Lời nguyền và những cái chết ở vùng đất “vàng“

(PLO) - Vùng đất “vàng” của tỉnh Quảng Nam có mức chi tiêu đắt đỏ không thua Sài Gòn, Hà Nội. Nhưng vì sao dân vẫn nghèo, công ty vàng vẫn nợ ngập đầu, phu vàng thì ngày đêm đối diện với cái chết từ ma túy, từ sập hầm vàng…? Phải chăng “lời nguyền tài nguyên” có thật?

Căn nguyên của thực trạng vàng lậu bùng phát năm vừa qua là một phần do nhiều công ty không được gia hạn giấy phép khai thác, và để không bị phá sản, họ phải cắt hợp đồng lao động với hàng trăm phu vàng. Vì kiếm miếng ăn, các phu vàng này buộc phải đầu quân khai thác trái phép. Hậu quả là tệ nạn, tai nạn và cái chết luôn rình rập.
Những cái chết ở vùng đất “vàng”
Nhiều cánh rừng bị xóa sổ, nhiều dòng sông bị ô nhiễm và an ninh trật tự trên địa bàn phức tạp, bắt nguồn từ nạn khai thác vàng trái phép. Với chính quyền địa phương, dù ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và tổ chức hàng trăm đợt truy quét nhưng tình trạng này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Từ sau Tết Giáp Ngọ đến nay, tình trạng đổ xô khai thác tận thu vàng tại mỏ vàng Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) diễn ra tràn lan, khó kiểm soát. Truy quét vàng lậu, lực lượng chức năng đã tăng cường tổ chức chốt chặn và đóng cửa nhiều hầm lò. Giữa tháng 2/2014, lực lượng công an cùng với ngành chức năng của xã Tam Lãnh vừa tổ chức hai đợt truy quét và chốt chặn các ngả đường lên núi đào bới quặng tìm vàng, tịch thu hàng chục chiếc xe máy của dân khai thác vàng dùng làm phương tiện vận chuyển quặng, phá hủy nhiều máy móc, lán trại. 
Tuy nhiên, với địa hình rộng lớn, khó di chuyển, các địa phương không đủ sức chặn các ngõ ngách kiểm tra, kiểm soát việc đối tượng lên núi khai thác vàng, nhất là khi đối tượng lẩn tránh, sinh hoạt, tận thu vàng trong hầm lò, nên giải pháp kiểm soát người ra vào khu vực khai thác cũng không thể giải quyết tận gốc. Người khai thác vàng lậu được tiếp tế lương thực, thực phẩm lẫn rượu bia đến tận hầm vào ban đêm. 
Ngoài người dân địa phương, từ sau Tết đến nay, người ở các tỉnh phía Bắc cũng dạt về đây khai thác vàng. Đáng nói hơn, đối tượng bây giờ dùng cả xe máy chạy trong hầm để đưa quặng ra ngoài nên tiềm ẩn quy cơ sập hầm rất cao. 
Đã có những phu vàng bỏ mạng vì sập hầm.
Đã có những phu vàng bỏ mạng vì sập hầm. 
Cái chết của những phu vàng huyện Kim Bôi (tỉnh Hòa Bình) do sập hầm tại thôn 8 xã Phước Hiệp (huyện Phước Sơn) là một minh chứng. Do không tìm được việc từ các công ty khai thác vàng được cấp phép, những phu vàng đến từ huyện Kim Bôi đã phải tham gia vào đội quân khai thác vàng lậu. Việc khoét núi khai thác vàng thủ công cộng với môi trường làm việc không an toàn nên hậu quả những phu vàng nhận lấy là những cái chết khi hầm sập. Đây chỉ là một thí dụ về những cái chết ở vùng đất vàng trong cuối năm 2013.
Công ty vàng nợ ngập đầu 
Cuối năm âm lịch vừa qua, ở thị trấn Khâm Đức (huyện Phước Sơn, Quảng Nam) rộ lên câu chuyện Công ty TNHH Vàng Phước Sơn (thuộc Tập đoàn Besra) nợ hàng chục tỷ đồng. Mang danh là một công ty vàng lớn nhất nhì Việt Nam nhưng Công ty Phước Sơn thiếu nợ đến cả những bà bán rau, bán bún. Một “cơn sóng” ập vào thị trấn vàng khiến cuộc sống tiểu thương lao đao vì không đòi được nợ.
Gian hàng buôn bán rau, củ, quả của bà Dương Thị Hoa (62 tuổi) bị Công ty Vàng Phước Sơn thiếu nợ lên đến 220 triệu đồng. Bà Hoa to nhỏ, để có rau, củ cung cấp cho Công ty Vàng Phước Sơn, bà thu mua của rất nhiều đầu mối ở dưới Đà Nẵng, bán lại kiếm lãi. Trước đây, Công ty trả tiền đúng hẹn, nay Công ty nợ, bà nợ lại mối và phải chịu lãi 2%/tháng.
Tương tự, bà Lê Thị Bạch Tuyết (43 tuổi) bán bún, mì tại chợ thị trấn Khâm Đức thường xuyên cung cấp bún, mì cho Công ty Vàng Phước Sơn. Từ giữa năm 2013, Công ty không chịu chuyển tiền trả, số nợ lên đến 53 triệu đồng. Những chủ nợ của Công ty Vàng Phước Sơn ít nhiều đều đã đến tận trụ sở đòi nợ, tuy nhiên tiểu thương chỉ nhận được những lời hứa. 
Ngoài việc nợ những người buôn bán nhỏ, ngay tại thị trấn này, Công ty Vàng Phước Sơn còn nợ của nhiều doanh nghiệp, đơn vị hàng chục tỷ đồng. Chủ nợ lớn nhất có lẽ là Công ty Khai thác vật liệu và xây dựng công trình Quảng An tham gia một số hạng mục tại Nhà máy Vàng Đăksa (thuộc Công ty Vàng Phước Sơn) bị nợ hơn 24 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Phước Sơn bị Công ty Vàng Phước Sơn nợ 4 tỷ đồng, hiện đã phải đóng cửa cây xăng. Chưa kể các doanh nghiệp nhà nghỉ, vận tải bị Công ty Vàng Phước Sơn nợ hơn 4,5 tỷ đồng. 
Không những nợ tiền đối tác, Công ty Vàng Phước Sơn còn nợ cả tiền thuế Nhà nước và những cam kết với chính quyền sở tại. Riêng năm 2013, Công ty Vàng Phước Sơn nợ thuế Nhà nước hơn 140 tỷ đồng, trong đó thuế tài nguyên là 132 tỷ đồng, các khoản thuế khác gần 10 tỷ đồng. Ngoài ra, năm 2012 Công ty còn nợ huyện Phước Sơn 4 tỷ đồng kinh phí theo cam kết đóng góp cho địa bàn. 
“Ám” lời nguyền tài nguyên? 
Trước nạn khai thác ồ ạt tài nguyên của Việt Nam, từ lâu, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Duy Hiển đã từng đặt vấn đề “lời nguyền tài nguyên”. Đây là cách nói chua chát nhằm vào những quốc gia sa đà vào đào bới của cải dưới lòng đất hòng tạo ra bước đột phá về kinh tế. Nó đã trở thành đề tài được giới học giả thảo luận sôi nổi trong nhiều thập kỷ gần đây.
Nhìn ra thế giới, có mấy nước nhờ đào bới tài nguyên thiên nhiên mà nhanh chóng bứt phá lên phía trước? Ngược lại, có khi chính vì thiếu than đá, dầu mỏ, quặng sắt..., mà một số nước Đông Á lại hóa rồng. J. Sachs, A. Garner và một số học giả khác qua phân tích gần 100 nền kinh tế trên thế giới trong hai thập kỷ 1970-1980 đã chứng minh rằng: Những nước có tỷ trọng xuất khẩu tài nguyên trong GDP cao thường có xu hướng tăng trưởng chậm, không đầu tư đúng mức cho giáo dục khiến có ít trẻ em được cắp sách đến trường. 
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Duy Hiển, có tài nguyên dồi dào mới chỉ là tiền đề, xử lý chúng thế nào mới là chuyện quyết định. Thí dụ như việc đào bới cát đen trong mấy chục năm qua đã sinh lợi cho ai, và nguồn lợi mà Chính phủ thu được có thấm thía gì so với việc muốn khôi phục lại vùng ven biển miền Trung đã bị tàn phá hay không? 
Là một loại tài nguyên quý, vàng ở Quảng Nam có lẽ cũng không nằm ngoài quy luật của lời nguyền tài nguyên. Được gì từ vàng? Điều đó còn cần cân đo, đong đếm. Nhưng những cái họa nhãn tiền đã xuất hiện: mất rừng, mất đất sản xuất, gây ô nhiễm môi trường, cuộc sống người dân bị đảo lộn, tệ nạn xã hội ngày càng phát sinh, hàng trăm người bị chết do sập hầm vàng hoặc nghiện ma túy... Phải chăng nơi đây đang gánh chịu lời nguyền?

Đọc thêm