Khoán xe công cho 6 thứ trưởng Bộ Tài Chính: Bước đi nhỏ, ý nghĩa lớn!

(PLO) - Đánh giá về giải pháp khoán xe công cho các lãnh đạo Bộ Tài chính, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, điều quan trọng ở đây chưa hẳn là chuyện tiết kiệm tiền cho ngân sách nhà nước mà cái lõi quan trọng là chúng ta đã bắt đầu tư duy không công nhận tiêu chuẩn Thứ trưởng được đưa đón nữa. 
Theo tính toán của nhiều chuyên gia kinh tế, việc khoán xe công nhân rộng ra phạm vi cả nước có thể sẽ tiết kiệm được khoảng 1500 tỷ đồng/năm
Theo tính toán của nhiều chuyên gia kinh tế, việc khoán xe công nhân rộng ra phạm vi cả nước có thể sẽ tiết kiệm được khoảng 1500 tỷ đồng/năm

Bước tiến về tư duy

Theo TS. Vũ Đình Ánh, tiêu chuẩn đưa đón xe công từ nhà tới cơ quan đối với các lãnh đạo đã được Bộ Tài chính mạnh dạn khoán cho thấy Bộ này đã không còn công nhận tiêu chuẩn này nữa. Tức là khẳng định, ở cấp Thứ trưởng không phải là người có tiêu chuẩn đưa đón xe riêng. 

Theo chuyên gia kinh tế này, nếu hiểu theo nghĩa đó, từ giờ trở đi Thứ trưởng không có chuyện đưa đón, cấp Tổng cục trưởng và cấp tương đương cũng không có chuyện đưa đón từ nhà tới cơ quan nữa. Mặt khác, đưa đón các Thứ trưởng Bộ Tài chính đã chuyển sang cho dịch vụ taxi. 

Trước đó, Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 1997/QĐ-BTC về việc áp dụng chế độ khoán kinh phí sử dụng xe công đối với các chức danh Thứ trưởng Bộ Tài chính, chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25 (Tổng cục trưởng và tương đương). 

Theo đó, kinh phí hàng tháng để đưa đón các chức danh này từ nơi ở đến nơi làm việc được tính theo số ki lô mét khoán và đơn giá theo các hãng taxi (loại 4 chỗ) phổ biến trên thị trường. Mỗi cá nhân được khoán kinh phí cho hai lượt đi và về trong ngày làm việc. Số ngày làm việc của tháng theo quy định của Bộ luật Lao động (22 ngày).

Theo ông Ánh, đây là cách làm rất hay của Bộ Tài chính, bởi cách làm mới là không phải cứ ném cho các ông một cục, 15 – 20 triệu như Ủy bản Thường vu Quốc hội trước đây đã làm. Khi đó, chỉ có một vài người đăng ký vì không bắt buộc, chỉ đưa ra khuyến khích.

“Ở đây không phải là tiền mà còn là cái khác, cái danh. Không ai mua được bằng tiền. Cái tư duy quan trọng nhất của câu chuyện này Thứ trưởng không có chuyện đưa đón. Và Bộ Tài chính có một sáng kiến tuyệt vời, tôi đánh giá cao sáng kiến này. Tiếp đó, mới là tư duy dịch vụ công, sẽ được cung cấp ”- ông Ánh nói.

Nhân rộng ra mới cắt giảm được chi ngân sách

Đánh giá về giải pháp khoán xe công của Bộ Tài chính, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cũng cho rằng, đây là phương án tốt. Theo ông Tuyển, chúng ta tính theo tinh thần, nếu mỗi ông Thứ trưởng có một cái xe đưa đón tận nhà, chi phí xe, chi phí lái xe, xăng dầu… so với việc khoán cho ông một khoản tiền thấp hơn chi phí ấy thì rõ ràng là phương án tốt. Nhưng vấn đề chúng ta có quyết tâm làm hay không.  

“Vấn đề là phải tác động làm sao để ý tưởng được lan tỏa ra, nếu làm được cả nước này thì sẽ có ý nghĩa rất lớn. Tuy nhiên, nếu chỉ ở Bộ Tài chính thì chẳng ý nghĩa gì, và quan trọng hơn là tiến tới  phải cắt luôn khoản tiền đó vì Vụ trưởng và trưởng phòng không có tại sao ông Thứ trưởng, Tổng cục trưởng lại có tiền đi xe từ nhà tới cơ quan. Tôi nghĩ làm được chứ không phải không làm được, chỉ cần quyết tâm”- nguyên Bộ trưởng Tuyển nói.

Theo tính toán của TS. Ánh, nếu cứ đếm thử 6  Thứ trưởng, các Tổng cục trưởng khác như Kho bạc, Thuế, Chứng khoán, Hải quan… cũng chỉ khoảng 20 người thì chẳng để làm gì. Việc tiết kiệm một khoản tiền xe đưa đón và tiết kiệm vài ông lái xe không để làm gì mà từ đó nếu áp dụng phổ biến cho hàng trăm, hàng nghìn người của các cơ quan khác trên toàn quốc thì mới là đáng kể. Người ta tính sơ sơ, nếu áp dụng khoán xe công trong phạm vi cả nước có thể tiết kiệm 1.500 tỷ. 

“Tuy nhiên, đây là bước đi nhỏ nhưng ý nghĩa lớn, bước tiến của Bộ Tài chính về mặt tư duy. Bởi ở Việt Nam lên được Thứ trưởng là cả một bước tiến nhưng Bộ Tài chính sẵn sàng chấp nhận mất tiêu chuẩn đưa đón không chỉ là bước tiến trong giảm chi tiêu mà là bước tiến về tư duy”- ông Ánh ghi nhận.

Ngoài việc đề nghị nhân rộng việc khoán xe công ra khỏi phạm vi Bộ Tài chính, các chuyên gia còn cho rằng tại sao ông Vụ trưởng, ông trưởng phòng lại không có tiêu chuẩn này? Tại sao các cán bộ cấp dưới vẫn đi được xe tư nhân, hoặc thậm chí đi xe công cộng, xe máy…Vì thế cần phải tiến tới tư duy Thứ trưởng không có tiêu chuẩn xe đưa đón, vì nước ta còn nghèo, thu ngân sách còn nhiều khó khăn. 

Đọc thêm