Khó xử lý bồi thường thiệt hại các hành vi gây ô nhiễm môi trường

(PLVN) -Vừa qua, tại Cần Thơ, Hội Luật gia Việt Nam tổ chức hội nghị tập huấn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và phòng, chống tham nhũng.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam chia sẻ: Công tác phòng, chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong công tác chính trị của cả nước. Đặc biệt là Hội Luật gia Việt Nam cần tham gia sâu hơn và có trách nhiệm hơn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tư vấn pháp luật cho mọi tầng lớp nhân dân. Góp phần cùng Đảng và Nhà nước đảm bảo quyền lợi của người dân. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức các buổi toạ đàm, hội nghị nhằm xây dựng đạo đức liêm chính cho mỗi luật gia. Qua đó, hội nghị tiến hành đánh giá khách quan kết quả của Hội sau 4 năm hoạt động, đồng thời đề ra những giải pháp mới trong thời gian tới nhằm hướng tới hoạt động có hiệu quả cao hơn.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam phát biểu chỉ đạo tại hội nghị về công tác của Hội trong thời gian tới.  

Theo ông Dương Đình Khuyến, Trưởng Ban Tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho biết: Hiện nay trên phạm vi cả nước hội có 81 trung tâm tư vấn pháp luật trực thuộc trung ương hội và các tỉnh, thành. Các lĩnh vực tư vấn pháp luật khá đa dạng chủ yếu là các vấn đề: pháp luật dân sự (thừa kế, tài sản), hôn nhân - gia đình, đất đai (đền bù giải phóng mặt bằng), lao động và công đoàn... Đối tượng chỉ yếu là người nghèo, đồng bào dân tộc, trẻ em, nạn nhân của bạo lực gia đình, người nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS... Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả khả quan đạt được thì vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn vướng mắt. Điển hình là tiêu chuẩn đối với tư vấn viên tương đối cao; hoạt động tư vấn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn; thiếu điều kiện cơ sở vật chất và kinh phí để đảm bảo quá trình hoạt động.

Hiện nay, dưới sự phát triển vượt bậc của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên phạm vi cả nước tình trạng ô nhiễm môi trường đang có xu hướng ngày càng gia tăng đã gây ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội và cuộc sống người dân. Theo thống kê, lượng phát sinh chất thải rắn sinh hoạt ở nước ta hiện nay đạt khoảng 25,5 triệu tấn/năm, đây thực sự là một con số báo động và cần được xử lý triệt để. Luật sư Lê Văn Hợp, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu linh tế, pháp luật ASEAN, Hội Luật gia Việt Nam dự báo đến năm 2020, tổng khối lượng chất thải rắn phát sinh ở các khu công nghiệp và các cụm công nghiệp tại các vùng lãnh thổ khoảng 57.000 tấn/ngày. Nguyên nhân là do hệ thống chính sách pháp luật về quản lý chất thải rắn còn chưa đầy đủ, chồng chéo. Công tác tổ chức, phân công trách nhiệm vẫn còn phân tán và thiếu sự thống nhất đã gây khó khăn trong việc thực thi các chính sách và các văn bản pháp luật. Vấn đề lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn là bài toán thách thức đối với các nhà quản lý và các nhà khoa học. Đa phần hiện nay nước ta còn sử dụng công nghệ chưa thực sự hiện đại và có quy mô nhỏ. Vì vậy, trong thời gian tới Hội luật gia Việt Nam cần tăng cường công tác chỉ đạo nhằm phổ biến rộng rãi Luật Bảo vệ môi trường đến với mọi tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, cần nâng cao kỹ năng truyền thông môi trường đảm bảo kiện toàn vai trò thông tin, huy động, thương lượng, tạo cơ hội, đối thoại và hỗ trợ.

Bờ hồ Bún Xáng (TP Cần Thơ) ngập ngụa trong biển rác (hình ảnh được chụp vào ngày 17/12/2020).

Mặc dù các quy định về bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đã được quy định cụ thể trong hệ thống pháp luật nhưng việc áp dụng vẫn còn nhiều khó khăn và vướng mắc. Trên thực tiễn cho thấy các yêu cầu bồi thường thiệt hại thông thường không thực hiện khởi kiện tại Tòa án hay giải quyết tại Trung tâm trọng tài mà chủ yếu giải quyết qua thương lượng hòa giải; Doanh nghiệp không chấp nhận “bồi thường thiệt hại” mà chỉ “hỗ trợ” người bị thiệt hại; Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc giải quyết khiếu nại về ô nhiễm môi trường và yêu cầu bồi thường thiệt hại chưa được nhận thức đầy đủ và quan tâm đúng mức. Vì vậy, Luật Bảo vệ môi trường mới được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 17/11/2020 sẽ làm rõ các quy định pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do gây ô nhiễm môi trường được quy định từ điều 130 - 135. 

Đọc thêm