Thực hiện nhiệm vụ “Nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” tại Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021 ban hành kèm theo Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 2694/QĐ-BTP ngày 30/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật; xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước năm 2017, mới đây, Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch tổ chức cuộc thi trực tuyến tìm hiểu kiến thức pháp luật dành cho học sinh trung học phổ thông.
Cuộc thi với tên gọi “Luật gia tương lai” nhằm mục đích đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường; bổ sung nguồn tài liệu tham khảo, hỗ trợ việc dạy và học pháp luật trong nhà trường; tạo sân chơi lành mạnh cho học sinh; cung cấp kiến thức pháp luật cơ bản, bồi dưỡng kỹ năng xử lý tình huống pháp lý, hình thành thói quen chủ động học tập, tìm hiểu pháp luật; nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật; giảm thiểu hành vi vi phạm pháp luật và các hành vi lệch chuẩn xã hội trong độ tuổi vị thành niên.
Đối tượng dự thi là học sinh tại các trường trung học phổ thông trên địa bàn 21 tỉnh, thành phố tham gia tổ chức cuộc thi (Bắc Ninh, Bình Dương, Bình Định, Cà Mau, Cần Thơ, Điện Biên, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Gia Lai, Hà Nội, Hải Phòng, Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Nghệ An, Phú Thọ, Sóc Trăng, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Tây Ninh, Vĩnh Phúc).
Theo kế hoạch, nội dung thi là kiến thức pháp luật được giảng dạy trong nhà trường theo chương trình THPT có mở rộng, cập nhật phù hợp với sự phát triển tâm, sinh lý lứa tuổi của học sinh THPT, bao gồm: quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm, bổn phận của thanh niên, học sinh; các quyền dân sự cơ bản của công dân, người lao động chưa thành niên, các hành vi bị nghiêm cấm, nhận diện một số hành vi vi phạm pháp luật, hậu quả và trách nhiệm pháp lý đối với một số hành vi thường diễn ra trong nhà trường; quyền, nghĩa vụ của các thành viên trong gia đình…
Về hình thức thi, thí sinh tham gia dự thi trả lời các câu hỏi trực tiếp trên máy vi tính theo phần mềm bộ đề câu hỏi được thiết kế sẵn với nhiều cấp độ (từ dễ đến khó). Một phần thi online/1 thí sinh dự thi kéo dài từ 15-20 phút, thời gian trả lời mỗi câu hỏi là 30 giây. Số lượng câu hỏi trong một phần thi online từ 30-40 câu. Chi tiết về cách thức tham gia dự thi được thực hiện theo hướng dẫn tại Thể lệ cuộc thi.
Cuộc thi nói trên sẽ được tổ chức theo 2 cấp: cấp trường và cấp tỉnh/thành phố. Ở cấp trường, học sinh chủ động đăng ký và tham gia thi trực tuyến online thông qua các thiết bị kết nối mạng internet (máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh…) phù hợp với khả năng và do học sinh (hoặc nhà trường) chủ động bố trí. Ở cấp tỉnh bao gồm 2 vòng thi: vòng loại online và vòng thi chung khảo tập trung. Trong đó, vòng loại online sẽ chọn 6 thí sinh có kết quả dự thi cao nhất/trường tham gia thi trực tuyến online. Vòng thi chung khảo tập trung sẽ chọn 1 thí sinh có kết quả dự thi cao nhất /trường tại vòng loại online để thi tập trung tại địa điểm do Ban Tổ chức cuộc thi cấp tỉnh bố trí. Thí sinh làm bài thi trên máy tính theo đề chung.
Về cơ cấu giải thưởng cấp trường gồm 3 giải (1 giải nhất, 1 giải nhì, 1 giải ba) dành cho 3 thí sinh có kết quả dự thi cao nhất/trường. Thí sinh đạt giải được Ban Tổ chức cuộc thi cấp tỉnh cấp giấy chứng nhận đạt giải và giải thưởng theo quy định; khuyến khích nhà trường trao thêm giải phụ cho học sinh. Đối với cấp tỉnh, sẽ gồm 8 giải thưởng/tỉnh, thành phố.
Bộ Tư pháp cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, cơ quan chuyên môn trực thuộc tổ chức cuộc thi tại địa phương; bố trí kinh phí bảo đảm tổ chức cuộc thi tại địa phương; tăng cường các hoạt động thông tin, truyền thông để động viên, khích lệ các em học sinh, nhà trường trên địa bàn tích cực tham gia, hưởng ứng cuộc thi; tạo điều kiện, bố trí địa điểm, cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị phục vụ tổ chức cuộc thi và báo cáo kết quả cuộc thi về Ban Tổ chức cuộc thi Trung ương sau khi kết thúc cuộc thi. Sở Tư pháp là đơn vị đầu mối tham mưu giúp UBND tỉnh, thành phố tổ chức cuộc thi tại địa phương; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường tổ chức cuộc thi; triển khai các hoạt động hưởng ứng, tổ chức cuộc thi tại địa phương.