Khoảng trống pháp lý trong giao dịch thương mại điện tử

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Cơ quan quản lý nhà nước chưa có một cơ chế riêng về quản lý với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) giao dịch qua thương mại điện tử (TMĐT), đã gây ra nhiều khó khăn trong công tác quản lý cũng như đấu tranh với các hành vi gian lận thương mại.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo đánh giá của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, tại báo cáo về Chỉ số TMĐT Việt Nam (EBI) trong 5 năm gần đây thì tốc độ tăng trưởng trung bình năm của Việt Nam từ 25-30%. Nếu Việt Nam vẫn duy trì mức độ tăng trưởng này thì quy mô thị trường TMĐT Việt Nam năm 2025 đứng thứ ba Đông Nam Á, sau Indonesia và Thái Lan.

Hiện chưa có quy định thủ tục riêng cho hàng hóa XNK giao dịch qua TMĐT dẫn đến việc thống kê số liệu về hàng hóa của cơ quan hải quan gặp khó khăn khi chưa có đủ cơ sở dữ liệu để tổng hợp. Qua công tác quản lý của cơ quan hải quan, cho thấy số lượng giao dịch qua TMĐT phát triển nhanh chóng, nhất là trong thời kỳ dịch bệnh và vào các dịp lễ, các dịp giảm giá.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2020, lượng hàng hóa giao dịch qua TMĐT làm thủ tục thông quan tại Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh thuộc Cục Hải quan TP Hà Nội; kim ngạch ước đạt 1.025 triệu USD (tháng 6 là 416 triệu USD, tăng 5 lần so với tháng 1 là 85 triệu USD).

Số liệu nhập khẩu của 1 Cty tại Hà Nội chuyên làm thủ tục nhập khẩu hàng của sàn TMĐT Shopee, Lazada của Trung Quốc cũng đạt những con số “khủng”. Theo đó, năm 2020, kim ngạch hơn 551 triệu USD; năm 2021, kim ngạch quý I hơn 69,8 triệu USD, tăng hơn 50 lần so với cùng kỳ 2020…

Với tốc độ tăng trưởng cao như vậy, đòi hỏi cần phải nhanh chóng có những biện pháp quản lý mới phù hợp, tương thích với hoạt động giao dịch TMĐT qua biên giới; đảm bảo việc quản lý hải quan nhưng không ảnh hưởng đến sự phát triển của hoạt động TMĐT.

Khảo sát của Bộ Tài chính cho thấy, với giao dịch qua TMĐT hiện nay, do người mua thường thanh toán qua các thẻ ghi nợ, ví điện tử nên đa số không nộp hoặc xuất trình được chứng từ giấy liên quan đến trị giá của hàng hóa XNK. Đặc biệt là các chứng từ nhằm chứng minh trị giá giao dịch của hàng hóa, cơ sở để hải quan xác định trị giá hải quan, thực hiện tính thuế.

Qua rà soát các văn bản liên quan đến việc quản lý chuyên ngành, cho thấy các văn bản đều có quy định các trường hợp được miễn cấp phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành nhưng không có văn bản nào quy định về việc miễn cấp phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa XNK giao dịch qua TMĐT; đặc biệt với trường hợp cá nhân mua qua TMĐT với số lượng nhỏ.

Với cá nhân mua hàng số lượng nhỏ phục vụ mục đích cá nhân vẫn phải tuân thủ đầy đủ quy định cấp phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành. Trong khi đó, hầu hết thủ tục cấp phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành của các bộ, ngành liên quan quy định về hồ sơ thì chỉ có tổ chức XNK mới có thể đáp ứng. Điều này gây khó khăn đối với các cá nhân thực hiện việc XNK hàng hóa giao dịch qua TMĐT.

Cơ quan quản lý nhà nước cũng chưa có cơ chế riêng về quản lý đối với hàng hóa XNK giao dịch qua TMĐT, nên khi thực hiện các thủ tục hải quan, thủ tục liên quan đến lĩnh vực quản lý của các bộ, ngành, người mua hàng gặp khó khăn trong việc nhận hàng hóa được mua từ nước ngoài.

Điều này dẫn đến hình thành nên một bộ phận thực hiện việc mua hộ hàng hóa trên websites và vận chuyển số hàng hóa này về Việt Nam theo các con đường không chính thống, đặc biệt là qua biên giới đường bộ, gây khó khăn trong công tác đấu tranh đối với các hành vi gian lận thương mại. Vì vậy, cần thiết phải có những quy định để kiểm soát với hàng hóa XNK giao dịch qua TMĐT; nhưng vẫn đảm bảo thuận lợi để người mua, người bán tuân thủ thực hiện đúng theo pháp luật.

Trước tốc độ phát triển và bất cập như trên, Bộ Tài chính cho hay đã hoàn thành dự thảo Nghị định quản lý hàng hóa XNK giao dịch qua TMĐT lấy ý kiến rộng rãi để hoàn thiện trước khi trình Chính phủ. Theo Bộ này, việc ban hành Nghị định nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ về chính sách quản lý, chế độ nhằm đảm bảo công tác quản lý của cơ quan Hải quan hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính.

Đọc thêm