Khoảng 70% nhân viên y tế bị lo lắng, trầm cảm bởi đại dịch COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  “Đại dịch COVID-19 không chỉ làm thay đổi các yêu cầu với công việc mà còn ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc sống cũng như sức khỏe thể chất và tinh thần của các nhân viên y tế. Khoảng 40% trong số họ cho biết họ gặp phải những khó chịu và suy giảm về sức khỏe thể chất và 70% bị lo lắng và trầm cảm, dẫn đến 25% giảm mức độ hài lòng với công việc của họ”, PGS.TS. Trần Xuân Bách, Phó chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Chuyên gia Kinh tế Y tế cho biết.
Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 tại TP HCM.
Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 tại TP HCM.

Sáng 18/12, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị báo cáo thường niên Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam với chủ đề “Tác động của đại dịch COVID-19 với cán bộ và nhân viên Y tế”.

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, TS.BS Hà Anh Đức – Phó chủ tịch Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Chánh Văn phòng Bộ Y Tế cho hay, những ngày qua, số ca mắc, chuyển nặng và tử vong vẫn diễn biến phức tạp ở một số địa phương.

Trong làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát, lực lượng y tế Việt Nam đã làm việc hơn 100% sức lực suốt nhiều tháng liền. Đội ngũ y tế phải chịu rất nhiều áp lực khi gia đình, người thân gặp khó khăn trong cuộc sống hay bị nhiễm bệnh, những vấn đề về cơ sở hạ tầng thấp kém, trang thiết bị máy móc thiếu thốn, lạc hậu, công việc quá tải, thu nhập không đủ trang trải cuộc sống, hay thiếu cơ hội để nâng cao tay nghề... những khó khăn chồng chất đó khiến nhiều y bác sĩ đã lựa chọn đi con đường khác, không tiếp tục với nghề.

TS.BS Hà Anh Đức – Phó chủ tịch Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Chánh Văn phòng Bộ Y Tế phát biểu tại Hội nghị.

TS.BS Hà Anh Đức – Phó chủ tịch Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Chánh Văn phòng Bộ Y Tế phát biểu tại Hội nghị.

“Trước những thực trạng đó, với vai trò là tổ chức xã hội nghề nghiệp đại diện cho lực lượng thầy thuốc trẻ Việt Nam, được sự chỉ đạo của Trung ương Đoàn, Trung ương Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam và Bộ Y tế, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam phối hợp với các đơn vị tổ chức Hội nghị báo cáo thường niên Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam Thầy thuốc trẻ trong phòng chống dịch bệnh COVID-19 và các bệnh không lây nhiễm với Chủ đề: Tác động của đại dịch COVID-19 với cán bộ và nhân viên Y tế”, TS.BS Hà Anh Đức chia sẻ.

Báo cáo tại Hội nghị, PGS.TS. Trần Xuân Bách, Phó chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Chuyên gia Kinh tế Y tế, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: “Nghiên cứu về “Tình trạng lương khu vực công đối với nhân viên y tế tuyến đầu trong COVID-19” ở 2.000 nhân viên y tế các cấp từ tháng 9-11/2021, được công bố hôm nay tại Hà Nội đã cho thấy, khoảng 60% nhân viên y tế đã phải cáng đáng khối lượng công việc và thời gian làm việc tăng lên đáng kể trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19”.

Mặc dù vậy, hơn 1/3 nhân viên y tế cho biết lương, thưởng và phụ cấp của họ đã bị giảm, bên cạnh hơn 62% nhân viên tham gia chống dịch được khảo sát đến nay chưa nhận được bất kỳ một khoản phụ cấp nào. Điều này làm giảm đáng kể động lực làm việc và mong muốn gắn bó với công việc ở các y bác sĩ và nhân viên y tế, gián tiếp ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe – đối với người bệnh mắc COVID-19 cũng như những tình trạng bệnh lý khác đòi hỏi chăm sóc y tế chuyên sâu.

PGS.TS. Trần Xuân Bách, Phó chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Chuyên gia Kinh tế Y tế, Trưởng nhóm nghiên cứu báo cáo tại Hội nghị.

PGS.TS. Trần Xuân Bách, Phó chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Chuyên gia Kinh tế Y tế, Trưởng nhóm nghiên cứu báo cáo tại Hội nghị.

Cũng theo PGS.TS. Trần Xuân Bách: “Đại dịch COVID-19 không chỉ làm thay đổi các yêu cầu với công việc mà còn ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc sống cũng như sức khỏe thể chất và tinh thần của các nhân viên y tế. Khoảng 40% trong số họ cho biết họ gặp phải những khó chịu và suy giảm về sức khỏe thể chất và 70% bị lo lắng và trầm cảm, dẫn đến 25% giảm mức độ hài lòng với công việc của họ”.

Nghiên cứu này là một trong ba nội dung rất quan trọng được giới thiệu trong phần dẫn đề của Thảo luận chính sách về “Ảnh hưởng của COVID – 19 đến điều kiện lao động, kinh tế và xã hội của các nhân viên y tế Việt Nam” do TW Hội Thầy Thuốc trẻ Việt Nam phối hợp với ActionAid Việt Nam, Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội, Viện Kinh tế và Công nghệ Y tế đồng tổ chức.

Cũng trong khuôn khổ hội nghị, tại phiên làm việc buổi chiều, qua kinh nghiệm thực tế triển khai “Mạng lưới thầy thuốc đồng hành” tại một số địa phương, các đại biểu sẽ cùng chia sẻ cũng như cùng góp ý, xây dựng nhằm nhân rộng mô hình chăm sóc sức khỏe từ xa sử dụng nền tảng công nghệ với tổ chức Hội là nòng cốt triển khai. Qua đó tăng cường năng lực y tế cơ sở cũng như giảm tải gánh nặng y tế cho các đơn vị điều trị, giành giật những mạng sống quý giá trong giai đoạn phức tạp hiện nay.

Đọc thêm