PV: Xin ông cho biết những nét khái quát về hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Luật Hà Nội trong thời gian qua?
PGS,TS. Tô Văn Hòa: Kể từ khi thành lập cho đến nay, suốt chiều dài 45 năm hình thành và phát triển, được sự tin tưởng và trao nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội tự hào là một trong những cơ sở đào tạo và nghiên cứu pháp luật hàng đầu của Việt Nam, được Chính phủ xác định là tiếp tục trường trọng điểm đào tạo cán bộ pháp luật theo Quyết định số 1156/QĐ-TTg ngày 30 tháng 9 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ. Chính vì vậy, Trường Đại học Luật Hà Nội tiếp tục và kiên định hướng phát triển trở thành trường đại học định hướng nghiên cứu, dẫn dắt phát triển khoa học pháp lý và hội nhập quốc tế, tiên phong giải quyết các vấn đề mới của đất nước, của ngành tư pháp và của mỗi địa phương, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Mục tiêu của Trường đến năm 2030, hoạt động nghiên cứu khoa học đóng vai trò nòng cốt cho sự phát triển Trường góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, phục vụ sự phát triển của đất nước, của ngành tư pháp, của địa phương và hội nhập quốc tế.
Những năm trở lại đây, Trường cũng đã đổi mới quan điểm tiếp cận trong nghiên cứu khoa học thông qua tiếp cận liên ngành, đa lĩnh vực; xây dựng và phát triển mô hình nghiên cứu kết hợp giữa Trường với các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương, liên kết giữa đối tác trong nước và quốc tế. Từng bước, Trường đã ghi dấu ấn tích cực vào quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, đóng góp thiết thực vào các sự kiện quan trọng của đất nước trong thời gian qua. Trường đã thành lập 12 nhóm nghiên cứu, đồng thời có chính sách khuyến khích để các nhóm nghiên cứu tham gia các đề tài, đề án cấp tỉnh, cấp Bộ, cấp Nhà nước và có công bố quốc tế. Trường cũng chú trọng đào tạo bồi dưỡng, phát triển thế hệ các nhà khoa học trẻ, khuyến khích các giảng viên đi học nghiên cứu sinh, nghiên cứu sau tiến sĩ ở các nước phát triển. Phong trào nghiên cứu khoa học của sinh viên phát triển mạnh với hàng trăm đề tài mỗi năm, trong đó có nhiều đề tài được cử dự thi các giải thưởng dành cho sinh viên và đạt giải cấp Quốc gia.
Trong năm học 2023 – 2024 vừa qua, Trường đã chủ trì thực hiện thành công 06 đề tài cấp Bộ; 08 đề tài cấp thành phố, tỉnh; 56 đề tài cấp cơ sở; có 58 công trình khoa học quốc tế, gần 300 báo cáo công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước, 280 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên. Hàng chục hội thảo các cấp được tổ chức để đóng góp vào hoàn thiện chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, trong đó có một số hội thảo lớn góp ý cho các dự thảo luật quan trọng như Luật Thủ đô (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi)… đã thu hút sự chú ý của các cơ quan hoạch định chính sách và công luận.
PV: Xin ông cho biết đôi nét về Diễn đàn Luật học và Phát triển của Trường cũng như chủ đề của Diễn đàn năm nay?
Diễn đàn “Luật học và Phát triển” (Legal Studies for Development Forum, viết tắt là LSDF) là chuỗi các hoạt động khoa học được tổ chức vào tháng 5 hằng năm, là sự kiện khoa học lớn của Trường để chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Diễn đàn được xem là điểm nhấn, là trung tâm của hoạt động nghiên cứu khoa học pháp lý và liên ngành do Trường tổ chức hằng năm.Trường Đại học Luật Hà Nội hy vọng thông qua Diễn đàn có thể huy động, phát huy tri thức luật học và tri thức liên ngành của các nhà khoa học trong và ngoài Trường để phục vụ cho sự phát triển của khoa học pháp lý nói chung và của Bộ, ngành Tư pháp nói riêng với mục tiêu cao nhất là góp phần vào sự phát triển của đất nước. Tôn chỉ của Diễn đàn là “Luật học phục vụ phát triển”. Thông qua các sự kiện khoa học của Diễn đàn, Trường Đại học Luật Hà Nội kỳ vọng sẽ thúc đẩy nghiên cứu khoa học pháp lý, từ các vấn đề lý luận cơ bản, các vấn đề về chính sách, pháp luật mang tính thời sự, các lĩnh vực khoa học liên ngành đến các hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học.
Năm nay, Diễn đàn Luật học và Phát triển đã lựa chọn chủ đề “Pháp luật và trí tuệ nhân tạo”. Như TS. Đoàn Trung Kiên, Hiệu trưởng nhà Trường đã phát biểu trong Lễ khai mạc Diễn đàn vào ngày 14 tháng 5 vừa qua, chủ đề của Diễn đàn năm nay rất có ý nghĩa trong bối cảnh Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư đang phát triển như vũ bão, trong đó đặc biệt là Trí tuệ nhân tạo ngày càng phát triển, được xem là trung tâm của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư hiện nay và sẽ có tác động rộng lớn, sâu sắc tới mọi mặt của đời sống chính trị - xã hội. Sự thâm nhập và ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội ngày càng nhanh và sâu sắc, trong đó có lĩnh vực pháp luật. Bên cạnh đó, khung khổ pháp luật sẽ ứng xử như thế nào với các ứng dụng có sử dụng AI, như việc điều chỉnh các mối quan hệ xã hội phát sinh trong lao động sáng tạo, quyền sở hữu, đạo đức nghiên cứu, tư vấn pháp luật, đánh giá pháp luật, phản biện xã hội v.v.. đều là những vấn đề rất đáng quan tâm.
Có thể thấy, Diễn đàn Luật học và Phát triển năm 2024 đã lựa chọn một vấn đề rất mới, đang định hình, cũng như đang được tập trung nghiên cứu ở các mức độ khác nhau, các lĩnh vực khác nhau. Hội thảo đã diễn ra rất thành công vào ngày 14 tháng 5 năm 2024 vừa qua, được sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong cả lĩnh vực công nghệ thông tin và pháp luật cho thấy mối quan tâm chung của các ngành khoa học khác nhau về cùng một chủ đề mới, từ đó có thể đưa đến các nghiên cứu liên ngành, phương thức nghiên cứu đang ngày càng có vai trò quan trọng trong việc giải quyết những vấn đề mới của đất nước, của xã hội một cách hiệu quả hơn.
Trong thời gian tới, Trường Đại học Luật Hà Nội sẽ tiếp tục nâng tầm ảnh hưởng của Diễn đàn với việc tổ chức các sự kiện khoa học có tầm ảnh hưởng ở quy mô quốc gia, có thể có sự tham gia tổ chức và chủ trì của các cơ quan trung ương và địa phương. Chủ đề được lựa chọn của Diễn đàn tiếp tục là những vấn đề có tính tiên phong, cấp thiết, có tầm ảnh hưởng lớn về chính sách và pháp luật cả về lý luận và thực tiễn. Ngoài Diễn đàn Luật học và Phát triển, Trường có thể nghiên cứu và tổ chức những diễn đàn khoa học khác như diễn đàn luật gia trẻ, diễn đàn sinh viên và pháp luật v.v..
PV: Thưa ông, để đạt được những mục tiêu đề ra trong bối cảnh hiện nay, Trường Đại học Luật Hà Nội có những phương hướng, giải pháp gì trong thời gian tới để nâng cao chất lượng hoạt động khoa học?
Hiện nay, Trường đã và đang nghiên cứu và thực hiện nhiều giải pháp trong hoạt động khoa học để thực hiện được các mục tiêu trong Chiến lược phát triển Trường Đại học Luật Hà Nội đến năm 2030.
Trước tiên, Trường tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế về hoạt động khoa học và công nghệ theo hướng tự chủ đại học và quản trị đại học hiện đại cũng như từng bước đổi mới công tác quản lý tài chính đối với hoạt động khoa học, tăng nguồn chi cho hoạt động khoa học và công nghệ để từng bước phù hợp với trường đại học định hướng nghiên cứu.
Hai là, Trường tiếp tục nỗ lực đa dạng hoá các hoạt động hợp tác nghiên cứu với các bộ ngành, doanh nghiệp, địa phương để phát huy thế mạnh nguồn nhân lực trong nghiên cứu khoa học, nâng cao vị thế của Trường Đại học Luật Hà Nội với vai trò dẫn dắt trong các hoạt động nghiên cứu khoa học.
Ba là, Trường tăng cường tổ chức các hội thảo quốc tế, hội thảo quốc gia với sự tham gia phối hợp tổ chức của các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu lớn trong và ngoài nước, đồng thời tăng cường khả năng “phản ứng nhanh” với các sự kiện kinh tế - xã hội “nóng” của đất nước.
Bốn là, Trường chú trọng việc ký các thỏa thuận hợp tác (MOU) với các cơ sở nghiên cứu hàng đầu về chính sách ở Việt Nam, đồng thời nghiên cứu cơ chế khuyến khích, hỗ trợ để phát huy vai trò chủ động của các đơn vị chuyên môn, của các nhà khoa học có uy tín trong việc kết nối với các tổ chức có nhu cầu cũng như hợp tác trong nghiên cứu khoa học.
Năm là, Trường chú trọng thành lập thêm các nhóm nghiên cứu, trong đó ưu tiên các nhóm nghiên cứu quốc tế và nhóm nghiên cứu mạnh, nhóm nghiên cứu liên ngành với sự tham gia của các nhà khoa học trong và ngoài nước để có thể có những nghiên cứu lớn, bền bỉ, chuyên sâu tạo nên dấu ấn của Trường.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!