Khó khăn khi xử lý tài sản trong các vụ án tín dụng, ngân hàng

(PLVN) - Trong các vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng, người phải thi hành án thường mất khả năng thanh toán và có nguy cơ bị xử lý tài sản nên họ cố tình chống đối việc thi hành án bằng nhiều cách, gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động tác nghiệp của cơ quan thi hành án dân sự (THADS).
Chấp hành viên kê biên, xử lý tài sản thi hành án (ảnh minh họa).
Chấp hành viên kê biên, xử lý tài sản thi hành án (ảnh minh họa).

Giá trị tài sản thế chấp chưa đúng thực tế

Số việc và số tiền phải thi hành án trong các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng ngày càng nhiều, tuy nhiên, các cơ quan THADS gặp rất nhiều khó khăn trong việc xử lý tài sản do ý thức tuân thủ pháp luật của một số tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thi hành án, nhất là của người phải thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan còn chưa cao. Người phải thi hành án cố tình chống đối việc thi hành án bằng nhiều cách như không nhận quyết định thi hành án, thay đổi hiện trạng tài sản, cản trở việc xác minh, kê biên, định giá, bán đấu giá tài sản để thi hành án... Tình trạng khiếu nại, tố cáo nhằm mục đích kéo dài việc thi hành án khá phổ biến, đòi hỏi cơ quan THADS mất nhiều thời gian nghiên cứu hồ sơ, xác minh, giải quyết.

Một số trường hợp bản án, quyết định của Tòa án không tuyên cụ thể nghĩa vụ đảm bảo của tài sản thế chấp của bên thứ ba trong Hợp đồng tín dụng; không đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng và chậm giải thích bản án,quyết định đã tuyên; không phân định rõ được phần quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung, không xác minh kiểm tra thực tế tài sản mà xét xử căn cứ hợp đồng thế chấp tài sản dẫn đến khó khăn trong quá trình thi hành án.

Việc thẩm định giá trị tài sản thế chấp ban đầu của tổ chức tín dụng chưa đúng thực tế, khi cho vay không kiểm tra hiện trạng tài sản, chỉ căn cứ vào giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người có tài sản. Điều này gây khó khăn cho cơ quan THADS trong việc xử lý tài sản, kéo dài thời gian tổ chức thi hành vụ việc.

Qua xử lý tài sản thế chấp của cơ quan thi hành án cho thấy, nhiều vụ việc chất lượng thẩm định tài sản của tổ chức tín dụng ngân hàng khi cho vay vốn chưa thực sự đảm bảo dẫn đến giá trị tài sản tại thời điểm kê biên thấp hơn nhiều so với khoản nợ vay, mặc dù giá trị tài sản không có sự biến động giảm của thị trường tại hai thời điểm.

Chính vì vậy nên rất nhiều vụ việc sau khi Chấp hành viên xử lý xong tài sản đảm bảo nhưng vẫn chưa đủ để thi hành nghĩa vụ trả nợ theo quyết định Bản án. Điều này, ngoài ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thu hồi nợ của ngân hàng, còn tạo gánh nặng công việc cho các cơ quan THADS vì theo quy định của Luật THADS, các loại việc này thuộc diện chưa có điều kiện thi hành và vẫn phải theo dõi, xác minh hàng năm.

Vướng mắc trong xử lý tài sản đặc thù

Việc xử lý tài sản thế chấp đảm bảo thi hành án là động sản cũng gặp nhiều khó khăn. Nhiều vụ việc tài sản thế chấp bảo đảm cho khoản vay là xe ô tô, máy công trình... nhưng trong quá trình tổ chức thi hành án các tổ chức tín dụng không biết tài sản đang ở đâu, do ai đang quản lý sử dụng. Chấp hành viên đã xác minh tại nhiều nơi cũng như ở các cơ quan có thẩm quyền nhưng vẫn không xác định được địa chỉ của tài sản để xử lý kê biên đảm bảo thi hành án.

Do tâm lý e ngại của người mua không muốn đầu tư vào tài sản thi hành án dẫn đến việc bán tài sản để đảm bảo thi hành án còn nhiều hạn chế, phần lớn các trường hợp tài sản phải đưa ra bán nhiều lần mới thành, hoặc đã đưa ra bán đấu giá thành nhưng chưa giao được tài sản do đương sự chống đối quyết liệt.

Ngoài ra, trong thời gian gần đây, ở một số địa phương đang phải thi hành các vụ việc liên quan đến tài sản thế chấp là tàu cá theo Nghị định 67 của Chính phủ với số tiền phải thi hành án rất lớn. Quá trình thi hành án, do tính chất đặc thù của tài sản, Chấp hành viên rất khó khăn khi áp dụng biện pháp bảo đảm hoặc cưỡng chế, giao bảo quản tài sản nên chủ yếu vận động để người phải tự nguyện giao tài sản và ngân hàng nhận bảo quản tài sản.

Tuy nhiên, tài sản trên thực tế thường có tình trạng xuống cấp trầm trọng, một số tàu vì lý do khách quan hoặc chủ quan mà trang thiết bị máy móc đã thay đổi so với thiết kế ban đầu khi thế chấp nên mất rất nhiều thời gian, công sức của các cơ quan nhà nước tại địa phương trong việc làm rõ nguyên nhân, đồng thời sau khi xử lý giá trị thu về rất nhỏ so với giá trị đảm bảo.

Dự báo trong thời gian tới sẽ phát sinh rất nhiều việc thi hành án đối với loại tài sản thế chấp này nên cần có các giải pháp tối ưu và sự phối hợp tích cực giữa cơ quan thi hành án và tổ chức tín dụng ngân hàng thì mới tháo gỡ được khó khăn đối với loại việc này.

Cùng với đó, cơ quan THADS cần phát huy tính chủ động để thường xuyên kiểm soát, nắm bắt tiến độ giải quyết án của Chấp hành viên, đặc biệt cần tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác tổ chức thi hành án, nhất là đối với những vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng, việc có giá trị thi hành lớn, những địa bàn có lượng án nhiều, những đơn vị có kết quả còn thấp…

Đọc thêm