“Bí quyết” của du lịch Đà Nẵng
Từ nhiều năm nay, ngành du lịch Đà Nẵng đã luôn tuân thủ phương châm “mỗi người dân Đà Nẵng là một đại sứ du lịch”. Bởi vậy, hình ảnh người dân thân thiện, hiếu khách, văn minh từ lâu đã trở thành một thương hiệu của thành phố miền Trung này, khiến du khách cảm thấy có thiện cảm, ấn tượng với điểm đến. Con người là một trong những yếu tố quan trọng “níu chân” du khách ở lại vui chơi và trải nghiệm nhiều hơn, hoặc quay trở lại ghé thăm Đà Nẵng sau này.
Được mệnh danh là thành phố điểm đến của các sự kiện, thành phố xác định du lịch và dịch vụ là ngành mũi nhọn quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, đồng thời đem lại nhiều lợi ích, nâng cao cuộc sống của người dân. Bởi vậy, chính quyền địa phương luôn chú trọng việc nâng cao ý thức của người dân, cộng đồng doanh nghiệp. Thậm chí, “mỗi người dân sống trong thành phố du lịch cần chăm chút từng li từng tí thái độ với du khách” là khẳng định của bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng tại Hội nghị tổng kết ngành du lịch năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Theo đó, vị lãnh đạo này cũng cho biết “việc này cần phải làm một cách kiên trì, bền bỉ”.
Quả thực, năm 2022, ngành du lịch Đà Nẵng đã có nhiều khởi sắc, với số lượng khách ghé thăm đạt 3,69 triệu lượt, tăng 3,1 lần so với năm 2021; doanh thu lưu trú, lữ hành ước đạt 8.872 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 3,5 lần so với năm 2021. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng Cao Trí Dũng đánh giá năm 2023 du lịch thành phố sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng trong những giải pháp quan trọng nhất thì trước hết, “mỗi người dân Đà Nẵng phải là một đại sứ du lịch”.
Hoạt động du lịch giúp nhiều người dân địa phương thể hiện tình yêu với mảnh đất nơi mình gắn bó lâu dài và phát triển sinh kế. Hiểu biết về từng con đường, góc phố, nếp sinh hoạt, nét đẹp văn hoá là lợi thế mà người địa phương có được để truyền tải đến với du khách. Sự tương tác giữa người dân với du khách góp phần làm nên ấn tượng sâu sắc và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dịch vụ. Ở chiều ngược lại, hoạt động này cũng góp phần tạo ra nguồn thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế địa phương.
Chính vì thế, việc xây dựng hình ảnh “đại sứ du lịch” ở mỗi người dân là giải pháp hay đã được áp dụng thành công tại nhiều quốc gia để nâng cao nhận thức cộng đồng, chất lượng du lịch và đời sống, kinh tế địa phương. Dù không phải ai cũng có khả năng như một hướng dẫn viên chuyên nghiệp nhưng đơn giản nhất là khi người dân có thái độ, cách giao tiếp hoà nhã, lịch sự với du khách thì ấn tượng của họ cũng tốt hơn nhiều về điểm đến so với việc bị đối xử thờ ơ, soi xét.
|
Người dân bản địa trở thành nhân lực chủ chốt của du lịch địa phương. (Ảnh minh họa) |
Biến người dân thành lực lượng chính
Rõ thấy nhất là từ những mô hình du lịch cộng đồng bởi trong mô hình này, người dân đóng vai trò là chủ thể tổ chức, quản lý, thực hiện và thụ hưởng. Nhiều năm trước đây, những điểm đến nằm ở các buôn, bản, xóm ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao, vùng hẻo lánh, vùng nông thôn nghèo,… thường có ít du khách ghé thăm bởi sự thiếu thốn về cơ sở vật chất, hoạt động du lịch chưa phát triển. Tuy nhiên, chính nhờ cộng đồng bản địa, khi được trao quyền và hướng dẫn đúng cách, đã thực sự làm thay đổi “bức tranh” du lịch của điểm đến. Họ trở thành lực lượng làm du lịch chủ chốt của địa phương và thông qua hoạt động du lịch để nâng cao thu nhập và chất lượng đời sống.
Đơn cử là câu chuyện người dân các xóm, bản thuộc huyện vùng cao Đà Bắc nằm ven vùng lòng hồ Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình). Trước năm 2014 khi được Action on Poverty (AOP) - Tổ chức phi chính phủ của Australia hỗ trợ về tài chính và tư vấn kỹ thuật để phát triển du lịch, tạo sinh kế bền vững, khu vực này, vốn là nơi sinh sống chủ yếu của người Dao, Mường, Tày, Thái..., có hơn 50% là hộ nghèo.
Các chuyên gia thực hiện dự án đã tư vấn cho cộng đồng để cải tạo nhà làm nơi lưu trú phục vụ khách, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ du lịch cho người dân. Sau một thời gian, dự án Du lịch cộng đồng Đà Bắc đã thu được kết quả đáng khích lệ với hơn 140 hộ tham gia vào hoạt động du lịch cộng đồng. Đặc biệt, năm 2019, mô hình du lịch cộng đồng xóm Đá Bia được nhận giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN.
Đến nay, trên địa bàn huyện Đà Bắc đã hình thành một số mô hình, sản phẩm du lịch độc đáo thu hút du khách như như: Du lịch cộng đồng tại các xóm Đá Bia (xã Tiền Phong), xóm Sưng (xã Cao Sơn), xóm Ké (xã Hiền Lương); hái, sao chè shan tuyết, workshop hướng dẫn quy trình nhuộm chàm, in sáp ong trên trang phục truyền thống của người Dao Tiền, làm thịt chua, dịch vụ ngâm chân, tắm lá thuốc,… Hầu hết đều do cộng đồng tại địa phương phát triển và quản lý một cách bài bản.
Đáng nói, câu chuyện thành công của việc biến những người dân, người từng làm ăn nhỏ lẻ trở thành lực lượng chủ chốt trong ngành du lịch đã lan rộng trên khắp cả nước. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ từ Tổng cục Du lịch, đến năm 2020, có khoảng 300 làng, bản, buôn, thôn, xóm trên cả nước có hoạt động du lịch cộng đồng với hơn 5.000 homestay hoạt động, sức chứa gần 100 nghìn khách.
Ngày nay, du lịch cộng đồng đã là một xu hướng chính, phát triển mạnh nhất là ở khu vực miền núi phía Bắc với Hà Giang, Lai Châu, Lạng Sơn, Sơn La, Cao Bằng, Bắc Kạn, Điện Biên... Khu vực miền Trung - Tây Nguyên có Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Kon Tum. Khu vực miền Nam là các tỉnh Đồng Tháp, Bến Tre, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang...
Phần lớn người làm du lịch tại các cộng đồng này không được đào tạo chuyên nghiệp về du lịch. Tuy nhiên, thông qua nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục, tập huấn cho người dân các kỹ năng và kiến thức cơ bản, họ không những có thể phục vụ du khách một cách bài bản hơn, hình thành một sinh kế bền vững, mà còn có ý thức hơn trong việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và bảo vệ cảnh quan sinh thái, môi trường tự nhiên.
Khơi nguồn nhân lực
Nhiều chuyên gia khẳng định rằng, không ai hiểu, tuyên truyền và xây dựng hình ảnh du lịch của địa phương mình tốt bằng chính người dân bản địa. Bằng những việc làm trong khả năng của mình, mỗi người sẽ góp phần quảng bá hình ảnh của địa phương và góp phần thu hút du khách. Ngược lại, sự thiếu chuyên nghiệp, ứng xử “xấu xí” của người dân cũng có thể để lại nhiều hệ quả, ấn tượng tiêu cực với du khách, trở thành những “con sâu” phá hoại khiến cho ngành du lịch gặp nhiều khó khăn.
Đơn cử, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, du khách đã phản ánh một phụ nữ bán hải sản tại Làng chài Mũi Né (TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) bán hàng gian dối. Sau đó, chính quyền địa phương cũng đã có những biện pháp mạnh để xử lý, tuy nhiên hình ảnh xinh đẹp, thân thiện và mến khách của điểm đến đã phần nào bị ảnh hưởng. Trong khi đó, năm 2023 là năm Bình Thuận được chọn đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia, địa phương này lại càng chú trọng hơn với việc lan toả tinh thần mỗi người dân là một “đại sứ” du lịch. Khơi nguồn nhân lực du lịch từ chính bản địa góp phần đưa Bình Thuận đạt mục tiêu trở thành điểm đến thân thiện, hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế.
Quả thực, không chỉ riêng Bình Thuận, vấn nạn “chặt chém” du khách là một trong số rất nhiều ứng xử “xấu xí” của người dân bản địa với du khách. Có thể nói, ở nhiều địa phương có tiềm năng du lịch, người dân vẫn chưa “quen” với việc “làm du lịch”. Phần lớn họ vẫn nghĩ đó là công việc của các hãng lữ hành, còn mình muốn làm gì cũng được. Đây cũng là định kiến sai lầm của nhiều cộng đồng dân cư trên khắp cả nước.
Để khắc phục những tình trạng như trên, nhiều địa phương đã và đang chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn kỹ năng, nâng cao nhận thức cho cộng đồng. Thực tế cho thấy, khi người dân được hướng dẫn cách tạo điểm nhấn với du khách, cách nắm bắt tâm lý, văn hóa của du khách, cùng với các kỹ năng giao tiếp, thái độ phục vụ chân tình, hồn hậu,… họ đều rất phấn khởi khi được “biết” và “làm” đúng cách để thu hút khách trở lại. Khi thấy được hiệu quả, người dân sẽ có ý thức hơn trong việc tạo môi trường thân thiện, văn minh hơn cho du khách mà chính họ cũng được hưởng lợi.