Khi tiêu chí "tài năng" bị hạ giá

Chương trình “Tìm kiếm Tài năng Việt” đã đi đến tập 6, thu hút một lượng khá đông đáo khán giả xem truyền hình. Tuy nhiên, cho đến nay, sự thu hút của chương trình chưa hẳn đến từ những tài năng, vì khá hiếm tài năng hé lộ. Phần đông khán giả theo dõi, chủ yếu vẫn là vì những màn tấu hài ngây ngô của thí sinh và các tiết mục mang tính tạp kĩ...

Chương trình “Tìm kiếm Tài năng Việt” đã đi đến tập 6, thu hút một lượng khá đông đáo khán giả xem truyền hình. Tuy nhiên, cho đến nay, sự thu hút của chương trình chưa hẳn đến từ những tài năng, vì khá hiếm tài năng hé lộ. Phần đông khán giả theo dõi, chủ yếu vẫn là vì những màn tấu hài ngây ngô của thí sinh và các tiết mục mang tính tạp kĩ...

Tấu hài, tạp kĩ chiếm ưu thế

Xuất hiện trong tất cả các tập của “Tìm kiếm tài năng Việt” là những màn trình diễn mang tính "tạp kĩ lề đường hè phố" như cưa đôi thân thể, đi xe đạp địa hình, nâng xà đơn, nuốt kiếm... Không nói đến các màn trình diễn bị loại ngay từ khi bắt đầu như cưa tay, nhào lộn... khá nhiều màn trình diễn tạp kĩ đã được lựa chọn đi sâu vào vòng trong.

Tại các vòng thi phía Bắc, khán giả được chứng kiến những màn trình diễn như vừa hát vừa đóng đinh vào mũi, bác thợ hồ 71 tuổi đến từ Bắc Ninh quay xà đơn 100 vòng,  thầy giáo thể dục biểu diễn các màn ảo thuật quen thuộc...  đã nhận được sự đồng ý của ban giám khảo dễ tính. Gần đầy nhất, tập 5 và tập 6 diễn ra tại TPHCM cũng nhiều lần chứng kiến những màn tạp kĩ với anh chàng nuốt cá kèo sống, bác cán bộ hưu trí biểu diễn thay đổi gương mặt.

Sau những tiết mục không mấy ấn tượng hoặc ấn tượng vì sự... rùng rợn, các phát ngôn của thí sinh mới là điều đáng chú ý hơn màn trình diễn của mình. Chàng trai"nuốt cá kèo" thì chia sẻ, cậu tham gia Vietnam’s Got Talent với mong muốn "để bạn bè thế giới thấy được người Việt Nam có thể làm được những điều phi thường (?!)”, còn bác cán bộ hưu trí thì "ngày nào cũng diễn màn thay đổi nét mặt cho vợ xem, nay đi thi với mong muốn duy nhất là biểu diễn cho tất cả khán giả cùng xem".

Nhưng xem ra, những tiết mục tạp kĩ còn thua về số lượng so với các tiết mục ngây ngô hoặc "cố ý tấu hài" làm khán giả phải cười nghiêng ngửa. Từ Bắc chí Nam, không thiếu những thí sinh lên sân khấu chỉ để làm trò cười với những tiết mục không thể chấp nhận được như thí sinh đeo kính đen vừa đánh guita vừa gào thét, vừa thể hiện cảm xúc một cách kinh khủng, thí sinh tuổi trung niên với hàm răng "mất trật tự" biểu diễn một cách "điên cuồng" trên sân khấu, chàng trai giả gái ăn mặc kiểu... bán vé số, thí sinh "xấu lạ" vào vai thị Nở khiến cả giám khảo lẫn khán giả hoảng hồn... Không thiếu những thí sinh mải mê thể hiện những ca khúc sôi động bất chấp ban giám khảo nhăn mặt và khán giả cười nghiêng ngả. Chấm các tiết mục kiểu này, theo quan điểm của ba vị giám khảo thì "những gì người khác không làm được mà mình làm được thì tôi coi là tài năng" - giám khảo Thành Lộc nhưng với hầu hết khán giả, nhiều màn trình diễn chỉ đáng được gọi là cho vui chứ không đủ thuyết phục để được gọi là tài năng...

Lại sa vào lối mòn

Không thể phủ nhận khá nhiều tiết mục mang hơi hướng tạp kỹ đã thuyết phục được cả ban giám khảo lẫn khán giả vì sự lạ mắt và thú vị như cặp đôi nhí hai anh em Vũ Hoàng Anh Minh và Vũ Hoàng Minh Anh vừa nhảy vừa trình diễn ảo thuật; cô bé Trần My Anh 11 tuổi hát acoustic, nhóm acapella học sinh Lê Hồng Phong, những vũ công giày cao gót, tiết mục ca trù của gia đình 3 thế hệ, thí sinh chơi được nhiều nhạc cụ nhất – chàng trai khiếm thị Nguyễn Thanh Bình...

Tuy nhiên, để được gọi là "tài năng" thì có vẻ còn chưa xứng tầm vì  chưa mang yếu tố bất ngờ, kì tài, không hiếm và có thể gặp ở bất cứ đâu ngoài cuộc sống. Những cụ già yêu ca hát, khiêu vũ..., những cô bé, cậu bé giọng ca trong sáng, múa đẹp chỉ có thể góp phần khiến chương trình thành một sân chơi trình diễn khả năng hơn là tài năng.

Với những diễn biến trên, Vietnam's Got Talent không tránh khỏi khiến khán giả so sánh với American's Got Talent, Autralia's Got Talent... khi phiên bản của các quốc gia này liên tục đưa ra những tài năng "độc chiêu" như hát không mở miệng, bắn cung bằng chân, hay các giọng ca gây rung động mạnh mẽ... Và, trong khi bị so sánh với phiên bản các nước về mật độ xuất hiện các tài năng lạ, thì “Tìm kiếm tài năng Việt” lại bị đi vào một lối mòn mà nhiều phiên bản mắc phải: biến thành cuộc thi tài năng âm nhạc.

Đường còn dài và khán giả vẫn mỏi mắt chờ đợi sự hé lộ nhiều tài năng thực sự và bất ngờ !

Một điều mà người ta có thể dễ dàng nhận ra, đó là ban giám khảo hay "thể hiện cảm xúc quá mức" và "không tiếc lời khen” cho dù nhiều màn trình diễn chẳng để lại ấn tượng gì đáng kể. Nhiều khán giả đã phàn nàn, họ chỉ thấy được tài năng... trong lời khen của các vị giám khảo.

Ngọc Mai

Đọc thêm