Khởi công cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành trong tháng 4

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sáng 8/4, UBND hai tỉnh Bình Phước và Đắk Nông đã tổ chức cuộc họp trực tuyến kiểm điểm tiến độ thực hiện dự án cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành, thuộc tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Tây.

Tại cuộc họp, ục tiêu được hai địa phương thống nhất là khởi công dự án trong tháng 4/2025, đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Theo báo cáo từ các sở ngành, công tác lập hồ sơ pháp lý, quy hoạch chi tiết, chuẩn bị mặt bằng và khu tái định cư đang được đẩy nhanh. Bình Phước hiện đã quy hoạch 17 vị trí làm bãi thải phục vụ dự án. Công tác giải phóng mặt bằng – yếu tố then chốt để đảm bảo tiến độ – đang được cả hai địa phương gấp rút triển khai.

Lãnh đạo hai tỉnh khẳng định tinh thần làm việc quyết liệt, rõ trách nhiệm, yêu cầu các đơn vị chuyên môn bám sát tiến độ từng ngày, hoàn thành đầy đủ thủ tục pháp lý để sẵn sàng tổ chức lễ khởi công theo đúng kế hoạch trong tháng 4.

Phối cảnh cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành

Phối cảnh cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành

Cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành có tổng chiều dài 128,8km, chia làm 5 dự án thành phần. Điểm đầu kết nối với Quốc lộ 14 tại xã Kiến Thành, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông), điểm cuối giao với đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành – Đức Hòa, thị xã Chơn Thành (Bình Phước).

Dự án được thiết kế 4 làn xe, mặt cắt nền đường rộng từ 24,75 – 25,5m, tốc độ tối đa 120km/h, với tổng mức đầu tư khoảng 25.540 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ hơn 10.500 tỉ đồng, địa phương góp hơn 2.200 tỉ đồng, phần còn lại là vốn huy động theo hình thức PPP (đối tác công tư).

Theo kế hoạch, cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành sẽ cơ bản hoàn thành trong năm 2026 và đưa vào khai thác năm 2027. Hai địa phương sẽ chủ trì thực hiện 4 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công, tập trung vào giải phóng mặt bằng, xây dựng đường gom và cầu vượt. Riêng tỉnh Bình Phước phụ trách thêm dự án thành phần số 3 và số 5, trong đó có một đoạn đầu tư theo PPP.

Dự án được kỳ vọng sẽ trở thành trục kết nối kinh tế – giao thương quan trọng giữa Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, rút ngắn thời gian di chuyển, tăng tính liên kết vùng và tạo động lực phát triển mới cho khu vực biên giới phía Bắc của tỉnh Bình Phước.

Đọc thêm