Khó kiểm soát tình trạng bán “chui” tài sản đấu giá?

 Khó kiểm soát các vụ bán “chui”, thiếu đấu giá viên, xu thế “sính” doanh nghiệp hơn trung tâm do được hưởng hoa hồng cao hơn…là hiện tượng nổi lên ở một số địa phương trong hoạt động bán đấu giá tài sản (BĐGTS).

Khó kiểm soát các vụ bán “chui”, thiếu đấu giá viên, xu thế “sính” doanh nghiệp hơn trung tâm do được hưởng hoa hồng cao hơn…là hiện tượng nổi lên ở một số địa phương trong hoạt động bán đấu giá tài sản (BĐGTS).

Một cuộc đấu giá tài sản. Ảnh minh họa

Đặt điều kiện để ép

So với trước thời điểm thực hiện Nghị định 17/CP, nhiều loại hội đồng BĐG tồn tại ’ngoài luồng’ cũng đã bị dẹp bớt, tài sản đã tập trung nhiều hơn về các trung tâm dịch vụ BĐGTS, hoạt động BĐG ngày càng chuyên nghiệp. Xã hội hóa hoạt động BĐGTS, hiện nay, tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp bao gồm Trung tâm dịch vụ BĐG và DN BĐGTS.

Tuy nhiên, khi mở ra hai tổ chức này nhiều địa phương đã có sự cạnh tranh khá khốc liệt, nhiều khách hàng cho rằng họ tự có quyền “đặt điều kiện” để “ép” các trung tâm nếu muốn ký hợp đồng.

“Một số đơn vị có tài sản BĐG ngoài yêu cầu giảm phí đấu giám trong hồ sơ “chào hàng cạnh tranh” còn yêu cầu các đơn vị BĐGTS muốn nhận được lô hàng để tổ chức BĐG phải đạt được hai điểm ưu tiên. Thứ nhất phải bán được tài sản cao hơn giá khởi điểm đã thẩm định. Thứ hai, phải đóng 10% tiền ký quỹ theo giá khởi điểm, nếu BĐG không thành thì bên có tài sản đấu giá thu được tiền ký quỹ đó và cũng không phải chi trả cho bên đấu giá những khoản chi phí đã ứng trước (như phí đăng báo và các chi phí hợp lý khác)” - ông Phạm Thanh Cao - Trưởng phòng Bổ trợ Sở Tư pháp Hà Nội - cho biết.

Ông Cao phân tích thêm, nếu không chấp nhận những yêu cầu trên thì đơn vị BĐG không có việc làm, còn nếu chấp nhận thì vi phạm quy định của pháp luật về BĐGTS.

Cũng là cạnh tranh để hút khách, báo cáo công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2011 của Sở Tư pháp Đồng Tháp cũng chỉ rõ: Tài sản BĐG ở tỉnh này chủ yếu là các tài sản để bảo đảm thi hành án; bên ủy quyền đang có xu hướng hợp đồng với các DN thẩm định và bán đấu giá tài sản (do hoa hồng cao hơn Trung tâm) nên số lượng khách hàng đến Trung tâm ký hợp đồng ủy quyền bán đấu giá giảm so với cùng kỳ năm 2010.

Đấu giá không có đấu giá viên?

So với Nghị định 05, tiêu chuẩn về đấu giá viên hiện nay đã bị “siết chặt“  hơn, tình trạng thiếu đấu giá viên vẫn xảy ra ở nhiều nơi, đặc biệt là các tỉnh miền núi.

Tại Sơn La, mặc dù cơ chế mà UBND tỉnh trao cho hoạt động  BĐGTS được coi là “thoáng“ và rất thuận lợi tuy nhiên, khó là đến nay công việc nhiều nhưng cả trung tâm mới chỉ có 4 biên chế, trong đó vẻn vẹn 1 đấu giá viên.  “Khó nhất đối với Sơn La hiện nay là hiếm nguồn tuyển dụng. Sinh viên tốt nghiệp Đại học ra trường không về Sơn La công tác hoặc có về nhưng lại không lựa chọn “đầu quân“ cho ngành tư pháp, vì thế tình trạng thiếu cán bộ diễn ra triền miên“ - bà Hoàng Thị Hồng Liên - Giám đốc Trung tâm BĐGTS Sơn La - cho biết.

Bà Liên cũng thừa nhận tình trạng một số đơn vị khi bán tài sản của nhà nước không thông qua Trung tâm BĐGTS và không có đấu giá viên điều hành theo quy định. Để có đánh giá một cách toàn diện về hoạt động BĐGTS trên địa bàn toàn tỉnh này, UBND tỉnh Sơn La cũng đã ban hành kế hoạch kiểm tra đến tận Hội đồng BĐG các huyện, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị...nếu phát hiện vi phạm sẽ chấn chỉnh kịp thời.

Trước tình trạng BĐGTS không có đấu giá viên theo quy định, ông Nguyễn Đại Dân- Giám đốc Trung tâm dịch vụ BĐGTS Hải Dương - dẫn quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 17/CP về nguyên tắc BĐGTS (mọi cuộc bán đấu giá đều phải do đấu giá viên điều hành theo đúng trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản quy định tại Nghị định này, trừ trường hợp Hội đồng BĐGTS đặc biệt theo Điều 20 của Nghị định và Luật, Pháp lệnh có quy định khác) và đề nghị: Trong trường hợp phải thuê đấu giá viên điều hành thì đó phải là đấu giá viên của các Trung tâm chứ không phải là của DN.

Một năm sau khi Nghị định 17/CP về bán đấu giá tài sản (BĐGTS) có hiệu lực, thống kê của Bộ Tư pháp cho thấy, tính đến hết tháng 3/2011, cả nước có 63 Trung tâm dịch vụ BĐGTS, hơn 80 DN bán đấu giá tài sản và trên 600 đấu giá viên. Đến nay, đã có 53 tỉnh đã giao việc bán đấu giá quyền sử dụng đất cho các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp. Nguồn thu từ hoạt động của các tổ chức bán đấu giá đóng góp một phần đáng kể cho ngân sách của các địa phương

Bình An

Đọc thêm