Khó quản con nuôi trong nước

 Sau hơn nửa năm thi hành Luật Nuôi con nuôi 2010 (Luật bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2011), Cục Con nuôi - đơn vị tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước trong lĩnh vực này - cho biết, đang gặp phải những vướng mắc đối với việc quản lý con nuôi trong nước.
Sau hơn nửa năm thi hành Luật Nuôi con nuôi 2010 (Luật bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2011), Cục Con nuôi - đơn vị tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước trong lĩnh vực này - cho biết, đang gặp phải những vướng mắc đối với việc quản lý con nuôi trong nước.

“Biện pháp cuối cùng” lại hiệu quả hơn

Triển khai Luật Nuôi con nuôi, Cục Con nuôi đã tích cực xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành, góp phần đảm bảo tính chặt chẽ, an toàn pháp lý khi tìm mái ấm gia đình thay thế cho những trẻ em cho hoàn cảnh khó khăn.

Cụ thể, Cục đã hoàn thiện và trình Chính phủ Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 hướng dẫn thi hành Luật; xây dựng và trình lãnh đạo Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 12/2011/TT-BTP hướng dẫn việc ghi chép, lưu trữ và sử dụng biểu mẫu nuôi con nuôi; soạn thảo dự thảo Thông tư về quản lý tổ chức và hoạt động của các Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam.

Theo quy định của Luật Nuôi con nuôi, để tìm mái ấm thay thế đối với trẻ em cần được chăm sóc và nuôi dưỡng trong môi trường gia đình thì phải ưu tiên giải quyết nuôi con nuôi trong nước, nuôi con nuôi nước ngoài là biện pháp cuối cùng. Định kỳ hàng tháng, Cục Con nuôi vẫn tập hợp danh sách trẻ em cần tìm gia đình thay thế, đăng tải trên trang web của Bộ Tư pháp. Đã có 41 trẻ em thuộc diện này được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ, song chỉ có một số trường hợp được người trong nước đăng ký làm thủ tục nhận nuôi.

Còn từ đầu năm đến nay, Cục đã tiếp nhận 69 hồ sơ nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài, trong đó 60% thuộc diện xin đích danh con riêng của vợ/chồng hoặc trẻ em thuộc danh sách 2 (trẻ bị bệnh hiểm nghèo). Tính đến hết tháng 6/2011, đã có 10 trường hợp nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài được hoàn tất, trong đó 7 trường hợp trẻ thuộc danh sách 2 và 3 trường hợp trẻ thuộc diện con nuôi họ hàng, cha dượng/mẹ kế.

Trong số 7 trẻ thuộc danh sách 2 được giải quyết làm con nuôi, có 1 trẻ bị sứt môi hở hàm ếch, 1 trẻ bị viêm gan, 1 trẻ bị nhược cơ và 4 trẻ HIV dương tính. Đây là kết quả đáng phấn khởi của Chương trình tìm mái ấm gia đình thay thế đối với trẻ có nhu cầu đặc biệt do Cục khởi xướng và thực hiện thí điểm từ tháng 5/2011 tại TP. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Bà Rịa – Vũng Tàu với sự hỗ trợ của UNICEF.

Địa phương không báo cáo về con nuôi trong nước

Cũng trong 6 tháng đầu năm, đối với các trường hợp nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài theo Nghị định số 68/2002/NĐ-CP, Cục Con nuôi đã hoàn tất 511 hồ sơ xin nhận con nuôi Việt Nam từ các nước, đồng thời rà soát và bàn giao 733 hồ sơ tồn đọng để chuyển sang giải quyết theo Luật. Tuy nhiên, về nhiệm vụ tổng hợp tình hình phát triển của trẻ em đã được giới thiệu làm con nuôi nước ngoài mà Nghị định số 68/2002/NĐ-CP đã quy định thì lại chậm triển khai và chưa đạt yêu cầu.

Không những thế, việc quản lý con nuôi trong nước tại Cục Con nuôi có những khó khăn nhất định do không trực tiếp nhận báo cáo từ các Sở Tư pháp và đến nay cũng không nhận được báo cáo nào từ các Sở Tư pháp do Vụ Kế hoạch – Tài chính chuyển để tổng hợp. Quá trình quản lý cho thấy, việc giải quyết nuôi con nuôi trong nước thời gian qua có những bất cập từ quy định của pháp luật cũ về nuôi con nuôi như hiện tượng lạm dụng chính sách con nuôi để hưởng lợi (tại Quảng Nam), con nuôi tại các nhà chùa (tại Bà Rịa – Vũng Tàu).

Phó Cục trưởng Cục Con nuôi Lê Thị Hoàng Yến đã thẳng thắn nhìn nhận: “Công tác quản lý nuôi con nuôi trong nước chưa có nhiều chuyển biến đáng kể, thiếu chủ động trong việc cập nhật thông tin, số liệu”. Nguyên nhân một phần là bởi đội ngũ cán bộ trong Cục còn thiếu trong khi khối lượng công việc đặt ra lại rất lớn. Mặt khác là do phải tập trung hầu như toàn bộ nhân lực của Cục cho việc triển khai, tập huấn Luật Nuôi con nuôi và Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ở cả ba miền nên đã ảnh hưởng đến một số hoạt động khác.

Thục Quyên

Đọc thêm