Xây dựng thương hiệu nông sản trên môi trường số

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Một kế hoạch xây dựng thương hiệu nông sản giúp bà con nông dân tiêu thụ sản phẩm trên môi trường số đã được triển khai, bắt đầu từ việc livestream bán hàng tại chính các nhà vườn…
Hướng dẫn bà con bán hàng trên môi trường số.
Hướng dẫn bà con bán hàng trên môi trường số.

Ba ngày vừa qua, bắt đầu từ 11h mỗi ngày, trên trang Facebook của sàn thương mại điện tử (TMĐT) Sendo đã xuất hiện các livestream bán các loại quả tươi như mận Sơn La, vải Bắc Giang.

Trong 3 ngày tới, khoai lang tím Vĩnh Long, bơ Đắk Lắk cũng sẽ xuất hiện trong các livestream bán hàng. Đặc biệt là người nông dân sẽ xuất hiện trong livestream, chia sẻ về quá trình chăm sóc và hái quả để đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Khách hàng sẽ chốt đơn hàng tại ngay thời điểm livestream. Theo thống kê, mỗi buổi số lượng tiêu thụ sản phẩm lên đến đơn vị tấn. Đây được đánh giá là cách làm thương hiệu đa kênh độc đáo lần đầu tiên được áp dụng vào nông nghiệp số.

Đây cũng là lần đầu tiên Cục TMĐT và Kinh tế số (IDEA - Bộ Công Thương) phối hợp cùng Sendo giúp các hộ nông dân tập xây dựng “thương hiệu riêng” để tiêu thụ nông sản trên môi trường số.

Các chuyên gia của Sendo và IDEA chia sẻ và hướng dẫn người nông dân các khâu từ chuẩn bị thông tin sản phẩm, chụp hình sản phẩm, đăng thông tin giới thiệu sản phẩm nông sản của chính mình để tạo ra được hình ảnh bắt mắt, cuốn hút.

Theo đánh giá của IDEA, sau nhiều ngày hướng dẫn, hiện người nông dân tại các hợp tác xã (HTX) đã bắt đầu thực hiện một cách thành thạo. Đây sẽ là khởi đầu cho việc người nông dân tự xây dựng thương hiệu nông sản của riêng mình, từ đó từng bước chủ động bán nông sản lâu dài qua kênh trực tuyến.

Ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, Chủ tịch sàn TMĐT Sendo cho rằng: “Thương hiệu riêng, thương hiệu cá nhân gần đây đã trở thành một kênh bán hàng trực tuyến có hiệu quả cao. Vì vậy, việc tạo điều kiện để bà con nông dân đứng ra làm đại diện cho chính sản phẩm mình trồng, vừa giúp bà con bán được nhiều hàng hơn, vừa tạo cơ hội để bà con kết nối với người mua, từ đó kinh doanh lâu dài trên Sendo”.

Ông Bùi Huy Hoàng, đại diện IDEA cho biết, việc xây dựng thương hiệu cho nông sản có lợi ích cho chính người nông dân và HTX. Chăm chút cho chính “đứa con” của mình, chính là sản phẩm của mình, thương hiệu của mình bao giờ cũng có động lực lớn hơn so với việc chỉ thuần túy buôn bán theo mô hình trước đây như đóng bao, đóng xô đem bán.

Ngoài ra, việc có sản phẩm được xây dựng thương hiệu sẽ là động lực cho người nông dân giữ chữ tín hơn trong việc duy trì chất lượng sản phẩm, khi tiêu thụ giá bán sẽ cao hơn, được nhiều người biết tới hơn và có khả năng mở rộng phạm vi bán hàng tới nhiều vùng miền.

“Có thể số lượng bán trên TMĐT không phải là con số quá lớn nhưng lại là kênh quan trọng để quảng bá thương hiệu cho nông dân, cho sản phẩm nông nghiệp và chính từ việc duy trì thương hiệu tốt trên TMĐT sẽ mang lại những đơn hàng lớn từ những khách hàng lớn” - ông Hoàng nói.

Tuy nhiên, xây dựng thương hiệu nông sản cho người nông dân không đơn giản vì hầu hết đều chưa quen với phương thức bán hàng trên TMĐT. Bên cạnh đó, do mặt hàng nông sản nên chất lượng hàng hóa nhiều khi không đồng nhất, không đúng tiêu chuẩn và điều quan trọng, khá khó khăn là duy trì sự kiên trì đối với các hoạt động TMĐT của người nông dân.

“Hy vọng người nông dân sẽ nhận ra được giá trị của việc xây dựng thương hiệu nông sản để kiên trì và gắn bó với hướng đi này” - ông Hoàng kỳ vọng.

Xuất phát từ mong muốn truyền tải thông điệp “từ vườn đến bàn ăn”, các phiên chợ nông sản trên sàn TMĐT cũng đã thu hút được sự theo dõi của người tiêu dùng. Tất cả các đơn hàng được chốt ở các phiên chợ trực tuyến này sẽ được bà con nông dân thu hoạch từ vùng trồng, đóng gói theo đúng quy cách dưới sự hướng dẫn của sàn Sendo và được vận chuyển thẳng đến tay người mua. Nhờ không phải qua các khâu trung gian nên sản phẩm vừa có giá hấp dẫn vừa đạt độ tươi ngon cao.

Ông Hoàng khẳng định, mô hình này sẽ lần lượt được thực hiện đối với các loại nông sản khác. Tới đây Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành liên quan tổ chức các chương trình kết nối cung - cầu, hỗ trợ tiêu thụ nông sản, xây dựng thương hiệu nông sản Việt, trong đó có các chương trình đào tạo TMĐT ở các tỉnh, địa phương.

Đọc thêm