Khoảng 8% - 29% vị thành niên ở Việt Nam mắc các vấn đề về sức khoẻ tâm lý

(PLVN) - Tại Việt Nam, sức khoẻ tinh thần là một thực trạng ngày càng cấp bách, đặc biệt ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Theo nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), khoảng 8% - 29% trẻ em trong độ tuổi vị thành niên ở Việt Nam gặp các vấn đề về sức khoẻ tâm lý.
Khoảng 8% - 29% vị thành niên ở Việt Nam mắc các vấn đề về sức khoẻ tâm lý

Ngày Sức khỏe Tinh thần Thế giới được tổ chức hàng năm vào tháng 10, là sự kiện để toàn thế giới cùng nhau giải quyết những thách thức xung quanh vấn đề sức khỏe tinh thần của xã hội. Năm nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên đoàn Thế giới về Sức khỏe Tâm thần và Tổ Chức Sức khỏe Tâm thần Toàn cầu đã hợp tác để kêu gọi cộng đồng thế giới thảo luận về các biện pháp xung quanh thách thức sức khỏe tinh thần qua chiến dịch “Vì sức khỏe tinh thần: Hãy hành động.” Chiến dịch cho thấy đại dịch COVID-19 và những ảnh hưởng kéo theo - bao gồm các biện pháp giãn cách xã hội và suy thoái kinh tế - đã gây ra tình trạng âu lo và sợ hãi, tác động đến sức khỏe tinh thần của cộng đồng.

Một hệ quả khác là gia tăng số giờ làm việc, giải trí cũng như nhu cầu cập nhật thông tin trực tuyến ngay tại nhà. Thời gian trực tuyến quá lâu đã kéo theo hàng loạt thách thức mới, cụ thể là vấn đề lạm dụng thiết bị điện tử và bắt nạt qua mạng, khiến việc đảm bảo một môi trường trực tuyến an toàn và lành mạnh càng trở nên cấp bách. Bên cạnh những nỗ lực của chính phủ và mỗi cá nhân, các nền tảng số cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc “trang bị” cho người dùng khả năng “đề kháng tinh thần” trong môi trường trực tuyến tiềm ẩn nhiều nguy cơ. 

Cần hạn chế thời gian trực tuyến, chơi game.
Cần hạn chế thời gian trực tuyến, chơi game. 

Chuyên gia khuyến cáo: Chúng ta có thể chủ động hạn chế thời gian trực tuyến bằng cách tắt các thiết bị điện tử vào những thời điểm nhất định trong ngày, chẳng hạn như khi ngủ hoặc lúc dành thời gian cho những người thân yêu. Việc tắt thông báo các thiết bị điện tử có thể giúp mỗi người tránh xa được “sức cám dỗ” của những tin nhắn không cần thiết. 

Nhiều người trong chúng ta sử dụng các thiết bị điện tử như một thói quen để giết thời gian. Nhưng liệu rằng bạn có đang tự “giấu mình” vào một thế giới ảo để thoát khỏi cuộc sống thực tại? Việc tìm đến các ứng dụng như mạng xã hội hay diễn đàn trực tuyến có thể  dễ dàng và thuận tiện đấy, nhưng có những cách khác để mỗi người tận hưởng quỹ thời gian bản thân một cách lành mạnh và hiệu quả hơn. Khi cảm thấy buồn chán, hãy cân nhắc tập thể dục hoặc bắt đầu một sở thích mới. Việc tách bản thân ra khỏi các thiết bị điện tử sẽ cho mỗi người nhiều thời gian hơn để học cách tập trung. Hãy thử viết nhật ký hoặc ngồi thiền. Tập ghi lại những kỉ niệm đẹp hoặc những điều tích cực và học cách bày tỏ sự biết ơn với mọi người và cuộc sống xung quanh./.

Đọc thêm