Việc học online đã được các trường áp dụng theo nhiều cách khác nhau. Có trường livestream để giảng dạy bài mới, điểm danh và làm kiểm tra như một tiết học bình thường tại lớp.
Một số trường cũng học online, nhưng chỉ cho học sinh ôn lại kiến thức cũ để các em không bị quên khi trở lại trường. Có nơi, nhiều thầy, cô quay sẵn video bài giảng và gửi cho phụ huynh qua Zalo hay Facebook để các em tự làm bài ở nhà và nộp lại cho giáo viên kiểm tra với hình thức tương tự.
Một số tỉnh áp dụng dạy học qua truyền hình để các học sinh đều có thể học mà không cần đến internet, máy tính hay điện thoại thông minh.
Có thể thấy, bằng nhiều cách khác nhau, đội ngũ giáo viên cả nước đang rất cố gắng để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, bổ sung kiến thức kịp thời cho học sinh, sinh viên giữa dịch bệnh kéo dài này.
Tuy nhiên, khi thầy và trò ở cách xa nhau thì việc dạy và học cũng phát sinh không ít khó khăn. Chị Thanh Thảo (ngụ Q.Bình Thạnh, TP HCM) cho biết: “Bé nhà tôi mới vào lớp 2, từ Tết đến nay chưa đi học lại do dịch bệnh nên giáo viên đã gửi video bài giảng cho phụ huynh để bé xem và tự học theo. Tuy nhiên, ở độ tuổi của bé mà không được người lớn kèm thì sẽ rất khó tiếp thu và nếu có thắc mắc cũng khó có thể gặp cô để được giải đáp, nên thực sự tôi chưa thể để con tự học theo bài giảng của cô mà phải học cùng con và hướng dẫn lại” .
Đã quen với hình thức học truyền thống tại lớp, được gặp trực tiếp thầy, cô, bạn bè, bỗng nhiên bây giờ chỉ thấy thầy, cô giảng bài qua màn hình máy tính, nhiều học sinh, sinh viên cũng cảm thấy bất tiện trong việc trao đổi hay thắc mắc với giáo viên. Mặt khác, không phải ai cũng có thể thành thạo trong việc sử dụng các ứng dụng công nghệ và không phải ở đâu tín hiệu internet cũng được ổn định để học online.
Một số địa phương, do địa lý hoặc điều kiện gia đình, các em nhỏ không được tiếp xúc sớm với internet, nên việc học online hạn chế. Đó là chưa kể, không ít phụ huynh kêu than phải “đánh vật” với các phần mền học online khi muốn giám sát con, học cùng con...
“Vì mới tiếp xúc với phương pháp học này nên không chỉ sinh viên mà có những thầy cô giáo bị bỡ ngỡ, khó khăn khi sử dụng phần mềm học online. Trong quá trình học do đường truyền kém nên có những đoạn bài giảng, sinh viên không nghe được, không tiếp thu được. Bên cạnh đó, có nhiều bạn trong quá trình học chưa thực sự tập trung, cố tình tắt camera và mic để làm việc riêng” - Thu Phương (sinh viên năm hai trường ĐH Đà Lạt) chia sẻ.
Dẫu còn nhiều bất cập nhưng không thể phủ nhận sự tiện lợi mà việc học online mang lại trong thời điểm hiện nay. Cả giáo viên, giảng viên và học sinh, sinh viên đều không bị gò bó bởi không gian, có thể lựa chọn nơi học tập, nơi giảng dạy thoải mái nhất ngay tại nhà, không phải mất nhiều thời gian cho việc di chuyển đến trường, phòng tránh lây nhiễm dịch bệnh.... Bên cạnh đó, học sinh, sinh viên khi có vấn đề chưa hiểu trong quá trình học, có thể dễ dàng theo dõi lại bài giảng. Đặc biệt phương pháp học này giúp nâng cao tinh thần tự giác và khả năng tự học của các học sinh, sinh viên.