1.000 nhân viên y tế tuyến cơ sở tại TP HCM xin nghỉ việc - định hướng nào cho trạm y tế xã?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trước thực trạng gần 1.000 nhân viên y tế tuyến cơ sở tại TP HCM xin nghỉ việc trong năm qua, mới đây, tại cuộc họp HĐND TP HCM, Chủ tịch TP Phan Văn Mãi cho biết đã làm việc với Bộ Y tế, thống nhất triển khai đề án thí điểm xây dựng tổ chức trạm y tế theo quy mô dân số, áp lực công việc của nhân viên sẽ được giảm...
Công việc quá tải, thu nhập không đủ trang trải cuộc sống, thiếu cơ hội nâng cao tay nghề... khiến hàng loạt nhân viên y tế nghỉ việc.
Công việc quá tải, thu nhập không đủ trang trải cuộc sống, thiếu cơ hội nâng cao tay nghề... khiến hàng loạt nhân viên y tế nghỉ việc.

Ngày 11/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế có giải pháp kịp thời khắc phục tình trạng cán bộ y tế nghỉ việc, nhất là ở các TP lớn như Hà Nội, TP HCM.

Trước khi bị “cơn bão” COVID-19 tấn công, số nhân viên y tế ở TP HCM chỉ đạt tỷ lệ 2,31 người trên 10.000 dân, thấp hơn số trung bình cả nước là 7. Đợt dịch COVID-19 vừa qua, hệ thống y tế cơ sở tiếp tục bộc lộ nhiều điểm yếu về nhân lực lẫn cấu trúc tổ chức, cơ sở vật chất, trang thiết bị. Công việc quá tải, thu nhập không đủ trang trải cuộc sống, thiếu cơ hội nâng cao tay nghề... khiến hàng loạt nhân viên y tế nghỉ việc.

Trong bối cảnh trên, ngành Y tế TP đưa ra đề án với nhiều chính sách giữ chân, thu hút nhân lực tuyến y tế cơ sở như hỗ trợ thu nhập, đề xuất điều chỉnh biên chế ở trạm dựa trên quy mô dân số chứ không theo địa giới hành chính vì có những phường, xã rất đông dân, nếu 5-10 nhân viên theo quy định sẽ không thể đáp ứng. Đề án cũng kiến nghị bác sĩ mới tốt nghiệp thay vì tới thực hành 18 tháng ở bệnh viện sẽ làm việc tại trạm y tế 12 tháng, được hỗ trợ với mức 1,5 lần lương tối thiểu.

Những đề xuất này rất thực tế, rất được kỳ vọng, nhưng vấn đề nằm ở chỗ TP HCM không thể tự quyết được mà cần Trung ương và các bộ, ngành đồng ý, ủng hộ về các quy trình, thủ tục, tài chính, cơ chế... ít nhất phải có một cơ chế đặc thù. Về lâu dài phải có chính sách của Chính phủ, thậm chí ở tầm Quốc hội. Như vậy mới bền vững, tránh tình trạng đang dịch bệnh thì tăng tuyển dụng, đãi ngộ; sau đó lại cho nghỉ việc, cắt giảm biên chế; như Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan nói.

Còn một chặng đường dài khác đang thách thức các trạm y tế xã, phường, đó là bản thân các trạm phải tự khẳng định chính mình. Hiện tuyến trạm y tế thường chỉ làm những nhiệm vụ hành chính, thu thập số liệu, thống kê, các chương trình điều tra sức khỏe, dinh dưỡng, tổ chức tiêm chủng, vận động sinh đẻ có kế hoạch... là những công việc chưa gắn bó trực tiếp nhu cầu người dân.

Một vấn đề nữa, để người dân tin tưởng, hệ thống trạm y tế không chỉ cần được bổ sung đầy đủ nhân lực mà còn phải có cả trang thiết bị, vật chất, máy móc, đặc biệt nhân lực phải có tay nghề chuyên môn vững, thường xuyên trau dồi, cọ xát công việc thì các trạm mới có thể phát huy nhiệm vụ khám chữa bệnh ban đầu.

Con đường tiến tới chuyên nghiệp, tiến tới cái đích tự khẳng định mình của trạm y tế như vậy có thể còn khá gian nan, từ việc tính toán tiền đâu đầu tư, nhân lực đâu để bổ sung, thậm chí có thể cần Quốc hội ra một nghị quyết yêu cầu ngân sách các địa phương khi chi cho y tế buộc phải dành bao nhiêu phần trăm cho y tế dự phòng, cho hệ thống trạm y tế cấp xã.

Đọc thêm