Khoản nợ... khó đòi ?

(PLO) - Thưa các bạn, chuyện nợ nần ở đây không phải là công nợ quốc gia, nợ bảo biểm xã hội, nợ xây dựng cơ bản…(công nhận xã hội ta hình như nhìn đâu cũng thấy nợ nần) mà là “nợ” văn bản. Báo Pháp Luật Việt Nam số thứ ba, ra ngày 7/6 có bài phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp, TS. Lê Thành Long; theo đó Bộ Tư pháp đặt ra nhiệm vụ trọng tâm “Quyết tâm khắc phục tình trạng nợ văn bản hướng dẫn luật”.
Khoản nợ... khó đòi ?

Thực ra, ngay từ tháng 2, Bộ Tư pháp cho biết các bộ, cơ quan ngang bộ có nhiệm vụ xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 187 văn bản quy định chi tiết. Bao gồm: 48 văn bản nợ ban hành (12 nghị định, 27 thông tư, 9 thông tư liên tịch) quy định chi tiết 17 luật đã có hiệu lực; 139 văn bản (62 nghị định, 5 quyết định, 72 thông tư) quy định chi tiết 18 luật được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 8, thứ 9 và thứ 10, sẽ có hiệu lực hoặc nội dung giao quy định chi tiết sẽ có hiệu lực trong thời gian tới. Tình trạng này rất chậm được khắc phục.

Chính vì thế, Bộ Tư pháp đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ tập trung xây dựng, ban hành văn bản (BHVB) quy định chi tiết; thực hiện nghiêm các giải pháp đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra, nhằm khắc phục cơ bản tình trạng nợ BHVB trong quý I/2016. Đáng tiếc bây giờ đã gần hết tháng cuối cùng của quý II/2016.

Thực tế mà nói, khoản “nợ” này nặng không kém công nợ quốc gia.  6 tháng cuối năm 2016, nhiệm vụ xây dựng, BHVB quy định chi tiết của các bộ, cơ quan ngang bộ là rất nặng với 185 văn bản. Bộ Tư pháp đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm quy chế công vụ, tập trung chỉnh lý, hoàn thiện để ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành 46 văn bản nợ ban hành nhằm sớm khắc phục tình trạng nợ BHVN; chủ động nghiên cứu, xây dựng 139 văn bản bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ và có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật.

Trách nhiệm chính để giải tỏa món “nợ” này là của các bộ, ngành. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có lần cho rằng những tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng thể chế trong thời gian qua xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chính vẫn là do các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ chưa thực sự quan tâm trực tiếp, sâu sắc đến công tác này.

Nếu các vị “tư lệnh” ngành tiếp tục uể oải thì sao? Chắc chắn Chính phủ phải có “roi” quất may ra mới chuyển động. Đã đến lúc không thể để các vị “dây dưa” bởi tập trung xây dựng thể chế, coi thể chế là công cụ chính để điều hành, thực hiện mục tiêu một Chính phủ “kiến tạo và phục vụ” đang là quyết tâm lớn của Thủ tướng Chính phủ.

Đọc thêm