Khó tổ chức thi hành án khi doanh nghiệp “mất tích”

(PLVN) - Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường hiện nay, số lượng các vụ việc thi hành án liên quan đến đối tượng phải thi hành án là doanh nghiệp ngày càng gia tăng cả về số lượng và giá trị. Tuy nhiên thực tiễn tổ chức thi hành án đối với đối tượng này còn nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp “mất tích”.

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, cơ quan đăng ký kinh doanh (đối với cấp tỉnh là Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc cấp huyện là Phòng Tài chính - Kế hoạch) là cơ quan nắm giữ các thông tin pháp lý quan trọng về doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh từ khi đăng ký thành lập và những thông tin thay đổi về doanh nghiệp, hộ kinh doanh (nếu có) trong suốt quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong quá trình tổ chức thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự (THADS) có quyền yêu cầu cơ quan đăng ký kinh doanh cung cấp các thông tin cần thiết về tài sản của doanh nghiệp phải thi hành án theo quy định của pháp luật THADS và pháp luật doanh nghiệp. Tuy nhiên việc xác minh điều kiện thi hành án đối với người phải thi hành án là doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.

Thực tiễn, có những trường hợp doanh nghiệp “mất tích” (Bản án tòa tuyên doanh nghiệp có trụ sở tại đó nhưng khi cơ quan THADS đi xác minh tại địa chỉ đã đăng ký của doanh nghiệp thì doanh nghiệp đã bỏ đi từ lâu, chuyển đến địa chỉ nào địa phương không biết được hoặc địa chỉ không có thực, tại địa chỉ đăng ký trụ sở, vật duy nhất còn lại của doanh nghiệp là bảng hiệu công ty, (nhiều trường hợp không còn bảng hiệu)…. ) tuy nhiên doanh nghiệp không làm thủ tục đăng ký thay đổi trụ sở, giải thể hoặc phá sản tại cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan quản lý doanh nghiệp cũng không nắm được thông tin về tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Theo đó, về mặt pháp lý doanh nghiệp vẫn có trụ sở tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh, vẫn hoạt động bình thường… nhưng thực tế lại không hoạt động, dẫn đến khó khăn trong tổ chức thi hành án. 

Pháp luật hiện hành còn thiếu cơ chế công khai thông tin về doanh nghiệp và tài sản của doanh nghiệp. Theo đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp có số vốn điều lệ rất lớn nhưng khi xử lý, tài sản, vốn thực tế của doanh nghiệp rất ít, gần như không có để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án, nhiều trường hợp tài sản của doanh nghiệp được cầm cố, thế chấp cho nhiều bên dẫn đến tranh chấp khi tổ chức thi hành án. Trong khi đó, quá trình xét xử kéo dài nên khi thi hành án thì tài sản đã hư hỏng, hao mòn, giá trị tài sản thấp hơn rất nhiều so với khoản được bảo đảm hoặc giá mua tài sản đó trước đây. Nhiều doanh nghiệp mất tích hoặc chủ đầu tư là người nước ngoài đã bỏ về nước và không liên lạc được dẫn đến bế tắc trong tổ chức thi hành án. Có những doanh nghiệp nợ thuế, tiền lương, bảo hiểm xã hội của người lao động với số tiền lớn nên khi xử lý tài sản không đủ để thi hành các khoản nghĩa vụ khác….

Theo quy định tại khoản 1, Điều 50 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung năm 2014 ( Luật THADS) thì thủ trưởng cơ quan THADS ra quyết định đình chỉ thi hành án khi người phải thi hành án là tổ chức đã bị giải thể, không còn tài sản mà theo quy định của pháp luật nghĩa vụ của họ không được chuyển giao cho tổ chức khác ( thuộc trường hợp tổ chức đã bị giải thể hợp pháp theo quy định của pháp luật), còn đối với doanh nghiệp  “mất tích”  thì pháp luật THADS và pháp luật doanh nghiệp chưa quy định nên chưa có cơ chế để xử lý. 

 Do đó, pháp luật doanh nghiệp và pháp luật THADS cần hoàn thiện các quy định đối với các trường hợp này, trong đó cần phải tăng cường hơn nữa công tác hậu kiểm, nâng cao năng lực và trách nhiệm của quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp trong quá trình thành lập và hoạt động, tránh tình trạng cơ quan có thẩm quyền chỉ quản lý doanh nghiệp hoạt động trên hồ sơ mà thiếu kiểm tra, giám sát trên thực tế.

Hoàn thiện các quy định pháp luật về THADS liên quan đến doanh nghiệp, quy định chế tài đủ mạnh để xử lý các vi phạm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp như trong trường hợp cơ quan, tổ chức không thực hiện các quyết định, yêu cầu của chấp hành viên, bên cạnh việc xử phạt vi phạm hành chính (Điều 68, Điều 52 Nghị định 110/2013/ NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã) cần có các chế tài bổ sung trực tiếp đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp;  trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự…để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Đồng thời, đề xuất xem xét việc cho công bố danh sách doanh nghiệp, thành viên sáng lập những doanh nghiệp chây ỳ, trốn tránh nghĩa vụ thi hành án và doanh nghiệp mất tích trên phương tiện thông tin đại chúng, các trang thông tin điện tử... nhằm răn đe, đồng thời cảnh báo cho các đơn vị đối tác trước khi ký kết hợp đồng mới, cũng như hạn chế các hậu quả xấu có thể xảy ra do chính các doanh nghiệp đó gây ra. 

Đọc thêm