Một buổi sáng sớm tháng 11, chúng tôi vừa xuống đò Ô Môi nằm bên sông Hậu, anh Nguyễn Văn Linh đã chào mời: “100.000 mỗi người muốn đi bao lâu cũng được”. Chiếc ghe nhỏ với máy dầu bắt đầu nổ, đưa chúng tôi băng băng về hướng mặt trời mọc.
Vừa hửng sáng, khung cảnh trên sông Hậu thật nên thơ. Hàng dài những ghe chở dừa, khoai, khóm neo đậu trên khúc sông dài khoảng 2km. Bước vào những tháng cuối năm trời có sương sớm, không khí mát dịu.
Toàn cảnh chợ nổi Long Xuyên nhìn từ trên cao. Ảnh: Ngọc Tài |
Gắn bó gần 20 năm ở chợ nổi, chị Lý Thị Bích Quyên, nhà ở huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng kể, buổi đầu chị được người quen chỉ lên chợ nổi Long Xuyên bán hàng. Qua nhiều chuyến hàng thấy chợ nổi đông tiểu thương, có nguồn thu nuôi sống gia đình, nên vợ chồng chị quyết định gắn bó đến hôm nay.
Mỗi ghe dừa khoảng 9.000 trái chị phải mua gom của nhà vườn từ 3-4 ngày mới đủ. Xong xuôi, chị cùng chồng nổ máy chạy về hướng thượng nguồn sông Hậu, mất một đêm chạy nước xuôi thì đến. Neo ghe chắc chắn trên sông, chị chờ những tiểu thương thân thuộc đến mua. Họ là những người mua bán theo kênh rạch, từng trái dừa vốn cồng kềnh nếu đi đường bộ, nhưng rất thuận tiện nếu chở ghe. Người dân mua hàng cũng chỉ mang từ bến sông lên nhà.
Buôn bán quanh năm, mỗi chuyến ghe chị lời đôi ba triệu, mất 2-3 ngày nếu bán đắt. Gặp trời mưa bão liên miên lắm lúc chị cũng lỗ vì ế hàng, chi phí đội lên. Có lời có lỗ, có đắt có ế, song chị vẫn xoay sở được kinh tế gia đình với công việc mua bán trên sông này. “Cực thì có cực nhưng cũng quen. Nghề nào nuôi sống được gia đình thì mình làm”, chị Quyên phân trần.
Người dân vẫn giữ thói quen mua hàng hóa trên các ghe, xuồng. Ảnh: Ngọc Tài |
Khi chợ vừa nhóm họp, những chiếc ghe bán nước giải khát, thức ăn sáng, thực phẩm cũng rảo quanh các ghe để bán hàng. Nước giải khát và thức ăn giá bình dân, dao động từ 15.000 - 25.000 đồng.
Bà Nguyễn Thị Thu bán thức ăn sáng đã hơn 20 năm từ khi chưa lập gia đình đến nay các con đều đã lớn. Vợ chồng bà bên chiếc ghe hàng lắc lẻo, chồng chèo ghe, vợ bán hàng, thu nhập đủ vợ chồng già xoay sở trong ngoài.
Bà Thu bán hủ tiếu, bún riêu, bánh canh giò heo, bún thịt nướng, mỗi tô chỉ 25.000 đồng. Bà làm món ăn cho khách rất nhanh, vừa làm vừa không quên chuyện trò, huyên thuyên về chợ nổi mà bà luôn tự hào. “Vui lắm, dù bán không nhiều như xưa”, bà Thu kể.
Không qua trường lớp về du lịch, song người phụ nữ miền Tây dùng sự hiền lành, chân thật của mình để thuyết phục du khách. Đó cũng là nét đẹp giản dị, dân quê vẫn còn hiển hiện nơi chợ nổi.
Chợ cũng thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan, thưởng thức bữa sáng chòng chành trên sông. Khách du lịch sẽ thuê đò chở ra sông với giá 100.000 đồng mỗi người. Lúc đông khách du lịch, các ghe thường nhóm lại một điểm để uống cafe, ăn sáng và trò chuyện rôm rả với nhau.
Những ghe bán nước giải khát, thức ăn sáng, thực phẩm rảo quanh các ghe buôn để bán hàng. Ảnh: Ngọc Tài |
Cũng mưu sinh trên chợ nổi hàng chục năm qua, anh Nguyễn Văn Linh vẫn bám trụ với nghề chạy đò đưa khách. Buổi đầu khách hàng của anh chủ yếu là tiểu thương dần dà khách du lịch chiếm phần lớn. Mỗi lần đò anh lấy công 100.000 đồng mỗi người, tham quan bao lâu cũng được. Vừa chạy đò, anh vừa như là hướng dẫn viên, giới thiệu về chợ.
Vui vẻ đưa khách hết điểm này đến điểm khác, tài công Văn Linh đã vào nghề lái đò hơn 15 năm. Ngày trước lái đò đưa tiểu thương là chính, nay khách hàng của anh lại là du khách gần xa. Thu nhập mỗi ngày có khi vài trăm nhưng lắm lúc cũng chẳng có đồng nào. Anh bảo, còn khách đến chợ nổi, anh còn gắn bó với nghề, bởi cái nghề làm lâu nên ghiền, sẽ nhớ khung cảnh huyên náo nơi chợ nổi.
Với nhiều người dân miền Tây, chợ nổi như nét đặc trưng, nếp sống dung dị, chan hòa. Ngày nay chợ dần thưa vắng hơn, do sự biến chuyển của thời cuộc, buôn bán trên sông dần thay thế bằng đường bộ. Song hồn quê nơi chợ nổi vẫn đậm đà, nét đẹp bình dị làm nhiều người lưu luyến, muốn một lần được ghé qua.
Ông Lê Trung Hiếu – Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư tỉnh An Giang. |
Theo Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang, chợ nổi Long Xuyên là một nét đặc trưng của văn hóa mưu sinh, mua bán miền sông nước. Nơi đây tập trung nhiều thương hồ của địa phương và từ khắp các nơi khác tìm về với nhiều loại hàng hóa và nông sản khác nhau.
Hiện nay, chợ nổi Long Xuyên được các công ty du lịch trong, ngoài tỉnh và du khách cùng nhau nhận định là chợ nổi đẹp nhất, còn giữ được nét nguyên sơ nhất của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Trong tình hình phát triển chung của du lịch tỉnh nhà, việc đưa chợ nổi Long Xuyên vào khai thác phục vụ du lịch một cách chuyên nghiệp là hết sức cần thiết. Chợ nổi Long Xuyên sẽ là một điểm nhấn, góp phần tạo thêm sản phẩm, dịch vụ du lịch mới có thể thu hút và giữ chân du khách, vấn đề đang được quan tâm hàng đầu hiện nay của du lịch An Giang.