Khó triệt tín dụng đen do có cung - cầu trong xã hội

0:00 / 0:00
0:00
Mặc dù chế tài xử lý tội cho vay lãi nặng - cách gọi của tín dụng đen khá nặng (phạt hành chính lên tới 1 tỷ đồng hoặc thậm chí kết án phạt tù tới 3 năm), nhưng tín dụng đen vẫn tồn tại mang tính khách quan và khó để xóa bỏ hoàn toàn do mối quan hệ cung - cầu của xã hội.
Tín dụng đen “núp bóng” cho vay trực tuyến, cho vay qua các ứng dụng.
Tín dụng đen “núp bóng” cho vay trực tuyến, cho vay qua các ứng dụng.

Thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp

Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (C02) đánh giá, sau hơn 2 năm quyết liệt thực hiện Chỉ thị 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật (VPPL) liên quan đến hoạt động tín dụng đen (TDĐ), tình hình tội phạm và VPPL có liên quan đến hoạt động TDĐ đã có những chuyển biến tích cực, tình trạng treo biển, dán tờ rơi, quảng cáo giảm mạnh.

Tuy nhiên, tình hình tội phạm và VPPL liên quan đến hoạt động TDĐ vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp. Các đối tượng chuyển hướng lợi dụng công nghệ, mạng xã hội,…, mời chào, dụ dỗ người kinh doanh nhỏ lẻ, người lao động thu nhập thấp, công nhân, thanh, thiếu niên… vay tiền.

Để đối phó với các cơ quan chức năng, các đối tượng chuyển hướng thành lập các DN “núp bóng” cho vay trực tuyến, cho vay qua ứng dụng hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội (zalo, facebook) để len lỏi, tiếp cận, mời chào số lượng lớn người có nhu cầu vay tiền với thủ đoạn quảng cáo không cần thế chấp tài sản, chỉ cần giấy tờ tùy thân, giải ngân ngay qua tài khoản ngân hàng…, nhưng thu thêm nhiều khoản phí, tiền phạt trái pháp luật (thực chất là lách số tiền lãi vượt ngưỡng theo quy định của pháp luật); Lập các hợp đồng mua bán, giao nhận tiền, tài sản khống, ép người đi vay thực hiện khống các hành vi VPPL nhằm gây bất lợi về pháp lý cho người vay…

Đặc biệt, từ 1/1/2021, ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê đã bị cấm hoạt động, tuy nhiên, một số công ty hoạt động “núp bóng” dưới danh nghĩa các công ty bảo vệ, tư vấn luật, mua bán nợ, ủy quyền đòi nợ, sử dụng nhân viên của các công ty đòi nợ trước đây để liên kết với các doanh nghiệp (DN), cơ sở cho vay hoặc cho đối tác thuê nhân viên để đòi nợ…

Được biết, sau 2 năm thực hiện Chỉ thị 12/CT-TTg, lực lượng công an đã phát hiện 1.047 vụ với 1.718 đối tượng có hành vi VPPL liên quan đến TDĐ; đã khởi tố 554 vụ với 990 đối tượng, gồm các tội danh liên quan đến giết người, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Riêng về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, đã phát hiện 539 vụ và 884 đối tượng, chiếm trên 51% tổng số các vụ việc được phát hiện.

“Mới tuần vừa qua, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an triệt phá nhóm đối tượng gốc Hải Phòng hoạt động ở TP Hồ Chí Minh, lãi suất 1.700%/năm. Trong đó, một bị hại vay của nhóm đối tượng này 16,2 tỷ đồng, đã trả trên 20 tỷ, đến nay còn nợ hơn 11 tỷ đồng nữa…” , Thiếu tướng Trần Ngọc Hà thông tin.

Đẩy mạnh tín dụng ngân hàng

Về vấn đề này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho rằng, mặc dù chế tài xử lý tội cho vay lãi nặng – cách gọi chính thức của TDĐ khá nặng (xử phạt hành chính lên tới 1 tỷ đồng hoặc thậm chí kết án phạt tù tới 3 năm) nhưng TDĐ vẫn tồn tại mang tính khách quan và khó để xóa bỏ hoàn toàn do mối quan hệ cung – cầu của xã hội.

Thực tế cho thấy, một bộ phận người dân cần vay vốn phục vụ các nhu cầu cấp bách, hoặc các nhu cầu trái pháp luật, không có khả năng đáp ứng các yêu cầu, điều kiện vay ngân hàng sẽ tìm tới TDĐ do các thủ tục vay vốn đơn giản, giải ngân nhanh chóng mà không cần tài sản thế chấp.

Mặt khác, dù các tổ chức tín dụng (TCTD) đã tích cực đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng tiêu dùng, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, tuy nhiên một số bộ phận người dân còn tìm đến vay tiền từ TDĐ do để phục vụ nhu cầu vay vốn không hợp pháp (cờ bạc, ma túy, kinh doanh phi pháp,...) hoặc do thói quen tiêu dùng, tâm lý ngại tiếp xúc với ngân hàng. Đặc biệt, ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhất là đợt bùng phát lần thứ 4 vừa qua, khó khăn về kinh tế có thể làm tình hình TDĐ trở nên căng thẳng hơn.

Để góp phần đẩy lùi TDĐ, bên cạnh biện pháp tuyên truyền được đánh giá là rất quan trọng, về phía các ngân hàng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đề nghị các ngân hàng cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong hoạt động ngân hàng; chú trọng xây dựng mô hình hoạt động, sản phẩm dịch vụ ngân hàng thân thiện, dễ sử dụng, dễ tiếp cận với đại đa số người dân. Trong đó, Ngân hàng Chính sách xã hội tập trung nguồn lực, tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng chính sách, góp phần đẩy lùi TDĐ.

“Trước khi tìm đến TDĐ, người dân cần tìm đến các TCTD trước…”, lãnh đạo NHNN đưa ra lời khuyên.

Các công ty tài chính do NHNN cấp phép đang bị ảnh hưởng

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), ông Nguyễn Quốc Hùng, để góp phần đẩy lùi TDĐ, thực hiện Chỉ thị 12/CT-TTg, ngành ngân hàng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý để các TCTD, công ty tài chính, các Quỹ tín dụng và Tổ chức tài chính vi mô mở rộng mạng lưới, nhằm hỗ trợ người dân, DN tiếp cận vốn tín dụng tại các TCTD, các công ty tài chính được NHNN cấp phép. Các tổ chức này đã mở rộng mạng lưới, đa dạng sản phẩm dịch vụ, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay đáp ứng nhu cầu vay vốn của DN và mọi tầng lớp dân cư. Qua đó, góp phần tăng cường tiếp cận tín dụng qua các kênh chính thức, đặc biệt là với người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người lao động ở các khu công nghiệp, những người có thu nhập thấp.

Mặc dù vậy, tình hình tội phạm liên quan đến hoạt động TDĐ vẫn xảy ra ở nhiều địa phương với thủ đoạn tinh vi, phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, gây lo lắng và bức xúc trong nhân dân. Nhiều công ty tài chính thành lập theo Luật DN do Sở Kế hoạch và Đầu tư các địa phương cấp - không phải do NHNN cấp phép, nhiều App cho vay online... với điều kiện vay vốn hết sức hấp dẫn, khiến dư luận hiểu lầm với các công ty tài chính tiêu dùng được NHNN cấp phép.

Đọc thêm