Mạng ảo, hậu quả thật
Theo chị N.T.P., mấy tháng qua, thấy cháu T., con trai đang học lớp 11, ngày nào cũng chăm chú vào điện thoại di động và máy tính, cứ nghĩ con mình siêng học. Không ngờ trong lúc chờ vào tiết, vào lớp hay lúc nghỉ, T. đã lân la vào các trang mạng chat với bạn bè, bị bạn rủ dùng “cỏ” để bớt căng thẳng, đỡ mỏi mắt. T. ngây thơ tin theo. May là trước khi giao máy cho con, chồng chị đã nhờ cài đặt theo dõi các trang truy cập, nên mới kịp thời phát hiện cháu học đòi theo nhóm bạn lạ trên mạng xã hội tìm hiểu các chất kích thích. May hơn nữa là cháu chưa kịp “thử” những chất kích thích nguy hiểm ấy.
Và không chỉ đa dạng về giá cả mà shop còn phân chia hàng theo những combo, đa dạng các loại cỏ với nhiều hương vị để hấp dẫn người mua. Họ chấp nhận mọi hình thức giao hàng, đến bất cứ nơi đâu, dù nội hay ngoại thành, liên tỉnh và luôn chuẩn bị sẵn các “phương án” để đề phòng khi bị phát hiện hoặc bị tố giác. Điều đáng lo ngại là không ít người đã rơi vào con đường nghiện ngập và họ đều còn rất trẻ.
Cùng với đó, sau gần hai năm học online, nhiều phụ huynh than trời khi con đã nghiện mạng xã hội. Điện thoại và tai nghe không rời, trừ khi ngủ. PGS.TS Trần Thành Nam (Trường Đại học (ĐH) Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội) đã đưa ra một nghiên cứu về trẻ em, thanh, thiếu niên tham gia các hoạt động trực tuyến cho thấy, trong 5-6 năm qua, trẻ dưới 9 tuổi sử dụng Internet tăng lên đáng kể. Internet có thể khiến trẻ em xa rời việc học tập hoặc việc tương tác trong thế giới thực; lạm dụng không gian ảo dễ dẫn đến nghiện Internet, nghiện game.
Ngoài ra, tham gia nhiều hoạt động trực tuyến có nguy cơ đối mặt tình trạng bắt nạt trực tuyến. Một khảo sát của nhóm chuyên gia với gần 1.000 học sinh tiểu học và THCS tham gia cho thấy, có 0,5-1,6% học sinh báo cáo thường xuyên bị bắt nạt trực tuyến bởi các hình thức khác nhau như: gửi tin nhắn đe doạ; đăng tin nhắn, ảnh bí mật lên mạng; tẩy chay; viết không đúng sự thật; bình luận tiêu cực về cá nhân…
GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội nhận định, văn hóa mạng có ảnh hưởng mạnh mẽ và to lớn tới văn hóa nhà trường. Bên cạnh việc học tập trong nhà trường, các em còn gia nhập vào một nền văn hóa khác có tác động mạnh mẽ hơn. Họ có thể tìm thấy sự an ủi, tin tưởng, niềm vui, học hỏi được khối lượng tri thức khổng lồ từ nền văn hóa ấy. Mặt khác, họ cũng có thể bị ảnh hưởng bởi những tác động tiêu cực từ văn hóa mạng.
Chú trọng xây dựng văn hóa mạng trong nhà trường
GS.TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh chia sẻ, theo thống kê của Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2020, Việt Nam là một trong 20 nước có số người sử dụng Internet cao nhất thế giới.
GS.TS Huỳnh Văn Sơn phân tích, chủ thể chính của văn hóa học đường là giáo viên, học sinh, trong khi hai chủ thể này lại khai thác, sử dụng Internet và mạng xã hội rất phổ biến, vì thế nên sự tác động lại càng trực tiếp và sâu sắc. Song song với đó là chủ thể của hoạt động dạy học với nhiều ngữ liệu cập nhật hiện đại được “chứa đựng” trên Cổng thông tin Internet; công nghệ thông tin và thiết bị công nghệ, trong đó có mạng xã hội, các phần mềm đã trở thành các công cụ thực thi dạy học. Điều đó càng làm cho dấu ấn của văn hóa học đường bị tác động thêm nhiều và ngày càng nhiều hơn nữa.
Ngoài ra, theo báo cáo của Microsoft năm 2020, chỉ số văn minh trên không gian mạng của Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia thấp nhất thế giới. Trước đó, khảo sát của Chương trình nghiên cứu Internet và Xã hội (VPIS) năm 2017, các trường hợp phát ngôn gây thù ghét của người dùng mạng tại Việt Nam tập trung ở: Nói xấu, phỉ báng; vu khống, bịa đặt thông tin; kỳ thị dân tộc; kỳ thị giới tính; kỳ thị khuyết tật. Đây là một trong những dữ liệu cho thấy thực trạng văn hóa học đường của Việt Nam cần được xem xét, cải tiến, nhất là sự quan ngại về tác động của thực trạng này đến con người, đặc biệt là trẻ em, học sinh vị thành niên.
Điều đáng nói, cùng với những ưu điểm vượt trội thì ảnh hưởng tiêu cực của thế giới ảo đang bộc lộ rõ nét. Trong khi người sử dụng mạng Internet dần trẻ hóa và có xu hướng gia tăng thì các chuyên gia và “giáo viên mạng” cũng xuất hiện ngày càng nhiều, tạo ra những điều trăn trở mới trong hành xử với người học, chưa nói tới kiến thức có thật sự chuẩn hay không.
Theo TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, một thực tế đáng quan tâm là bên cạnh Internet, mạng xã hội đang ngày càng được sử dụng phổ biến ở Việt Nam. Gần đây, mạng xã hội đã phát triển thêm nền tảng học tập, vì vậy đã tạo thêm một không gian văn hóa mới mang tính giáo dục để mọi người trau dồi kiến thức và kỹ năng; nơi cả thầy và trò cùng đến với các giá trị quan trọng, bao gồm sự hợp tác, chia sẻ, giao tiếp, sáng tạo. Với thế hệ Z, thế hệ lớn lên cùng với ipad, điện thoại thông minh, mạng xã hội và thế giới ảo, văn hóa mạng là một thành phần không thể thiếu tạo nên nền tảng tinh thần của họ.
Do đó, GS. TS Phạm Đỗ Nhật Tiến đề nghị: “Cần từng bước tiến tới xây dựng văn hóa mạng, trước hết là văn hóa mạng trong nhà trường. Sự tràn lan các phi giá trị trên không gian mạng của Việt Nam có liên quan đến cách hành xử thiếu văn hóa của một bộ phận cư dân mạng. Ngành Giáo dục cần xác định các giá trị, chuẩn mực, niềm tin mà thầy và trò cùng chia sẻ, cùng theo đuổi trong quan hệ ứng xử với không gian mạng, hướng đến một văn hóa mạng tích cực đồng hành với văn hóa học đường.
Bởi lẽ cho đến nay, theo GS.TS Phạm Đỗ Nhật Tiến, nhận thức về vai trò của văn hóa học đường trong việc nâng cao chất lượng giáo dục còn khá mờ nhạt. Ngay trong việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nói chung, đổi mới chương trình giáo dục phổ thông nói riêng, khi bàn đến các nhiệm vụ và giải pháp, tuyệt nhiên không có nội dung nào liên quan đến việc xây dựng văn hóa học đường.
Mặc dù trong mấy năm gần đây, việc triển khai Cuộc vận động “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” có thể coi là một tiếp cận đến việc xây dựng văn hóa học đường. Thế nhưng, việc tổ chức thực hiện về cơ bản vẫn dừng lại ở một hoạt động mang tính phong trào. Trên thực tế, việc xây dựng một cách có ý thức các chuẩn mực, giá trị tạo nên văn hóa nhà trường còn mang tính hình thức, chưa được thực sự coi trọng và vì vậy các văn hóa tiêu cực đang có chiều hướng loang rộng trong các nhà trường là điều dễ hiểu.