Khoa Đào tạo Luật sư, Học viện Tư pháp: 20 năm xây dựng và phát triển

(PLVN) -Chiều 28/8, Học viện Tư pháp tổ chức Hội thảo khoa học “Khoa Đào tạo Luật sư - 20 năm xây dựng và phát triển”. Hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện hướng đến kỷ niệm 20 thành lập khoa Đào tạo Luật sư.

Nhiều thành tựu nổi bật trên hành trình 20 năm đào tạo nghề luật sư

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Minh Hằng, Phó giám đốc Học viện Tư pháp nhấn mạnh, hành trình 20 năm xây dựng và phát triển với những sự nỗ lực, chung tay, cống hiến của biết bao thế hệ thầy và trò khoa đào tạo luật sư đã tạo nên những thành tích đáng ghi nhận. Cụ thể, ngày 22/09/2004 Khoa Đào tạo Luật sư được thành lập đồng thời cùng với Học viện Tư pháp (tiền thân là Trường Đào tạo các chức danh tư pháp), năm 2019, Khoa Đào tạo Luật sư là đơn vị đầu tiên trong các đơn vị thuộc Học viện Tư pháp được nhận Bằng khen của Thủ tướng chính phủ, từ năm 2019 đến nay với những sửa đổi, bổ sung trong chương trình đào tạo, phát triển đội ngũ giảng viên, đẩy mạnh ứng dụng các khoa học kỹ thuật để triển khai thành công bên cạnh chương trình đào tạo luật sư trực tiếp còn có chương trình đào tạo luật sư kết hợp trực tiếp và từ xa theo phương thức trực tuyến.

PGS.TS Nguyễn Minh Hằng, Phó giám đốc Học viện Tư pháp phát biểu khai mạc Hội thảo.

Trên cơ sở tổng kết, đánh giá quá trình 20 năm xây dựng, trưởng thành để nhận diện, định hướng tầm nhìn phát triển của Khoa Đào tạo Luật sư, đồng thời xây dựng chiến lược hiện đại hóa mô hình đào tạo nghề luật sư ở giai đoạn tiếp theo. PGS.TS Nguyễn Minh Hằng mong muốn, Hội thảo tạo diễn đàn chính trị, khoa học, pháp lý để trao đổi, tổng kết. đánh giá những thành tựu đạt được trong 20 năm thực hiện nhiệm vụ chuyên môn trong hoạt động đào tạo nghề luật sư; chia sẻ kinh nghiệm về các hoạt động đào tạo nghề luật sư, đồng thời tạo diễn đàn đối thoại, tư vấn định hướng, tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển mô hình đào tạo nghề luật sư giai đoạn tiếp theo trong điều kiện tiếp tục xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn về đào tạo các chức danh tư pháp ở Việt Nam, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, hội nhập quốc tế và hội nhập Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Tại Hội thảo, TS. Lê Mai Anh, nguyên Phó Giám đốc Học viện Tư pháp trình bày nội dung về “20 năm Khoa Đào tạo Luật sư – Hành trình, khát vọng, kiến tạo mô hình đào tạo nghề luật sư ở Việt Nam”. TS. Lê Mai Anh cho biết, ngày 22/09/2004, Giám đốc Học viện Tư pháp ban hành Quyết định số 295/QĐ - HVTP về việc thành lập Khoa Đào tạo Luật sư. Việc thành lập Khoa Đào tạo luật sư không đơn thuần là công việc phát triển bộ máy tổ chức và quản trị đào tạo đối với một cơ sở đào tạo chức danh tư pháp của Chính phủ mà còn có ý nghĩa khẳng định sự đúng đắn, kịp thời của chủ trương chú trọng xây dựng, phát triển một trong số những nghề nghiệp có vai trò quan trọng đối với công cuộc cải cách tư pháp của Việt Nam.

TS. Lê Mai Anh, nguyên Phó Giám đốc Học viện Tư pháp trình bày tại Hội thảo.

Mục tiêu thành lập Học viện Tư pháp (từ tiền thân là Trường Đào tạo các chức danh tư pháp) và thành lập Khoa thuộc Học viện được xác định nhằm tạo dựng nền móng vững chắc cho sự phát triển hệ thống đào tạo nghề luật chuyên nghiệp ở Việt Nam thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế; từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển về đào tạo nghề luật ở nước ta so với những quốc gia có nền tư pháp phát triển mạnh và lâu đời trên thế giới.

Về dấu mốc vai trò và địa vị, pháp lý của Khoa Đào tạo Luật sư trong hệ thống tổ chức bộ máy và quản trị đào tạo chức danh tư pháp của Học viện Tư pháp, TS Lê Mai Anh nêu rõ, là đơn vị chuyên môn thuộc Học viện Tư pháp, hiện Khoa đào tạo Luật sư có vị trí, vai trò và địa vị pháp lý quan trọng trong cơ cấu tổ chức bộ máy và trong hệ thống quản trị hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học của nhà trường. Với ba trụ cột chức năng chính (tham mưu, giúp Giám đốc và thực hiện các lĩnh vực công tác được giao), chịu trách nhiệm thực thi 9 nhiệm vụ trong lĩnh vực đào tạo, 3 nhiệm vụ trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và nhiều nhiệm vụ trong quản lý người học cũng như các lĩnh vực hoạt động khác của Học viện, Khoa Đào tạo Luật sư được xác định là một trong số đơn vị gánh vác khá nhiều công việc của nhà trường.

Về dấu mốc về thành tựu đào tạo, nghiên cứu khoa học tư pháp ứng dụng, theo TS Lê Mai Anh thành tựu nổi bật về hoạt động đào tạo nghề luật sư của Khoa Đào tạo Luật sư trên hành trình 20 năm thể hiện qua số lượng chung về học viên đã qua đào tạo của toàn Học viện Tư pháp trong hơn 20 năm xây dựng và phát triển, đó là 53.591 học viên đã và đang theo học Chương trình đào tạo nghề luật sư, trong đó có 43.688 đã tốt nghiệp và được cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp khóa đào tạo nghề luật sư . Đối với lĩnh vực nghiên cứu khoa học tư pháp ứng dụng và chuyển giao công nghệ, đến nay, các giảng viên của Khoa đã chủ trì 01 đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, 33 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở.

Chú trọng hoạt động đào tạo luật sư trong bối cảnh mới

Chia sẻ về cơ hội trong hoạt động đào tạo luật sư trong bối cảnh cải cách tư pháp, hội nhập quốc tế và cách mạng 4.0, TS. Nguyễn Thị Vân Anh, Phó Trưởng Khoa Đào tạo Luật sư kiêm Trưởng Bộ môn Kỹ năng tư vấn pháp luật và giải quyết tranh chấp ngoài toà án nêu rõ, giai đoạn phát triển mới đòi hỏi nhu cầu nhân sự rất lớn của nghề Luật sư. Việt Nam đang trong thời kỳ phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế và cách mạng công nghệ 4.0, các tổ chức, cá nhân nói chung và doanh nghiệp nói riêng ngày càng có ý thức và nhu cầu được cung cấp dịch vụ pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; việc áp dụng công nghệ 4.0 trong lĩnh vực giáo dục nói chung và đào tạo các chức danh tư pháp, đào tạo luật sư nói riêng thúc đẩy và tạo cơ hội cho hoạt động đào tạo, các phương thức đào tạo mới so với truyền thống như E – learning; xu hướng đào tạo trực tuyến - Lớp học ở mọi nơi, mọi lúc thông qua các thiết bị kết nối internet như smartphone, laptop... người học có thể tham gia vào các lớp học ảo bất cứ lúc nào…

TS. Nguyễn Thị Vân Anh, Phó Trưởng Khoa Đào tạo Luật sư phát biểu tại Hội thảo.

Bên cạnh đó, hoạt động đào tạo luật sư trong bối cảnh cải cách tư pháp, hội nhập quốc tế và cách mạng 4.0 cũng đặt ra các thách thức như: sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế, kiến thức pháp lý, kỹ năng hành nghề luật sư cũng liên tục được đổi mới đặt ra yêu cầu các học viên Luật sư phải không ngừng cập nhập thông tin, kiến thức pháp luật quốc tế, pháp luật về thương mại, đầu tư quốc tế, kiến thức và khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghề nghiệp, ngoại ngữ…; trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, tích hợp với các công cụ cho chuyển đổi số là cực kỳ quan trọng đối với cơ sở đào tạo.

Theo TS. Nguyễn Thị Vân Anh, thời gian tới, để tiếp tục phát triển Khoa Đào tạo Luật sư cần tiếp tục đổi mới về nội dung chương trình đào tạo. Nắm bắt nội dung của cải cách tư pháp, những đặc trưng của thị trường cung cấp dịch vụ pháp lý trong bối cảnh hội nhập quốc tế và nền kinh tế số để có những thay đổi phù hợp về đào tạo nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị của luật sư, từ đó phát triển hoạt động đào tạo luật sư chuyên nghiệp, tạo thành “thương hiệu” trong hoạt động đào tạo Luật sư của Việt Nam; tiếp tục đổi mới phương pháp đào tạo ứng dụng sự phát triển của khoa học công nghệ; giáo trình học liệu được số hóa, xây dựng ngân hàng bài giảng điện tử; phương pháp kiểm tra đánh giá được thực hiện trên môi trường số về giao đề kiểm tra, thời gian làm bài, tương tác giữa giảng viên và học viên về kết quả kiểm tra, đánh giá…; tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên; tiếp tục hợp tác quốc tế trong đào tạo luật sư với các cơ sở đào tạo tiên tiến trên thế giới.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã góp ý các nội dung về đánh giá chất lượng học viên, chất lượng chương trình đào tạo; áp dụng và khai thác tối đa hiệu quả của chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng nghề luật sư; chú trọng bồi dưỡng phương pháp giảng dạy cho giảng viên tập trung vào việc tăng cường khả năng áp dụng phương pháp dạy học tích cực; kỹ năng sử dụng các thiết bị, phòng học thông minh; kỹ năng giao tiếp, tương tác với học viên qua môi trường internet, năng lực quản lý tài nguyên mạng, có khả năng sử dụng thành thạo các phương tiện công nghệ phục vụ quá trình dạy học, chuyển đổi từ các hình thức giảng dạy truyền thống sang các hình thức giảng dạy áp dụng công nghệ số hóa; mở rộng đội ngũ giảng viên thỉnh giảng là người đang hành nghề, tăng cường cập nhật kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn cho đội ngũ giảng viên cơ hữu; chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động đào tạo…

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

PGS.TS Nguyễn Minh Hằng Phó Giám đốc Học viện Tư pháp
T.S Vũ Thị Hòa Trưởng Khoa Đào tạo Luật sư
Bà Đặng Kim Hoa Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp

Đọc thêm