Khoan sâu 30m, cứu 12 người vụ sập hầm thủy điện ở Lâm Đồng

(PLO) -Khoảng 7 giờ sáng nay (16/12), một vụ sập hầm đã xảy ra trên công trình thủy điện Đạ Dâng - Đa Chomo (thuộc thôn Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) khiến hơn 10 người bị mắc kẹt. Lực lượng cứu hộ hơn 100 người với trang thiết bị hiện đại đang chạy đua với thời gian để cứu người bị nạn.
Sau gần 15 tiếng tích cực cứu hộ, mũi khoan hơn 30m đã chọc thủng đoạn hầm bị sập và lực lượng chức năng đã nghe được tiếng nói của người mắc kẹt vọng ra.
Đến 19h40' hôm nay, theo Vnexpress cho biết, 12 người bị kẹt trong đường hầm đã liên lạc được với bên ngoài. Do rất đói, nên xúc xích là thứ thực phẩm đầu tiên được đưa vào tiếp tế cho các công nhân bị mắc kẹt trong đường hầm.
Được biết, vào thời điểm 7h sáng nay nêu trên, một nhóm công nhân bắt đầu đến đường hầm xuyên núi trong công trình để làm việc thì bất ngờ đoạn hầm cách miệng hầm khoảng 300-500m bị sập. Lực lượng chức năng nhanh chóng tiếp cận hiện trường nhưng việc cứu hộ gặp nhiều khó khăn bởi khối đất đá khá yếu, có nguy cơ tiếp tục bị đổ sập. 
Có mặt tại hiện trường để chỉ đạo xử lý vụ việc, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt cho biết tỉnh đã huy động lực lượng, tập trung cho việc cứu hộ. Theo thông tin ban đầu, có 11 công nhân hiện đang bị mắc kẹt trong đường hầm bị sập.
Công tác cứu hộ mới chỉ thực hiện được việc khoan để đưa một đường ống nhỏ bằng cổ tay người xuyên qua đống đất đá bị sụp để cung cấp dưỡng khí vào đoạn hầm bên trong nơi có các công nhân bị mắc kẹt. Đồng thời lực lượng cứu hộ nhanh chóng khảo sát, lên phương án tìm cách đưa một đường ống lớn bằng thép xuyên qua đoạn hầm bị sập để tạo lối thoát cho các công nhân.
Ông Huỳnh Ngọc Cảnh, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng khi trao đổi với VnExpress cho biết, nguyên nhân ban đầu có thể do địa chất yếu khiến hầm bị sập. Còn theo Chủ tịch UBND xã Lát, nạn nhân của vụ sập hầm chủ yếu đến từ Thanh Hóa và Nghệ An. 
Ông Bùi Văn Sơn, Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, “hầm bị sập là do đất từ trên sụp xuống, dự đoán đoạn sập có thể lên đến 15 -20m. Việc cứu hộ khẩn trương nhưng cũng phải tính toán kỹ. Không thể đưa các phương tiện cơ giới lớn làm được, vì như vậy sẽ tạo ra dư chấn khiến hầm bị sập thêm. Việc cứu hộ sẽ thực hiện liên tục, kể cả xuyên đêm. Tới khi nào bơm được oxy vào trong, sau đó mới tính tới việc đưa các nạn nhân ra”, 
Đến 14h20' chiều nay, trao đổi với báo chí, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương Phạm Triều cho biết, lúc đầu dự kiến đoạn hầm sập chỉ khoảng 6-7m nhưng đến thời điểm này, lực lượng cứu hộ đã khoan đưa được vào hơn 10m đường ống nhưng vẫn chưa thông.
“Hiện chưa xác định đoạn bị sập dài bao nhiêu nên không thể dự đoán được khi nào có thể bơm oxy vào trong hầm. Công tác cứu hộ hết sức khó khăn vì địa chất là bùn nhão lẫn với đất đá, bêtông, sắt thép...”, ông Triều nói.
Lực lượng tham gia công tác cứu hộ cứu nạn tại hiện trường là hơn 150 người. Trong đó đội ngũ trực tiếp khoan đường hầm khoảng 60 người, được chia làm 3 tốp, thay phiên nhau khoan. Hầm thủy điện bị sập âm dưới mặt đất 70m, hầm cao 5m, ngang 4m.
“Hầm nhỏ nên việc đưa phương tiện cơ giới lớn vào tham gia công tác cứu hộ hết sức khó khăn. Lực lượng cứu hộ mới đưa được khoan, máy nổ, ống khí...vào bên trong hầm. Những phương án mới triển khai đang được tính toán”, ông Triều cho hay.
Vị Phó Chủ tịch huyện Lạc Dương thông tin thêm: “Một nhóm công nhân thoát ra ngoài đang hoảng loạn. Trong số đó, tài xế xe máy xúc là người nhảy khỏi xe, chạy thoát sau cùng ra khỏi miệng hầm, trước khi khối bùn nhão vùi lấp máy xúc. Ông ấy chỉ nghe một tiếng động mạnh vang lên, sau đó khối đất đá, bêtông, bùn nhão tràn xuống”, ông Triều kể.
Đất, đá bịt kín miệng hầm
 Đất, đá bịt kín miệng hầm 
“Hầm thủy điện bị sập có cát, đất, đá pha lẫn nhau. Công tác khoan để đưa đường ống bơm oxy vào đường hầm hết sức khó khăn. Đến thời điểm này, cứu hộ chỉ khoan được khoảng 10m vì liên tục gặp đá”, ông Nguyễn Duy Hải, Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương nói và cho biết chưa thể dự đoán được bao giờ có thể đưa được đường ống vào trong.
Trong số những người bị mắc kẹt có một nạn nhân nữ. Tất cả các công nhân này đều là người nơi khác đến. “Đến thời điểm này, lực lượng cứu hộ vẫn chưa liên lạc được với họ. Công tác cứu hộ hết sức khẩn trương”, ông Hải nói.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên cho biết, tỉnh đã huy động lực lượng công an, quân đội và các sở, ngành liên quan tham gia cứu hộ. Trước mắt cần đưa được đường ống nhỏ để bơm khí vào vị trí hầm sập, nơi có các công nhân đang mắc kẹt. Kế hoạch tiếp theo sẽ đưa một đường ống phi 80 vào khu vực để các công nhân theo đó mà chui ra. Hiện các lực lượng đang tiến hành khoan tốc hành để thực hiện phương án trên. 
“Khẩn cấp nhất là phải đảm bảo nguồn khí để duy trì sự sống cho các công nhân. Toàn bộ sóng liên lạc ở bên trong hầm không kết nối được nên chúng tôi chưa thể liên lạc được với công nhân nào”, ông Yên phân trần. 
Công trình thuỷ điện Đạ Dâng – Đa Chomo được khởi công từ năm 2003 gồm hai nhà máy thuỷ điện liên hoàn. Nhà máy Đạ Dâng đặt trên dòng sông Đạ Dâng (xã Lát, huyện Lạc Dương) và Nhà máy Thuỷ điện Đa Chomo trên suối Đa Chomo (nhánh của sông Đạ Dâng, tại xã Phi Tô, Lâm Hà).
Công trình dự kiến đưa vào vận hành với tổng công suất 22MW, sản lượng điện trung bình hàng năm là 109,27 triệu kwh với tổng mức đầu tư 475,166 tỷ đồng theo hình thức BOO (xây dựng – sở hữu – kinh doanh).
Dự án do Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 làm chủ đầu tư và Công ty Cổ phần Sông Đà 505 là đơn vị thi công. Đơn vị thi công cho biết, trước lúc hầm sập có 11 công nhân đang thi công bên trong.
Đường hầm này có thiết kế dài 700 mét, đã thi công được 600 mét. Vị trí hầm bị sập cách đầu miệng hầm chừng 500 mét. 
Đến 20h40' hôm nay, sau gần 15 tiếng tích cực cứu hộ, mũi khoan hơn 30m đã chọc thủng đoạn hầm bị sập và lực lượng chức năng đã nghe được tiếng nói của người mắc kẹt vọng ra. Lực lượng chức năng đang tìm cách đưa 2 chiếc điện thoại chuyên dụng vào cho các nạn nhân để liên lạc ra ngoài.  
PLVN sẽ tiếp tục cập nhật./.
Chiều qua, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu khẩn trương cứu nạn sự cố sập hầm thủy điện Đạ Dâng – Đa Chomo. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu: UBND tỉnh Lâm Đồng khẩn trương huy động mọi lực lượng, phương tiện, sử dụng các biện pháp để tập trung ứng cứu, tổ chức tìm kiếm, cứu nạn đối với các nạn nhân còn bị mắc kẹt trong hầm. Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo Quân khu 7, các đơn vị đóng quân trên địa bàn và các đơn vị liên quan sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ địa phương khi có yêu cầu.
Bộ Xây dựng cho biết, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Thứ trưởng Lê Quang Hùng phối hợp với Bộ Công Thương - Cơ quan quản lý nhà nước về các công trình thủy điện và các cơ quan chức năng chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn, giải quyết sự cố sập hầm, trên tinh thần cứu người đặt lên hàng đầu. Ông Dũng cũng yêu cầu Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình cử ngay đoàn công tác vào hiện trường để nắm bắt tình hình, cùng phối hợp với chủ đầu tư và đơn vị thi công khắc phục sự cố. Người đứng đầu Bộ Xây dựng cũng đã trực tiếp điện thoại cho lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng để trao đổi thông tin; đồng thời yêu cầu Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng xuống ngay hiện trường nắm tình hình và giải quyết sự cố. Bên cạnh đó, ông Dũng yêu cầu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Sông Đà cử các đơn vị, cán bộ có năng lực trong lĩnh vực thủy điện vào trợ giúp cho nhà thầu là Công ty Cổ phần Sông Đà 505 (đơn vị thi công) khắc phục sự cố, mặc dù Công ty Cổ phần Sông Đà 505 là đơn vị ngoài nhà nước (không trực thuộc Tổng Công ty Sông Đà).

Đọc thêm