Bạn đồng hành
Quỹ Phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) là tổ chức tài chính nhà nước, trực thuộc Bộ KH&ĐT, được thành lập theo Quyết định 601/QĐ-TTg ngày 17/04/2013 của Thủ tướng Chính phủ nhằm triển khai hiệu quả các chính sách trợ giúp phát triển DNNVV theo Nghị định 56/2009/NĐ-CP ngày 30/06/2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển DNNVV.
Với số vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, việc thành lập Quỹ Phát triển DNNVV thể hiện quyết tâm của Chính phủ và Bộ KH&ĐT trong việc huy động các nguồn lực thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân, tạo động lực phát triển nền kinh tế đất nước.
Bà Hoàng Thị Hồng, Giám đốc SMEDF |
Mục đích hoạt động của Quỹ là giúp DNNVV nâng cao năng lực cạnh tranh, chú trọng hỗ trợ DNNVV đổi mới phát triển sản phẩm có tính cạnh tranh cao và thân thiện với môi trường; đầu tư, đổi mới trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ tiên tiến; phát triển công nghiệp hỗ trợ; nâng cao năng lực quản trị DN.
Đối tượng của Quỹ là các DNNVV được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam hoạt động trên phạm vi toàn quốc.
Từ năm 2016, Quỹ ủy thác cho các ngân hàng thương mại cho vay đối tượng hỗ trợ của Quỹ với mức lãi suất ưu đãi là 5.5% đối với khoản vay ngắn hạn và 7% đối với khoản vay trung và dài hạn. Đồng thời, Quỹ cũng phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan để thực hiện các hoạt động và chương trình hỗ trợ nhằm tăng cường năng lực cho các DNNVV.
Với sứ mệnh trở thành người bạn đồng hành của các DN, Quỹ Phát triển DNNVV đi vào hoạt động được đánh giá là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với cộng đồng DNNVV hiện đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn nhằm phát huy toàn bộ tiềm năng, tăng cường tính cạnh tranh, củng cố vị thế trên thương trường; thông qua đó tạo tiền đề cho nền kinh tế đất nước tăng trưởng ổn định…
Khởi động…
Cũng phải gần 4 tháng sau ngày ra mắt, Quỹ Hỗ trợ DNNVV (SMEDF) mới chính thức khởi động các chương trình cho vay năm 2016. Một cuộc hội thảo khởi động các chương trình cho vay năm 2016 của Quỹ đã được tổ chức tại Hải Phòng hôm 29/7 vừa qua.
Đây là hội thảo nằm trong chuỗi hội thảo khởi động Quỹ dự kiến tổ chức tại 3 miền. Rất đông DN Hải Phòng và một số địa phương lân cận quan tâm đến sự kiện này và trực tiếp bày tỏ nguyện vọng được vay vốn.
Theo đại diện SMEDF, tổng hạn mức năm 2016 của 4 chương trình cho vay của Quỹ là 560 tỷ đồng, cụ thể: Chương trình hỗ trợ DNNVV đổi mới sáng tạo là 100 tỷ đồng (thời gian vay tối đa 24 tháng, mức vay tối đa 10 tỷ đồng); Chương trình hỗ trợ DNNVV tham gia vào chuỗi sản xuất, chế biến và bảo quản nông lâm và thủy sản là 210 tỷ đồng (thời gian vay tối đa 18 tháng, mức vay tối đa 20 tỷ đồng); Chương trình hỗ trợ DNNVV sản xuất sản phẩm công nghiệp phụ trợ cho ngành điện tử và cơ khí là 150 tỷ đồng (thời gian vay tối đa 18 tháng, mức vay tối đa 25 tỷ đồng) và Chương trình hỗ trợ DNNVV trong ngành quản lý và xử lý rác thải , nước thải là 100 tỷ đồng (thời gian tối đa 24 tháng, mức vay tối đa 25 tỷ đồng).
Đây đều là những chương trình Chính phủ và các bộ, ngành ưu tiên hỗ trợ. Tại Nghị quyết 35/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ phát triển DN đến năm 2020 đã chỉ rõ đích danh Quỹ Phát triển DNNVV phải tăng cường nguồn lực hỗ trợ DNNVV đổi mới sáng tạo.
Trong khi đó, Thông tư 13/2015/ TT- BKHĐT về ban hành danh mục lĩnh vực ưu tiên hỗ trợ và tiêu chí lựa chọn đối tượng ưu tiên hỗ trợ của Quỹ Phát triển DNNVV, trong đó tập trung vào 3 lĩnh vực ưu tiên chính, bao gồm: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; Công nghiệp chế biến, chế tạo; Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải.
DN đáp ứng các điều kiện, có thể gửi hồ sơ vay vốn trực tiếp tới SMEDF hoặc tới 1 trong 3 ngân hàng thương mại đã ký thỏa thuận với Quỹ về việc nhận ủy thác cho vay là Vietcombank, BIDV và HDBank. Hồ sơ vay vốn bao gồm: đăng ký kinh doanh của DN, điều lệ hoạt động của DN và giấy đăng ký tham gia tiếp nhận vốn vay từ Quỹ.
Rất nhiều DN được tư vấn vay vốn ngay bên lề hội thảo |
Lý giải về việc Quỹ khởi động cho vay sau gần 4 tháng ra mắt, bà Hoàng Thị Hồng, Giám đốc SMEDF cho biết, trong khoảng thời gian này, Quỹ chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho vận hành Quỹ như ký ủy thác với các ngân hàng, xây dựng một quy trình hoạt động, thiết lập hệ thống nhận hồ sơ của ngân hàng từ phía Quỹ và các chi nhánh đại diện của các ngân hàng nhận ủy thác trong toàn quốc…, để khu vực DNNVV hoàn thành hồ sơ, thủ tục nhanh nhất, tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ thuận lợi nhất.
Thừa nhận chưa hỗ trợ được DN nào vay vốn, song bà Hồng cho biết, hiện đã có hàng trăm hồ sơ vay vốn của DNNVV được gửi trực tiếp đến Quỹ, ngoài ra còn có rất nhiều hồ sơ gửi đến các ngân hàng và các chi nhánh của các ngân hàng nhận ủy thác trên toàn quốc.
“Vì thế, chúng tôi tin rằng thời gian tới DNNVV đủ điều kiện nhận được hỗ trợ vay vốn từ Quỹ sẽ rất nhiều.”- bà Hồng quả quyết.
Theo bà Hoàng Thị Hồng, Giám đốc SMEDF, với 98% trong số 530 nghìn DN hiện nay là DNNVV thì số vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng của Quỹ là quá nhỏ, tuy nhiên đây chỉ là vốn mồi, trong thời gian tới Quỹ sẽ huy động các nguồn lực ngoài ngân sách để bổ sung nguồn vốn cho quỹ.
Được biết, đến thời hiện tại, SMEDF đã ký kết hợp tác với Ngân hàng Johnan Shinkin của Nhật Bản và khoản vay 500 tỷ đồng vốn điều lệ của Quỹ thì được hình thành từ khoản vay của Chính phủ Việt Nam đối với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Ngoài ra còn rất nhiều tổ chức tài chính quốc tế khác cũng quan tâm đến hoạt động hỗ trợ DNNVV của Quỹ, nhưng đang vẫn trong quá trình đàm phán.