Nhiều vấn đề cần làm rõ
Hôm qua (27/3), tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) phối hợp với Thanh tra Chính phủ tổ chức hội thảo tham vấn dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Phòng chống tham nhũng 2018. Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến từ các đại biểu đến từ các bộ, ngành địa phương và các tổ chức quốc tế, trong đó nội dung được các đại biểu quan tâm thảo luận là những quy định về nhận và tặng quà, kiểm soát xung đột lợi ích và hành vi tham nhũng trong khu vực tư...
“Đây là vấn đề rất khó. Thanh tra Chính phủ cũng phải lắng nghe, tiếp thu ý kiến để khi áp dụng các điều khoản trong nghị định đưa ra có hiệu quả nhất. Nếu nghị định này bám sát thực tiễn, có căn cứ thì việc triển khai sau này rất hiệu quả”, ông Trần Ngọc Liêm, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết.
Đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong công tác phòng chống tham nhũng (PCTN), bà Akiko Fujii, Phó trưởng Đại diện thường trú UNDP Việt Nam cho rằng, một trong những điểm mới trong Luật PCTN năm 2018 là việc mở rộng phạm vi PCTN ra khu vực tư nhân. “Tất cả những nỗ lực này thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện Mục tiêu 16 của Chương trình nghị sự 2030 vì Mục tiêu Phát triển bền vững, trong đó ‘Giảm đáng kể tham nhũng và hối lộ dưới mọi hình thức’ là một trong những chỉ số chính” - bà Akiko Fujii nhận định.
Tại hội thảo, một số ý kiến cũng cho rằng, trong PCTN khu vực nhà nước, Luật đã đưa ra 12 hành vi tham nhũng, nhưng trong khu vực ngoài nhà nước thì phòng chống cái gì? Do đó văn bản Luật phải liệt kê hành vi tham nhũng ngoài khu vực công để thuận tiện trong áp dụng. Bên cạnh đó, Việt Nam có rất nhiều cơ quan có trách nhiệm trong PCTN, nhưng hàng năm chúng ta có đánh giá việc phối kết hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan với nhau trong việc PCTN hay không, đây có được coi là tiêu chí đánh giá công tác PCTN?
Liên quan đến chủ thể PCTN là đối tượng khu vực ngoài nhà nước, ông Vũ Minh Lượng, Chánh Thanh tra tỉnh Nam Định cho rằng, khi đã đưa đối tượng này vào điều chỉnh thì phải được thanh tra theo định kỳ, theo kế hoạch đề ra.
Bởi theo quy định tại dự thảo nghị định thì việc ra quyết định thanh tra phải có một trong các căn cứ: Có dấu hiệu thực hiện không đúng quy định về các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, bao gồm: không ban hành quy định; không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các biện pháp theo quy định; có thực hiện nhưng không kiểm tra, giám sát việc thực hiện theo quy định...
Nếu theo quy định trên thì phải đợi khi có dấu hiệu vi phạm mới được thanh tra, trong khi không phải lúc nào cơ quan nhà nước cũng có thể biết được doanh nghiệp vi phạm để vào thanh tra. “Đến lúc đó có thể chúng ta sẽ buông lỏng quản lý với khối này”, ông Lượng cho hay.
Ngoài ra, nhiều ý kiến khác cho rằng cần làm rõ khái niệm xung đột lợi ích là gì, tránh quy định chung chung. Phó Chánh Thanh tra tỉnh Hòa Bình Phạm Tiến Dũng lấy ví dụ bày tỏ băn khoăn đó là trường hợp bố làm Giám đốc Sở Tài chính, con làm Trưởng phòng Ngân sách thì có phải là xung đột lợi ích hay không? “Đã PCTN thì nên chăng quy định bố làm giám đốc sở thì con đi làm chỗ khác. Như vậy việc xung đột lợi ích mới giải quyết được”, ông Dũng nhấn mạnh.
Tài sản tham nhũng gồm cả vật chất, phi vật chất
Đối với quy định về nhận và tặng quà, theo quy định tại dự thảo Nghị định, cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn chỉ được sử dụng tài chính công, tài sản công để làm quà tặng vì mục đích từ thiện, đối ngoại và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ cao cấp, người có công với cách mạng.
Việc tặng quà phải theo đúng quy định của pháp luật về chế độ, tiêu chuẩn, đối tượng. Trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối; trường hợp không từ chối được thì phải giao lại quà tặng cho bộ phận chịu trách nhiệm quản lý quà tặng của cơ quan, đơn vị đó để xử lý theo quy định.
Còn người có chức vụ, quyền hạn khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối; trường hợp không từ chối được thì phải báo cáo Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị mình và nộp lại quà tặng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị mình trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quà tặng...
Dù quy định khá rõ, tuy nhiên vẫn có ý kiến phân vân đối với quà tặng là khoản lợi ích về tinh thần thì người nhận phải xử lý ra sao do khoản lợi ích này khó quy đổi thành tiền hoặc một khoản vật chất cụ thể để từ chối.
Cho rằng “việc tặng quà và nhận quà không phải là vấn đề xấu”, nhưng theo TS. Đinh Văn Minh, Viện trưởng Viện Khoa học chiến lược Thanh tra (Thanh tra Chính phủ), khó khăn nhất mà chúng ta cần phải điều chỉnh là việc lợi dụng tặng quà và nhận quà để đưa - nhận hối lộ.
“Tại các nước trên thế giới đơn giản hơn, vì họ có thể quy định rõ ràng, dứt khoát, thậm chí họ có thể cấm nhận và tặng quà. Còn ở Việt Nam có truyền thống tặng và nhận quà. Trong tất cả chuyện tặng - nhận quà, ngoài chuyện ơn nghĩa thể hiện tình cảm thì có chuyện người ta lợi dụng để đưa nhận hối lộ nên mình phải có quy định cụ thể”.
Cũng theo Viện trưởng Viện Khoa học chiến lược Thanh tra, bản thân mỗi cán bộ, công chức (CBCC) phải nhận thức được tính chất của quà như thế nào. Nếu món quà đó liên quan đến nhiệm vụ, chức trách của mình thì phải từ chối. Nhà nước sẽ có quy định để bản thân CBCC có thể nhận thức được điều đó để có cách ứng xử trong các trường hợp.
Trong trường hợp cụ thể đã xảy ra cần phải báo cáo như thế nào, quà nộp lại và xử lý ra sao? Đấy là điều mà pháp luật cần hướng tới. Nếu món quà đó là số tiền lớn mà chúng ta hay nói là “trên mức tình cảm” thì rõ ràng là câu chuyện nhận hối lộ.
Theo ông Minh, tài sản dùng để đưa hối lộ hoặc tham nhũng hiện nay được quy định rất rộng, nó không chỉ là tài sản vật chất mà có thể là một chuyến du lịch, đi chữa bệnh, chơi golf, thậm chí nhận hối lộ tình dục... Nghĩa là những gì mang lại lợi ích cho ai đó một cách phi pháp dưới bất kỳ hình thức nào - dù là vật chất hoặc phi vật chất - đều có thể coi đó là hành vi tham nhũng.