Cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha dẫn đầu
Theo nguồn tin của hãng thông tấn AP, cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Guteres là ứng cử viên nhận được nhiều phiếu “ủng hộ” nhất trong cuộc bỏ phiếu đầu tiên, tiếp theo là cựu Tổng thống Slovenia, ông Danilo Turk.
Có ba ứng cử viên cùng đứng vị trí thứ ba là Tổng Giám đốc UNESCO, cựu quyền Ngoại trưởng Bulgaria Irina Bokova, cựu Ngoại trưởng Serbia Vuk Jeremic và cựu Ngoại trưởng Macedonia Srgian Kerim. Bà Bokova nhận được 9 phiếu “ủng hộ” - số phiếu cao nhất trong số các nữ ứng cử viên. Cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark xếp thứ tư còn cựu Ngoại trưởng Argentina Susanna Malcorra nhận được ít phiếu ủng hộ hơn.
Ông Guterres, người của Đảng Xã hội trung tả giữ chức Thủ tướng Bồ Đào Nha từ năm 1995 đến năm 2002 và giữ chức Cao ủy LHQ về người tị nạn cho đến cuối năm ngoái, nhận được 12 phiếu “ủng hộ” và không nhận phải phiếu “không có ý kiến” nào. Có khả năng sẽ có thêm ứng cử viên tham gia cuộc đua chức Tổng Thư ký (TTK) LHQ vì không có thời hạn chót cho việc đề cử.
Gánh nặng lãnh đạo toàn cầu
Trong quá khứ, các cuộc bầu chọn TTK LHQ hầu như không được dư luận quốc tế quan tâm. Thực tế, đương kim TTK Ban Ki-moon cũng thường xuyên bị phê phán là “hèn nhát” và chỉ lo làm vừa lòng các ủy viên thường trực, đặc biệt là Mỹ.
Tuy nhiên, cuộc bầu chọn TTK năm nay thu hút được sự quan tâm đặc biệt khác thường, không phải vì Đại hội đồng (ĐHĐ) đã có những nỗ lực minh bạch hóa tiến trình đề cử ứng cử viên thông qua các cuộc sát hạch được truyền hình trực tiếp mà vì thế giới đang thay đổi. Mặc dù không thể trông cậy LHQ giải quyết tất cả các vấn đề hiện nay của thế giới song vai trò của LHQ trở nên quan trọng chưa từng thấy.
Mặc dù LHQ không thể dập tắt các điểm nóng, song tổ chức này có thể cải thiện cuộc sống cho hàng triệu người bằng cách đem lại cho họ cơ hội để được phát huy tiềm năng con người của mình. Do đó, tầm quan trọng khác thường của cuộc bầu chọn TTK LHQ lần này đang phản ánh những đổi thay cũng như những nhu cầu mới của thế giới.
Cuộc bỏ phiếu không chính thức đầu tiên được tiến hành với 12 ứng cử viên, đa số đến từ các nước Đông Âu- con số đông chưa từng có. Đến nay đã có 3 TTK đến từ Tây Âu, 2 người từ châu Phi, 2 người từ châu Á và 1 người từ khu vực Mỹ Latinh và Caribe, song chưa có vị TTK nào đến từ Đông Âu.
Ngoài yếu tố địa lý, cuộc bầu chọn TTK năm nay còn tính đến cả yếu tố giới tính. Nhiều quốc gia đã lên tiếng kêu gọi trao quyền lãnh đạo LHQ cho một phụ nữ. Hai nữ ứng cử viên nặng ký nhất hiện nay là Tổng Giám đốc UNESCO, cựu quyền Ngoại trưởng Bulgaria Irina Bokova và Giám đốc Chương trình Phát triển LHQ (UNDP), cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark. Tuy nhiên, đây mới chỉ là cuộc bỏ phiếu mang tính thăm dò để P5 dựa vào đó tiến hành các cuộc thảo luận kín.
Dù là ai đắc cử thì TTK HĐBA LHQ nhiệm kỳ tới cũng thực sự là “chiếc ghế nóng” bởi thời điểm đặc biệt nhạy cảm của HĐBA. Theo dự kiến, HĐBA LHQ sẽ tiến hành một cuộc bỏ phiếu không chính thức nữa vào tuần tới, tiếp theo là một số cuộc bỏ phiếu trong tháng 8 và có thể cả trong tháng 9 trước khi đưa ra kiến nghị trước ĐHĐ vào tháng 10 tới.
Trong bối cảnh HĐBA nói riêng và LHQ nói chung đang đứng trước vô vàn thách thức mới của một thế giới đang đổi thay, nhiệm vụ của HĐBA là phải lựa chọn ứng cử viên không chỉ dựa trên lai lịch, giới tính, hay những toan tính địa chính trị mà phải dựa trên năng lực lãnh đạo. LHQ xứng đáng có một thủ lĩnh sẽ giúp tổ chức này đối phó với được những thách thức mới chưa từng có trên toàn cầu.
Với cuộc bỏ phiếu ngày 21/7, HĐBA LHQ đã bước vào một giai đoạn quan trọng của tiến trình bầu chọn TTK, và cơ quan siêu quyền lực này đang nắm trong tay cơ hội tham gia cải tổ LHQ để cơ quan này phát huy hiệu quả hơn nữa trong việc giữ gìn hòa bình, ổn định và thúc đẩy phát triển trên thế giới.