Tư nhân “phủ sóng” nhiều lĩnh vực
Tại Hội thảo “Vai trò của TN trong cung cấp DVC” do VCCI và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 15/5, TS Vũ Tiến Lộc đã nhắc lại quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong tiến trình Đổi mới là Nhà nước chỉ làm những gì mà tư nhân không làm được hoặc không muốn làm. “Quá trình Đổi mới 30 năm qua do Đảng lãnh đạo đã cho thấy, việc mở cửa cho tư nhân tham gia cung cấp hàng hoá, dịch vụ cho xã hội mang lại rất nhiều các lợi ích thiết thực…”, ông Lộc nói.
Sự tham gia của tư nhân xuất hiện trong rất nhiều các lĩnh vực của nền kinh tế, kể cả những lĩnh vực vốn được xem là “sân chơi” riêng của các doanh nghiệp (DN) nhà nước hoặc các đơn vị sự nghiệp trước nay như sân bay, cảng biển, hạ tầng giao thông, hàng không, điện lực, y tế, giáo dục, điện ảnh, công chứng…
“Tôi chưa bào giờ đi VietJet hay Bamboo, nhưng rõ ràng có các hãng hàng không tư nhân này, tôi là hành khách của Vietnam Airline cùng được hưởng lợi…”, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI dẫn chứng và khẳng định sự xuất hiện của tư nhân khiến các DN quốc doanh buộc phải chuyển mình.
Theo Chủ tịch VCCI, phá bỏ sự độc quyền, bao cấp trong cung cấp DVC, huy động sự tham gia của khu vực tư nhân vào cung cấp các DVC sẽ mang đến nhiều lợi ích. Trước hết, “thoái sức” của bộ máy nhà nước ra khỏi lĩnh vực DVC không cần thiết, thu gọn bộ máy quản lý nhà nước theo đúng chức năng cốt lõi.
Thứ hai, minh bạch hóa và phân định việc thực hiện công vụ của cơ quan công quyền và cung cấp DVC do các tổ chức cá nhân thực hiện để tránh chồng chéo, ngăn ngừa “xung đột lợi ích”. Thứ ba, nâng cao chất lượng các DVC, đáp ứng nhu cầu của DN và người dân được thụ hưởng các DVC có chất lượng cao.
Thứ tư, huy động được nhiều nguồn lực trong xã hội, từ khu vực tư nhân đầu tư vào DVC. Đặc biệt, thông qua đó, thực hiện chính sách thúc đẩy phát triển DN, tạo cơ hội để các DN được bình đẳng tham gia đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực DVC.
Nhà nước làm gì?
Tư nhân tham gia cung cấp DVC đem lại nhiều lợi ích thiết thực, thế nhưng thực tế còn rất nhiều DVC đang do các cơ quan nhà nước thực hiện. “Các dịch vụ đó trong quy trình gần như khép kín, gắn với chức năng quản lý nhà nước; có nguy cơ gây ra tình trạng không minh bạch như vừa cấp phép vừa thẩm định năng lực…
Nhiều quy định của luật bị làm biến dạng khi thực hiện, nhiều dịch vụ có tính “đăng ký”, “thông báo” nhưng trên thực tế biến thành “xin-cho”. Các điều kiện cung cấp DVC do Nhà nước ban hành và cũng chính các cơ quan nhà nước, các cấp trực tiếp thực hiện. Việc kiểm tra tính tuân thủ các điều kiện DVC cũng do chính cơ quan nhà nước thực hiện…”, Chủ tịch VCCI phân tích.
Dẫn kinh nghiệm thế giới cũng như thực tiễn nhiều lĩnh vực tại Việt Nam thời gian qua, TS Vũ Tiến Lộc khẳng định, để tư nhân tham gia cung cấp DVC không có nghĩa là Nhà nước không làm gì, không còn vai trò gì.
Cụ thể, theo một khảo sát của VCCI phối hợp cùng với Ngân hàng Thế giới cách đây 3 năm, hầu hết những người được hỏi dù đều tin tưởng vào nền kinh tế thị trường, ở đó các DN tư nhân đóng vai trò chính trong việc cung cấp hàng hoá, dịch vụ. Tuy nhiên, kết quả khảo sát cũng cho thấy nhiều ý kiến lo ngại những nguy cơ khi tư nhân tham gia cung cấp DVC như có thể tăng giá dịch vụ, khó kiểm soát chất lượng, gian dối trong kinh doanh, thậm chí cả tình trạng độc quyền…
“Chính vì vậy, vai trò của Nhà nước thay vì là “người chèo đò” thì thành “người lái đò”. Nhà nước phải đặt ra quy định, tiêu chuẩn, tổ chức thực thi, giám sát thực thi các quy định, tiêu chuẩn này, giải quyết tranh chấp…
Nhà nước phải đại diện cho người dân, cho nền kinh tế, cho lợi ích chung để thúc đẩy, giám sát và quản lý các nhà cung cấp dịch vụ. Nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương sắp tới không phải là tự mình làm dịch vụ nữa, không tự mình “vừa đá bóng vừa thổi còi” như trong thời gian qua nữa mà phải tập trung vào việc xây dựng thể chế...”, ông Lộc đề xuất.
Cụ thể hơn, Trưởng ban Pháp chế VCCI liệt kê các công việc mà Nhà nước cần làm, đó là: Bảo hộ quyền tài sản, quyền kinh doanh; Hỗ trợ ưu đãi đầu tư ban đầu; Giám sát đầu ra thay vì quá trình; Chống độc quyền; Thiết lập các tiêu chuẩn, quy chuẩn chung; Bảo vệ người tiêu dùng; Giải quyết tranh chấp…