Khơi nguồn cảm hứng cho lễ hội từ trang phục truyền thống

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2023 diễn ra trong 3 ngày cuối tuần vừa qua (27- 29/10) ước tính thu hút khoảng 60.000 lượt du khách. Sự kiện đang được xây dựng trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn của Thủ đô vào mùa thu, góp thêm một không gian văn hoá sáng tạo, “tiếp sức” cho công tác bảo tồn trang phục truyền thống của người Việt.
Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội năm 2023 mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho người dân và du khách. (Nguồn: Báo Kinh tế & Đô thị)
Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội năm 2023 mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho người dân và du khách. (Nguồn: Báo Kinh tế & Đô thị)

Dấu ấn tạo nên sản phẩm du lịch thường niên

Áo dài là một trong những biểu tượng văn hoá gắn liền với hình ảnh phụ nữ Việt Nam. Sau nhiều thập kỷ bảo tồn và lan toả trang phục truyền thống này đến với bạn bè quốc tế, áo dài dần chứng minh được vẻ đẹp và giá trị trong đời sống xã hội và văn hoá người Việt, cũng như khẳng định được bản sắc Việt Nam trên thế giới. Khai thác những tiềm năng và lợi thế sẵn có, Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2023 là minh chứng thành công cho thấy một biểu tượng văn hoá có thể trở thành một “đại sứ du lịch”, có sức hút to lớn đối với du khách thập phương.

Điểm nhấn tại Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2023 là các sự kiện cộng đồng như hoạt động diễu hành “Bách hoa bộ hành” với sự tham gia của 100 người trong trang phục áo dài ngũ thân, cổ phục; diễu hành và đồng diễn áo dài với sự tham gia của 1.000 người trên các tuyến phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm. Bên cạnh đó là các không gian sáng tạo áo dài đặc sắc, đa dạng như không gian áo dài đậm chất Hà Nội xưa, không gian áo dài cung đình Huế, không gian áo dài trẻ trung… Lễ hội năm nay có sự tham gia của 15 nhà thiết kế áo dài Hà Nội - Huế, 15 thương hiệu áo dài, 12 cơ sở phụ kiện áo dài, có thể kể đến những cái tên như Ỷ Vân Hiên, Thanh Hải, Phi Linh, La Sen Vũ, OZ Design House, Thời trang tý hon, áo dài Ngọc Hân… Không chỉ giới thiệu hình ảnh áo dài Việt Nam tới du khách, trong thời gian diễn ra sự kiện, các doanh nghiệp du lịch, hàng không, khách sạn, điểm đến cũng có cơ hội giới thiệu về các tour, tuyến, dịch vụ du lịch với các chính sách ưu đãi, khuyến mại, qua đó chuyển tới du khách những sản phẩm du lịch, phù hợp với nhu cầu thị hiếu.

Tại Lễ bế mạc Lễ hội, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, với mục tiêu kích cầu du lịch, bảo tồn, tôn vinh và khai thác các giá trị của tà áo dài gắn với du lịch, dần đưa áo dài trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo, Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2023 đã tạo dấu ấn tốt đẹp cho người dân và du khách trong, ngoài nước. Đáng chú ý là thông tin “thành phố Hà Nội định hướng đây sẽ là hoạt động thường niên vào dịp tiết trời thu Hà Nội, từ đó, xây dựng các tour du lịch hấp dẫn để phục vụ du khách và bạn bè quốc tế”. Cũng trong khuôn khổ Lễ hội, tại Tọa đàm “Định hướng và phát triển áo dài trong cộng đồng và kết nối du lịch”, nhiều chuyên gia về áo dài, du lịch, nhà thiết kế cũng bày tỏ sự đồng tình rằng Hà Nội nên đưa Lễ hội Áo dài trở thành sản phẩm du lịch độc đáo của Thủ đô.

Tiềm năng còn bỏ ngỏ

Nhìn từ thành công của Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội, có thể thấy đây không chỉ là sự kiện mang tính quảng bá văn hóa, nâng cao giá trị điểm đến, mà còn có ý nghĩa đưa áo dài truyền thống đồng hành trong nhiều sự kiện quảng bá du lịch, điểm đến của Thủ đô.

Tuy nhiên, đến nay, ngoài Lễ hội Áo dài, các sản phẩm lễ hội gắn với các loại trang phục truyền thống khác của Việt Nam vẫn còn hạn chế, tiềm năng vẫn còn bỏ ngỏ. Với 54 dân tộc anh em phân bố trên khắp mọi miền Tổ quốc, trang phục truyền thống dân tộc của nước ta rất phong phú và đa dạng với nhiều kiểu dáng, màu sắc, loại vải khác nhau. Có thể kể đến trang phục của các dân tộc thiểu số như người Mường, Ba Na, Ê Đê, Gia Rai, Chăm, Xơ Đăng,… đều có những vẻ đẹp và nét đặc trưng riêng biệt. Trước sự giao thoa văn hóa diễn ra mạnh mẽ, trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số cũng phải tự mình tìm ra hướng cải tiến mới để thích ứng, góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa đa sắc màu của mỗi dân tộc.

Thực tế cho thấy, việc xây dựng những bản sắc văn hoá này thành các “đại sứ du lịch”, xa hơn là xây dựng các sản phẩm du lịch lễ hội gắn với trang phục truyền thống có sức hút và bền vững, rất cần sự quan tâm, đầu tư bài bản hơn từ phía các cơ quan chức năng, doanh nghiệp du lịch và cộng đồng.