Khoảng 2.000 trẻ tử vong do đuối nước ở Việt Nam mỗi năm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đuối nước là nguyên nhân thứ 2 gây ra tử vong do tai nạn thương tích cho trẻ. Theo báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Hiện mới có khoảng 8,63% tổng số trường học trong cả nước có bể bơi...
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đây là những thông tin được đưa ra tại "Hội thảo Tham vấn tổ chức dạy bơi an toàn, phòng chống đuối nước trong trường học" theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố do Bộ GD&ĐT tổ chức.

Tại Hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất Nguyễn Nho Huy cho biết, theo báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2015 - 2020, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Mặc dù số trẻ em đuối nước giảm dần trong những năm gần đây song đây vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, học sinh, ngoài nguyên nhân khách quan do địa hình, lũ lụt, thiên tai. Có thể nhận thấy một số nguyên nhân chủ quan như trẻ em, học sinh thiếu kỹ năng an toàn trong môi trường nước và sự quản lí của gia đình, người lớn tuổi, nhà trường còn lỏng lẻo, chưa chặt chẽ.

Số liệu thống kê của 59/63 Sở GD&ĐT cho thấy, đến hết năm 2022, tổng số bể bơi trong trường học là: 2.184 bể/25.307 trường, chiếm tỷ lệ 8,63% trường học có bể bơi. Việc đầu tư và đưa vào sử dụng các bể bơi trong trường học cơ bản phát huy hiệu quả, từng bước đáp ứng yêu cầu tổ chức dạy học môn bơi và các kỹ năng an toàn trong môi trường nước tại một số nhà trường. Một số trường có bể bơi đã linh động vận dụng các nguồn kinh phí xã hội hóa hợp pháp cho việc đầu tư nguồn nước, xử lý nguồn nước, phối hợp tổ chức dạy bơi cho học sinh theo quy định.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa phương có quá ít số bể bơi trong trường học. Nhiều bể bơi đã xuống cấp, chất lượng nguồn nước chưa đảm bảo, không có kinh phí, không có nhân viên đủ năng lực vận hành bể bơi. Ở nhiều nơi, nhu cầu đầu tư xây dựng hồ bơi trong trường học là rất lớn, nguồn kinh phí đầu tư rất hạn chế, cơ chế kêu gọi xã hội hóa đầu tư hồ bơi trong trường học chưa rõ ràng, một số trường không đủ diện tích đất để hồ bơi.

Quang cảnh Hội thảo.

Quang cảnh Hội thảo.

Còn theo báo cáo của các Sở GD&ĐT, đại đa số giáo viên giáo dục thể chất đều có thể dạy bơi. Hiện nay có khoảng gần 70% giáo viên giáo dục thể chất đã được tập huấn về dạy bơi và kỹ năng phòng chống đuối nước, sơ cấp cứu ban đầu. Tuy nhiên tỷ lệ giáo viên có chứng chỉ/chứng nhận hoàn thành tập huấn huấn luyện viên môn bơi do ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp còn thấp so với nhu cầu thực tế ở rất nhiều nơi. Đây là tình trạng phổ biến ở nhiều địa phương, nhất là ở các tỉnh vùng khó khăn, miền núi.

Việc duy trì hoạt động hiệu quả bể bơi trong trường học còn nhiều hạn chế do thiếu kinh phí chi thường xuyên cho việc vận hành, sử dụng, bảo quản và kinh phí tổ chức dạy bơi. Việc quy định mức thu xã hội hóa khi tổ chức dạy bơi trong trường học chưa thực hiện đồng bộ ở hầu hết các địa phương, giáo viên dạy bơi chưa có chính sách hỗ trợ việc dạy bơi...

Đọc thêm