Cụ thể, Nghị định 21/2025/NĐ-CP Chính phủ ban hành ngày 10/2/2025 sửa đổi tên Điều 9 và khoản 1 Điều 9 Nghị định số 26/2023/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan như sau:
Điều 9. Thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện để sản xuất, gia công (lắp ráp) các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô đến ngày 31 tháng 12 năm 2027 (gọi tắt là Chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô).
Quy định thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được để sản xuất, gia công (lắp ráp) các sản phẩm hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô (gọi tắt là sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ô tô) đến ngày 31 tháng 12 năm 2027 (quy định tại Nghị định 26/2023/NĐ-CP là đến ngày 31.12.2024) như sau:
Tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan, người khai hải quan thực hiện kê khai, tính thuế đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu theo mức thuế suất thuế nhập khẩu thông thường hoặc mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi hoặc mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo quy định, chưa áp dụng mức thuế suất 0%.
Việc áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện của Chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô thực hiện theo quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7, khoản 8 Điều này.
Nghị định 21/2025/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/2/2025.
Thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện để sản xuất, gia công (lắp ráp) các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô quy định tại Nghị định này được áp dụng đến ngày 3/12/2027.
Doanh nghiệp đã đăng ký tham gia Chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô quy định trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành không phải đăng ký lại Chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô và được hưởng ưu đãi theo quy định tại Nghị định này.
Trước đó, Bộ Công Thương, Hiệp hội Cơ khí Việt Nam (VAMI), Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã kiến nghị Chính phủ gia hạn Chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô đến ngày 31/12/2027, tương đương với khoảng thời gian của chương trình ưu đãi thuế khác trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô.
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, 11 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất xe có động cơ tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2023. Sản lượng nhóm sản phẩm linh kiện phụ tùng ô tô tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, phụ tùng khác của xe có động cơ tăng 24,55%; thiết bị khác dùng cho động cơ xe tăng 5,88%; bộ dây đánh lửa và bộ dây khác sử dụng cho xe có động cơ tăng 5,79%. Đối với sản xuất ô tô, chỉ có 2 phân loại là xe có động cơ đốt trong chở từ 10 người trở lên có sản lượng tăng 33,51% và xe có động cơ đốt trong chở dưới 10 người tăng 31,46%.
Kể từ khi Chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô được ban hành, theo đánh giá của Hiệp hội Cơ khí Việt Nam (VAMI), các doanh nghiệp thành viên đã ghi nhận những hiệu quả nhất định thông qua việc áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện sản xuất, lắp ráp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
Từ năm 2020 đến nay, Bộ Công Thương đã cấp Giấy xác nhận ưu đãi khoảng 40 dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô. Chính sách ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô vừa qua (đến hết ngày 31/12/2024) là đòn bẩy quan trọng, giúp doanh nghiệp yên tâm mở rộng quy mô, cải tiến thiết bị, đồng thời từng bước tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp ô tô.