông tư số 09/2015/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế. Theo đó, tổ chức, cá nhân phải gửi hồ sơ tới cơ quan có thẩm quyền để được xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo.

Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, trong bối cảnh bùng nổ hoạt động thương mại điện tử, nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh, quảng cáo trên các sàn thương mại điện tử và nền tảng mạng xã hội gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc giám sát, thanh tra, kiểm tra nội dung quảng cáo.

Bộ Y tế đã thực hiện giám sát, kiểm tra, thu thập và chuyển các bằng chứng, đường dẫn chứa nội dung vi phạm sang Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử), Bộ Công Thương (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) để xử lý theo thẩm quyền. Bộ Y tế cũng thường xuyên phối hợp với các Bộ, ngành và đơn vị liên quan để chấn chỉnh, tăng cường quản lý hoạt động bán hàng trên các trang thương mại điện tử, nhằm ngăn chặn tình trạng quảng cáo và buôn bán thuốc chữa bệnh gia truyền, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc.

Bộ thành lập Tổ phản ứng nhanh để phối hợp xử lý vi phạm quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe; ban hành một số Công văn gửi các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Công Thương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư, Công an và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường phối hợp quản lý quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế cũng đã ban hành Công văn số 734/ATTP-NĐTT ngày 08/4/2024 về việc tăng cường quản lý thông tin quảng cáo các sản phẩm thực phẩm gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương...

Người tiêu dùng bị lừa dối bởi TPCN công dụng như thuốc đã bỏ lỡ thời gian vàng điều trị, ảnh hưởng tới hiệu quả xạ trị, phẫu thuật. (Ảnh: VOV)

Công bố công khai tên cơ sở, tên sản phẩm, nội dung vi phạm

Lo ngại của cử tri tỉnh Bạc Liêu là chính xác bởi hiện nay báo động tình trạng quảng cáo TPCN sai sự thật trên mạng xã hội như các website, Facebook, Zalo... Theo quy định của pháp luật, trước khi quảng cáo, tổ chức, cá nhân có sản phẩm quảng cáo phải đăng ký nội dung quảng cáo với cơ quan cấp Giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm theo quy định hiện hành.

Nội dung quảng cáo phải phù hợp với công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm. Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.

Nhưng một số trang mạng xã hội, phương tiện truyền thông đang quảng cáo thực phẩm chức năng khi chưa có Giấy xác nhận nội dung quảng cáo, quảng cáo sai sự thật hoặc quảng cáo không đúng với nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận; sử dụng hình ảnh, danh nghĩa của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo gây hiểu lầm cho người sử dụng. Một số doanh nghiệp lợi dụng hình ảnh các văn nghệ sỹ, người nổi tiếng, người có ảnh hưởng với công chúng để quảng cáo vi phạm quy định.

Cần các giải pháp tăng cường công tác hậu kiểm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe. (Ảnh: VOV).

Năm 2022, trao đổi với truyền thông, TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội Can thiệp thần kinh TP HCM từng kể về một trường hợp một phụ nữ 50 tuổi bị tắc mạch máu não do uống quá nhiều các loại TPCN.

“Trước đó, bệnh nhân này đã đến khám sức khỏe, qua các xét nghiệm cho thấy bệnh nhân có thần kinh ổn định, không có những tổn thương mạch máu não (không dị dạng, dị tật, không tắc hẹp mạch máu, không phình…). Tuy nhiên, mới đây bệnh nhân này quay lại kiểm tra sức khỏe vì bị đau cổ gáy, nhức đầu, chóng mặt… Sau khi thăm khám, kiểm tra thì ghi nhận bệnh nhân bị hẹp mạch máu não nặng.

Bệnh sử bệnh nhân cũng không có các yếu tố nguy cơ như cao huyết áp, tiểu đường, không uống rượu, bia, hút thuốc… Nhưng đáng chú ý, thời gian gần đây bệnh nhân tự ý uống rất nhiều loại TPCN giúp làm đẹp da, tóc, khỏe cơ xương khớp, hỗ trợ giảm cân. Khi chưa dùng TPCN thì mạch máu não bình thường, sau khi dùng thì phát sinh tình trạng tắc mạch máu não” - TS Cường thông tin.

Theo TS Cường, may mắn bệnh nhân chỉ bị hẹp mạch máu phụ nên sau khi dùng thuốc, hiện sức khỏe đã ổn định. Sau khi thoát biến chứng tắc mạch máu não, bệnh nhân biết sợ và ngưng sử dụng tất cả những TPCN đã dùng trước đó.

“Ngoài trường hợp nói trên, hiện nay vẫn có không ít trường hợp người dân nghe truyền miệng TPCN giúp tan cục máu đông cho bệnh nhân đột quỵ. Nhiều bệnh nhân khi đến bệnh viện đã bỏ lỡ thời gian vàng (4,5 giờ đầu sau khi bị đột quỵ) điều trị vì tin lời quảng cáo các loại thực phẩm này. Nguy hiểm hơn, nếu loại thực phẩm này uống vào để tan cục máu đông trên bệnh nhân xuất huyết não thì bệnh nhân có nguy cơ tử vong nhanh hơn” - TS Cường cảnh báo.

Theo báo cáo của Sở An toàn thực phẩm TP HCM, tính từ năm 2023 đến quý I/2024, Sở này đã rà soát, tổng hợp 18.790 sản phẩm TPCN và phát hiện 182 sản phẩm có dấu hiệu vi phạm. Đa phần các sản phẩm này quảng cáo có công dụng là thuốc chữa bệnh; dùng hình ảnh bác sỹ, người bệnh không đúng; thiếu khuyến cáo “sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”...

Theo Sở An toàn thực phẩm TP HCM, khó khăn trong công tác quản lý hiện nay là đa phần các cơ sở hoạt động kinh doanh sản phẩm chỉ là văn phòng đại diện, một số cơ sở có hợp đồng thuê văn phòng để đăng ký kinh doanh, chỉ đặt biển hiệu, không có hoạt động làm việc nên khó khăn khi liên hệ chủ cơ sở.

Tại Tọa đàm "Đạo đức trong quảng cáo thực phẩm chức năng" được tổ chức tháng 5/2024, Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cho biết, có tới 80% các quảng cáo trong lĩnh vực phòng và hỗ trợ điều trị bệnh gây bức xúc hiện nay trên môi trường internet, mạng xã hội, nền tảng thương mại điện tử… là “trá hình” TPCN.

Nguy hại về quảng cáo gian dối trong lĩnh vực y tế không chỉ về tài chính. Người bệnh nan y phát hiện điều trị sớm có thể khỏi, hoặc kéo dài sự sống, nhưng những quảng cáo “cam kết chữa khỏi” là vi phạm với quy định về quảng cáo, lừa dối người tiêu dùng mua những sản phẩm này về dùng không khỏi, bỏ lỡ thời gian vàng điều trị, ảnh hưởng tới hiệu quả xạ trị, phẫu thuật.

Tháng 7/2024, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 4286/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc quản lý hoạt động quảng cáo TPCN. Văn bản số 4286/VPCP-KGVX nêu: Hiệp hội TPCN Việt Nam có Văn bản số 19/KN-VAFF ngày 5/6/2024 kiến nghị về kiểm soát quảng cáo TPCN.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp quản lý quảng cáo TPCN đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại các Thông báo số: 211/TB-VPCP ngày 20/7/2022, số 382/TB-VPCP ngày 16/9/2023 và số 16/TB-VPCP ngày 17/1/2024 của Văn phòng Chính phủ.

Bộ Y tế cho biết, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ban, ngành và địa phương triển khai các giải pháp tăng cường công tác hậu kiểm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Công bố công khai tên cơ sở, tên sản phẩm, nội dung vi phạm trên trang vfa.gov.vn và congkhaiyte.moh.gov.vn.

Đọc thêm