Ngay sau đó, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp liên ngành, tiếp tục bàn thảo vấn đề này và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng đã trả lời phỏng vấn báo chí về “quyết tâm đưa luật vào cuộc sống” của Chính phủ, của Bộ Tư pháp bằng việc khắc phục tình trạng luật không có văn bản hướng dẫn thi hành.
Trong báo cáo của Bộ Tư pháp trình Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 5 có nêu tình trạng nhiều văn bản hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh có hiệu lực trước hoặc kể từ ngày 1/7/2016 vẫn chưa được ban hành. Xin Bộ trưởng cho biết ý kiến về tình trạng này?
- Theo thống kê thì còn 86 nghị định, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần ban hành trước ngày 01/7 nhưng cho đến bây giờ chưa được ban hành. Trong số đó có 37 nghị định (NĐ), quyết định cần phải được ban hành để quy định chi tiết các luật, pháp lệnh có hiệu lực từ ngày 1/7, thậm chí một số luật có hiệu lực trước đấy. Số còn lại là 49 NĐ quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh theo Luật Đầu tư cũng phải được xây dựng để hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư. Đây là một con số tương đối lớn. Theo nhìn nhận, đánh giá của chúng tôi thì Chính phủ quyết tâm ban hành đầy đủ thể chế có chất lượng, kịp thời, tránh không để khoảng trống pháp luật nên chúng ta cần quyết tâm thực hiện, giữ vững đúng chủ trương này của Chính phủ.
Tình trạng trên có nhiều nguyên nhân, thứ nhất là số lượng luật, pháp lệnh, các yêu cầu đặt ra khá lớn, chúng ta lại phải thực hiện trong thời gian ngắn; thứ hai có một số nội dung cần hướng dẫn, cần quy định chi tiết trong các luật, pháp lệnh tương đối mới và phức tạp; thứ ba có những tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật trong một số luật, pháp lệnh chưa quy định rõ. Điểm nữa là vì số lượng lớn như vậy, các bộ, ngành đã rất cố gắng và Bộ Tư pháp cũng căng sức ra để thẩm định nên cả cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm định và cơ quan thẩm tra bên Văn phòng Chính phủ chịu những sức ép từ thực tế.
Để triển khai thi hành Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Chính phủ phải ban hành nhiều nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trước ngày 1/7/2016. Tuy nhiên, đến nay nhiều văn bản vẫn chưa được ban hành, vấn đề này sẽ giải quyết như thế nào khi mà thời điểm 1/7/2016 đang đến gần, thưa Bộ trưởng?
- Trách nhiệm chính vẫn là của các bộ, ngành phải cố gắng làm ngày làm đêm. Bộ Tư pháp cũng làm việc hết công suất, có ngày thẩm định tới 8 văn bản và sử dụng hết tất cả các phòng mà Bộ có, đồng thời chúng tôi còn thành lập sẵn một số hội đồng thẩm định để khi có văn bản gửi đến thì tiến hành thẩm định ngay. Bộ Tư pháp cũng không ngồi chờ văn bản gửi thẩm định mà đã cử các chuyên gia đi đến từng bộ, ngành, đặc biệt những nơi có khó khăn, vướng mắc để “hiến kế” về pháp lý, cùng các bộ, ngành tháo gỡ. Nhưng quan trọng vẫn phải đạt những yêu cầu về đảm bảo chất lượng của văn bản mà Chính phủ đã nêu rất rõ trong phiên họp Chính phủ thường kỳ vừa qua.
Thưa Bộ trưởng, nếu có luật mà không có văn bản hướng dẫn thi hành thì luật khó đi vào cuộc sống và vấn đề này đã tồn tại trong nhiều năm. Với vai trò là Bộ tham mưu giúp Chính phủ về công tác xây dựng pháp luật, có thể coi việc khắc phục tình trạng trên là một trong những chương trình hành động “nóng” của Bộ Tư pháp không ạ?
- Hoàn toàn chính xác! Tôi có thể khẳng định ngay là việc khắc phục tình trạng này là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ, ngành Tư pháp tập trung thực hiện trong thời gian tới. Nhiệm vụ này có một điểm thuận tiện về mặt thể chế là theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật có hiểu lực kể từ ngày 1/7/2016, thì bắt buộc các văn bản quy định chi tiết được trình đồng thời, cùng lúc với dự thảo văn bản luật, văn bản pháp lệnh được quy định chi tiết. Đây là một điểm mới về thể chế mà các bộ, ngành phải thực hiện.
Thứ nữa là quyết tâm rất lớn của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong việc tập trung xây dựng thể chế, coi thể chế là công cụ chính để điều hành, chỉ đạo công tác của Chính phủ, thực hiện mục tiêu một Chính phủ kiến tạo, một Chính phủ hành động đồng hành cùng doanh nghiệp, cùng người dân, cùng xã hội.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!