Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) công nhận quyền yêu cầu bồi thường của người bị thiệt hại. Tuy nhiên, làm hết những thủ tục để đòi được quyền lợi cho mình thì người bị thiệt hại phải mất rất nhiều thời gian. Điều đó có thể làm “nản lòng” những người bị thiệt hại và làm cho việc thực thi Luật trở nên khó khăn hơn.
Được minh oan vì người khác đầu thú
Công dân Phạm Vũ trú tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng bị khởi tố oan gần 1.500 ngày, trong đó có 139 ngày bị bắt tạm giam, về tội “cố ý gây thương tích”. Sau khi vụ án được sáng tỏ, anh yêu cầu VKSND huyện Đức Trọng bồi thường oan sai số tiền hơn 652 triệu đồng. VKSND huyện chỉ chấp nhận mức bồi thường gần 78 triệu đồng. Không đồng ý, anh kiện Viện ra Tòa với lý do “mức bồi thường này là quá thấp và không đúng theo luật bồi thường của Nhà nước”. Kết quả là ngày 17/8/2011, VKSND huyện Đức Trọng phải bồi thường cho công dân Phạm Vũ 101.487.225 đồng và xin lỗi công khai tại nơi cư trú của anh Vũ, đồng thời đăng xin lỗi và cải chính 3 kỳ trên báo.
Tuy nhiên, trong vụ án này, công dân Phạm Vũ không phải được minh oan nhờ ánh sáng của một phiên tòa hay nhờ cơ quan điều tra đã điều tra ra sự thật mà là nhờ chính thủ phạm của vụ án ra đầu thú nên anh Vũ mới được tại ngoại.
Vấn đề đặt ra là, nếu như thủ phạm không ra tự thú thì số phận của công dân Phạm Vũ sẽ ra sao? Anh sẽ tiếp tục trong vòng lao lý, bị đưa ra xét xử và có thể bị kết án. Nếu như kháng án và đi qua thêm nhiều phiên tòa, có thể anh Vũ được minh oan, nhưng thời gian sẽ kéo dài, quá nhiều rủi ro cho một người phải sống trong lao tù vì một bản án oan. VKSND đã phê chuẩn khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với công dân Phạm Vũ, Cơ quan điều tra mất 1.498 ngày vẫn không điều tra ra sự thật.
Liệu những người có trách nhiệm của các cơ quan này sẽ chịu trách nhiệm gì ngoài việc xin lỗi và bồi thường? Tại sao không quy định thêm mức xử lý kỷ luật thật nghiêm khắc đối với người gây ra oan sai. Nếu gây ra án oan sai, tổ chức xin lỗi, Nhà nước trả tiền bồi thường thì quá đơn giản cho các cơ quan tố tụng!
Vì vậy, Luật TNBTCNN quy định người thi hành công vụ có lỗi gây ra thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, một vị lãnh đạo Cục BTNN (Bộ Tư pháp) khẳng định, trách nhiệm hoàn trả sẽ không gây ra sức ép đối với cán bộ, công chức. Quan điểm trên không sai song thiết nghĩ, việc có hình thức xử lý kỷ luật thật nặng đối với người gây ra oan sai cũng là cách hiệu quả để thúc đẩy tiến trình cải cách tư pháp.
Khi “im lặng là vàng”
Đầu năm 2001, bà Đào Thị C., trú tại huyện Ô Môn (nay là quận Ô Môn, TP Cần Thơ), phát hiện cô con gái 14 tuổi tên N. của mình (bị câm bẩm sinh) có dấu hiệu bất thường nên chở con đến Trung tâm y tế Ô Môn khám thì phát hiện N. có thai hơn 4 tháng. Gạn hỏi, N ra dấu cho biết đã bị người hàng xóm hiếp dâm. Bà Cúc làm đơn tố giác gửi Công an huyện Ô Môn yêu cầu làm rõ hành vi của người hàng xóm.
Thế nhưng, không hiểu vì sao cơ quan điều tra lại khởi tố và bắt tạm giam ông Mai Than - anh rể của bà Cúc về hành vi này. Năm tháng sau, N. sinh ra một bé gái. Cơ quan điều tra tiến hành giám định ADN, kết quả giám định đi ngược lại những gì cơ quan điều tra đã làm, đứa trẻ sinh ra không có gì liên quan đến ông Mai Than. Còn cơ quan điều tra vẫn một mực cho rằng, dù đứa trẻ không phải là con ông Mai Than nhưng vẫn có cơ sở để xác định ông có hành vi hiếp dâm N. Sau đó, TAND tỉnh Cần Thơ (nay là TP. Cần Thơ) đã tuyên phạt ông Mai Than 20 năm tù tội “Hiếp dâm trẻ em”.
Vụ án bị kháng cáo và sau đó Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM xử phúc thẩm đã tuyên hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra lại do chứng cứ có nhiều mâu thuẫn, lời khai nhân chứng bất nhất, không đáng tin cậy. Sau khi thụ lý lại vụ án, qua 4 lần ra quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung nhưng VKS, CQĐT vẫn không đáp ứng, ngày 29/7/2005, TAND TP. Cần Thơ đã đưa vụ án ra xét xử và tuyên ông Mai Than không phạm tội “Hiếp dâm trẻ em” và phiên phúc thẩm của Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM cũng tuyên y án sơ thẩm.
Từ ngày được tuyên vô tội, ông Mai Than gửi đơn đến VKSND TP. Cần Thơ và Công an TP. Cần Thơ yêu cầu bồi thường thiệt hại do bị khởi tố, truy tố oan. Thế nhưng, cả hai cơ quan này đều không có một lời phúc đáp và cứ hành xử theo kiểu “im lặng là... vàng”!
Nếu chiếu theo Luật TNBTCNN, để thực hiện quyền yêu cầu cơ quan có trách nhiệm bồi thường giải quyết việc bồi thường, ông Than cũng như những người bị thiệt hại khác phải có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật hoặc có văn bản của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người bị thiệt hại thuộc trường hợp được bồi thường. Để có được văn bản này, người bị thiệt hại phải làm thủ tục khiếu nại theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo. Tiếp đến, người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường theo Luật TNBTCNN.
Thủ tục yêu cầu bồi thường phải trải qua nhiều giai đoạn khác nhau: Gửi đơn yêu cầu; Xác minh thiệt hại; Thương lượng bồi thường; Khởi kiện ra tòa theo thủ tục tố tụng dân sự nếu không đồng ý với quyết định giải quyết bồi thường lại; Khiếu nại theo thủ tục khiếu nại của Luật Khiếu nại, tố cáo trong quá trình giải quyết bồi thường nếu phát hiện hành vi trái pháp luật của người có thẩm quyền trong giải quyết bồi thường. Nói chung, thủ tục còn phiền phức và rất mất thời gian, dễ khiến những người bị thiệt hại “nản lòng” và làm cho việc thực thi Luật TNBTCNN trở nên khó khăn.
Nên chăng, xây dựng cơ chế giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực bồi thường nhà nước riêng để tinh giản tối đa các thủ tục mà người thiệt hại phải thực hiện!
Sơn Hà