Khóc, cười những vụ yêu cầu Nhà nước bồi thường (Kỳ 1)

 Trước khi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) năm 2009 ban hành và có hiệu lực, các văn bản pháp luật về BTNN quy định chưa rõ ràng  việc xác định cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết TNBTCNN. Điều này làm cho những người bị thiệt hại gặp khó khăn khi thực hiện quyền yêu cầu Nhà nước bồi thường thiệt hại và gây ra tình trạng các cơ quan nhà nước lẩn tránh hoặc đùn đẩy trách nhiệm của mình trong việc giải quyết quyền lợi của người bị thiệt hại.

Trước khi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) năm 2009 ban hành và có hiệu lực, các văn bản pháp luật về BTNN quy định chưa rõ ràng  việc xác định cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết TNBTCNN. Điều này làm cho những người bị thiệt hại gặp khó khăn khi thực hiện quyền yêu cầu Nhà nước bồi thường thiệt hại và gây ra tình trạng các cơ quan nhà nước lẩn tránh hoặc đùn đẩy trách nhiệm của mình trong việc giải quyết quyền lợi của người bị thiệt hại.

 

Đá bóng trách nhiệm

Tháng 12/1993, ông Hoàng Minh Tiến – Phó Chủ tịch Hội đồng xuất nhập khẩu, Giám đốc điều hành Liên hiệp Khoa học sản xuất Việt Nam, Giám đốc Cửa hàng Xuất nhập khẩu Đồng Tiến (DOTIMEXCO) bị TAND TP. Hà Nội kết án về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN”. Sau nhiều lần xét xử, tháng 6/1996, ông được TANDTC tuyên không phạm tội. Từ năm 1997, ông Tiến làm đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại do bị xử oan nhưng đến tận năm 2006 (tức gần 10 năm sau) mới được bồi thường. Việc giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại kéo dài của ông Tiến do thiếu cơ sở pháp lý và không xác định được cơ quan giải quyết bồi thường.
LS. Đỗ Ngọc Thịnh (Liên đoàn Luật sư Việt Nam) nhận định: Các cơ quan tư pháp cũng đã tiến hành xem xét và xử lý cán bộ, công chức đã làm oan cho công dân trong hoạt động tố tụng hình sự, tuy nhiên, chủ yếu là rút kinh nghiệm. Mặt khác, có nhiều vụ việc làm oan liên quan đến nhiều ngành (Công an, Kiểm sát, Tòa án) nên việc xét kỷ luật cán bộ rất khó phân định rạch ròi, cụ thể về trách nhiệm…

Ngay sau khi được tuyên vô tội, ông Tiến đã gửi nhiều đơn yêu cầu theo Nghị định số 47/CP ngày 3/5/1997 của Chính phủ tới nhiều cơ quan nhà nước, tuy nhiên không có cơ quan nào nhận trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho ông. Năm 2003, Nghị quyết 388/2003/NQ-UBTVQH11 ngày 17/3/2003 của Ủy ban thường vụ Quốc hội được ban hành, ông Tiến lại có đơn yêu cầu bồi thường nhưng vẫn chưa được chấp nhận vì phải “chờ” Thông tư hướng dẫn. Sau khi có Thông tư năm 2004, đơn của ông Tiến được chấp nhận nhưng TAND TP. Hà Nội không chịu trách nhiệm bồi thường và chuyển hồ sơ sang VKSND TP. Hà Nội. Việc chuyển qua chuyển lại giữa hai cơ quan đã diễn ra đến tận cuối tháng 6/2004 mới xác định được cơ quan giải quyết bồi thường cho ông Tiến là VKSND TP. Hà Nội.

Như vậy, phải mất 8 năm, ông Tiến mới tìm được đúng cơ quan có trách nhiệm bồi thường cho mình. Điều này trước tiên, do thiếu cơ sở pháp lý, Nghị định 47 không phân tách trách nhiệm của từng cơ quan ở mỗi giai đoạn trong hoạt động tố tụng để xác định cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường. Nghị quyết 388 và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng chưa giải quyết được vấn đề. Một vấn đề nữa, khi người bị thiệt hại không xác định được cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường thì cũng không có một cơ quan nào đứng ra xác định cơ quan có trách nhiệm đó.

Nhấn mạnh rằng Nghị quyết 388 và Nghị định 47 sẽ hết hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2010, Luật TNBTCNN đã giải quyết được bất cập trên. Luật xác định rõ ràng hơn cơ quan có trách nhiệm giải quyết BTNN cho cá nhân, tổ chức bị thiệt hại. Đặc biệt, Luật đã quy định thành lập một cơ quan mới để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về BTNN (Cục BTNN thuộc Bộ Tư pháp). Nếu như các văn bản trước đây không thiết lập một cơ quan cụ thể để thực hiện chức năng này, khiến việc bồi thường không được thống nhất trong phạm vi toàn quốc và gây nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thì với Luật TNBTCNN, nếu không xác định được cơ quan giải quyết bồi thường thiệt hại, người bị thiệt hại có thể yêu cầu Cục BTNN xác định.

Người bị oan đã chết, có được bồi thường?

Mặc dù Luật TNBTCNN đã mở rộng phạm vi được bồi thường ra cả hoạt động quản lý hành chính, thi hành án, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính nhưng việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan, bị gây thiệt hại do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra vẫn luôn là câu chuyện bức xúc nhất. Triển khai Nghị quyết 388 đã có nhiều người bị oan, sai được minh oan nhưng quá trình thương lượng đòi quyền lợi chính đáng của họ lại vô cùng gian nan, vất vả.

Chẳng hạn, có trường hợp quá trình thương lượng bồi thường thiệt hại vật chất, cán bộ được giao nhiệm vụ thương lượng có biểu hiện né tránh, sợ trách nhiệm, đưa ra những yêu cầu thiếu căn cứ buộc người bị oan phải chấp nhận mức bồi thường thấp hơn với thiệt hại thực tế hoặc xác định không đúng, không đủ thiệt hại được bồi thường, gây phản ứng gay gắt của người bị oan khiến thương lượng không thành, phải đưa ra Tòa án giải quyết, làm kéo dài thời gian giải quyết như vụ việc của ông Lưu Việt H. ở tỉnh Bến Tre. Trong khi đó, theo đánh giá của một công dân đã được minh oan về hai tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN” và “trốn thuế”, Luật TNBTCNN vẫn chưa thực sự “tiến bộ” so với các quy định trước đây vì không đưa ra những căn cứ để tính mức bồi thường cho “những thiệt hại do không được khai thác từ tài sản”.

Tuy nhiên, đau lòng hơn cả là một số trường hợp người bị oan đã mất, thân nhân của họ có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại, nhưng hồ sơ vụ án không còn lưu trữ. Từ đó, không có căn cứ để giải quyết như vụ việc của ông Hoàng Văn T. và Hoàng Ngọc H. ở tỉnh Lạng Sơn. Hay trường hợp của bác sĩ Nguyễn Thanh L. ở tỉnh Hậu Giang – người cách đây 31 năm bị Công an huyện Phụng Hiệp (nay là thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) khởi tố, bắt tạm giam để phục vụ điều tra về tội “Tham ô tài sản XHCN”. Đến ngày 9/5/1981, khi đang nhận quà của gia đình đến thăm nuôi tại trại giam thì bất ngờ ông L. bị đột quị và qua đời. Nhận thấy việc khởi tố, bắt giam bác sĩ L. là oan sai, gia đình ông đã nhiều lần có đơn gửi tới các cơ quan chức năng yêu cầu giải quyết bồi thường. Quan điểm của các cơ quan bảo vệ pháp luật huyện Phụng Hiệp và tỉnh Hậu Giang đều nhất trí phải bồi thường oan sai cho bác sĩ L. song khi hồ sơ vụ án đã bị… thất lạc.

Đáng tiếc, Luật TNBTCNN hiện hành cũng không hướng dẫn cách giải quyết những trường hợp nêu trên ra sao, ai phải chịu trách nhiệm với những trường hợp này để người bị oan “ngậm cười nơi chín suối”?!

Theo Cục trưởng Cục BTNN (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thanh Tịnh, tính đến tháng 7/2011, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã tiếp nhận khoảng gần 400 vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại, trong đó đã thụ lý giải quyết khoảng 300 vụ việc (chưa bao gồm các vụ việc yêu cầu bồi thường thuộc phạm vi quản lý hành chính trong thủ tục giải quyết vụ án hành chính). Phần lớn các yêu cầu bồi thường được thực hiện tại cơ quan có trách nhiệm bồi thường. Chỉ một số lượng nhất định người bị thiệt hại không đồng ý với quyết định giải quyết bồi thường và khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường.

Hoàng Thư

Đọc thêm