Khoai lang tím tồn trên 8.000 tấn, bơ, xoài, thanh long rớt giá, cách nào 'gỡ khó' cho nông dân?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhiều loại rau củ, trái cây đang rớt giá thảm xuống còn 2.000-3.000 đồng/kg khiến người nông dân điêu đứng, đứng trước nguy cơ thua lỗ nặng.
Nông dân thu hoạch khoai lang tím nhưng không có thương lái thu mua hoặc thu mua rất ít.
Nông dân thu hoạch khoai lang tím nhưng không có thương lái thu mua hoặc thu mua rất ít.

Đợt dịch COVID-19 thứ 4 bùng phát trở lại vào đúng thời điểm nhiều địa phương thu hoạch nông sản. Khó khăn chồng chất khó khăn khi thị trường xuất khẩu thu hẹp, tiêu thụ trong nước chật vật khiến giá cả các mặt hàng nông sản rớt giá mạnh, gây ảnh hưởng lớn đến thu nhập và đời sống của người dân.

Theo thống kê của Cục Công Thương địa phương, Bộ Công Thương, một số loại nông sản trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đang tồn đọng với số lượng lớn.

Trong đó, sản phẩm khoai lang tím nhật đang tồn đọng với sản lượng 8.494 tấn do chủ yếu thương lái không thu mua hoặc thu mua rất ít.

Trong thời gian tới, một số sản phẩm sẽ vào vụ thu hoạch như: ớt với sản lượng thu hoạch đến cuối vụ ước đạt 32.145 tấn; cá tra, basa với sản lượng ước đạt 184.587 tấn; lúa với sản lượng ước đạt 1.514.900 tấn...

Tại tỉnh Đắk Lắk, một số hợp đồng xuất khẩu nông sản bị hủy hoặc tạm ngừng với đối tác nước ngoài và một số nước nhập khẩu nông sản có yêu cầu xét nghiệm COVID-19 đối với sản phẩm nông sản.

Tuy nhiên, hiện nay năng lực xét nghiệm của tỉnh chưa đáp ứng đủ, kịp thời. Đồng thời chưa có quy chuẩn, quy trình vận chuyển, lưu thông hàng hóa thống nhất bảo đảm an toàn phòng chống COVID-19 trong sản xuất, thu hoạch, bao gói, vận chuyển nông, lâm thủy sản.

Ngoài ra, một số trái cây giảm giá trong thời gian dài đặc biệt là Xoài giảm giá mạnh, Bơ Boot trái vụ đã rớt giá mạnh, trước đây trung bình khoảng 30.000 đồng/kg, trong vụ vừa qua có thời điểm xuống còn 6.000 đồng/kg.

Nguyên nhân giảm là do cung vượt cầu, thiếu nhà máy chế biến sâu; cây dứa, trước đây giá bán xô khoảng 10.000 đồng - 12.000 đồng/kg, đến thời điểm hiện nay giá xuống thấp còn khoảng 6.000 đồng/kg. Nguyên nhân do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, người dân hạn chế tiêu dùng, việc vận chuyển tiêu thụ khó khăn…cung vượt cầu trong bối cảnh hiện tại.

Thanh long ruột đỏ ở tỉnh Long An đang được bán tại vườn với giá chỉ từ 3.000-5.000 đồng/kg.

Thanh long ruột đỏ ở tỉnh Long An đang được bán tại vườn với giá chỉ từ 3.000-5.000 đồng/kg.

Tương tự, tại tỉnh Quảng Ngãi, hiện nay, ớt đang vào mùa thu hoạch cuối mùa của đợt 1. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là nội địa, giá bán hiện tại từ 3.000-4.000 đồng/kg, giá giảm từ 23.000-27.000 đồng/kg so với đầu mùa, và giảm giá mạnh so với cùng kỳ những năm trước, khiến nhiều người dân ở các huyện trồng ớt nhiều như thành phố Quảng Ngãi, huyện Tư Nghĩa, Bình Sơn lao đao.

Thanh long ruột đỏ ở tỉnh Long An, tại kho xuất đi khoảng từ 9.000-15.000 đồng/kg tùy loại 2, 3; giá thu mua tại vườn từ 3.000-5.000 đồng/kg; thanh long ruột trắng tại kho giá khoảng 9.000-12.000 đồng/kg, tại vườn khoảng 2.000-3.000 đồng/kg (Chi phí sơ chế và bảo quản cao nên có sự chênh lệch giữa giá mua và giá xuất). Kênh tiêu thụ chủ yếu là xuất khẩu tiểu ngạch, hệ thống phân phối ít so với sản lượng sản xuất.

Sản xuất nông nghiệp tỉnh Kon Tum chịu nhiều yếu tố bất lợi, gặp nhiều khó khăn, thách thức như thiên tai, dịch bệnh xảy ra thường xuyên và trên diện rộng, khiến sản phẩm cà phê không tiêu thụ được tại thị trường nội địa.

Sản lượng tiêu thụ giảm 80% so với mức tiêu thụ trước khi dịch bệnh xảy ra; không xuất khẩu được sản phẩm cà phê đến các nước khác; sản lượng tiêu thụ cà phê bột, trà hòa tan… tại thị trường trong nước giảm 80-85%; sản lượng tiêu thụ cà phê nhân tại thị trường trong nước giảm 30% so với mức tiêu thụ trước khi dịch bệnh xảy ra. Lượng hàng mủ cao su tồn kho còn cao, khoảng 1.500 tấn (do dịch COVID-19 không xuất bán được).

Nông dân các tỉnh xót xa, "tiếc đứt ruột" khi khi sản phẩm bao ngày vun trồng, tốn biết bao công sức và tiền của cuối cùng giá bán chẳng đủ bù chi. Nợ nần, khó khăn đã hiển hiện trước mắt...

Từ đầu năm 2021, mặc dù Bộ Công Thương đã triển khai các chương trình thúc đẩy tiêu thụ nông sản các tỉnh Sơn La, Bến Tre, Hải Dương qua các sàn thương mại điện tử (Sendo, Voso (Viettel Post), Tiki, Shopee, Postmart (VNpost), Lazada) và mang lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, để gỡ khó cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam, cần các giải pháp căn cơ, đồng bộ, vừa đảm bảo đầu ra, vừa giữ vững được giá trị thương hiệu.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm