Khôi phục niềm tin, doanh nghiệp gia nhập thị trường đạt mốc kỷ lục

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Vượt mốc 15.000 doanh nghiệp, tháng 4/2022 đạt kỷ lục về số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Đây là dấu hiệu đáng mừng khẳng định niềm tin của doanh nghiệp sau một thời gian dài căng mình trong đại dịch.
Khôi phục niềm tin, doanh nghiệp gia nhập thị trường đạt mốc kỷ lục

2 tháng liên tiếp lập kỷ lục

Theo Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh (ĐKKD) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 4, cả nước có 15.000 doanh nghiệp (DN) thành lập mới với số vốn đăng ký là 164,1 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký gần 104,8 nghìn lao động, tăng 4,9% về số DN, giảm 15,3% về vốn đăng ký và tăng 11,7% về số lao động so với tháng 3/2022. So với cùng kỳ năm trước, tăng 0,9% về số DN, giảm 8,8% về số vốn đăng ký và tăng 10,7% về số lao động.

“Với 15.000 DN, tháng 4/2022 trở thành tháng có số lượng DN gia nhập thị trường đạt kỷ lục từ trước đến nay, cao hơn mức trung bình 13.043 DN thành lập mới trong tháng 4 của giai đoạn 2017-2021...” - ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý ĐKKD nhận định.

Cùng với 7.034 DN quay trở lại hoạt động (tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2021), số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường trong tháng 4/2022 cao gấp hơn 2 lần so với số DN rút lui khỏi thị trường.

Với liên tiếp 2 tháng lập kỷ lục, số DN thành lập mới trong 4 tháng đầu năm 2022 là 49.591 DN, mức cao nhất trong giai đoạn 4 tháng đầu năm từ trước đến nay và tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2021. Số DN quay trở lại hoạt động trong 4 tháng đầu năm 2022 là 30.919 DN, tăng 60,6% so với cùng kỳ năm 2021, cũng là mức kỷ lục về số DN tái gia nhập thị trường trong 4 tháng đầu năm, cao gấp 2 lần mức bình quân 4 tháng đầu năm giai đoạn 2017-2021 (15.506 DN). Đáng chú ý, số DN quay trở lại hoạt động tăng ở 17/17 lĩnh vực, trong đó, mức tăng cao nhất ghi nhận ở một số lĩnh vực: Hoạt động dịch vụ (tăng 214,5%); Sản xuất phân phối, điện, nước, gas (tăng 198,7%); Bán buôn; bán lẻ (tăng 74,6%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (tăng 74,0%); Kinh doanh bất động sản (tăng 73,2%) và Giáo dục và đào tạo (tăng 67,4%)…

Khôi phục niềm tin

Lý giải về con số DN gia nhập thị trường trong tháng 4 tiếp tục có kết quả ấn tượng, Cục trưởng Cục ĐKKD Bùi Anh Tuấn cho rằng nguyên nhân là do khả năng thích ứng linh hoạt và tinh thần khởi sự kinh doanh mạnh mẽ của cộng đồng DN trong bối cảnh dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên cả nước, cùng với đó là hiệu ứng tích cực lan tỏa từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ.

“Những con số kỷ lục liên tục bị phá vỡ cho thấy niềm tin của DN vào môi trường kinh doanh đã trở lại. Minh chứng không chỉ dừng lại ở những con số mà còn được thể hiện qua những đánh giá và phản hồi tích cực từ phía cộng đồng DN trong và ngoài nước…” - ông Tuấn khẳng định.

Báo cáo về chỉ số môi trường kinh doanh (MTKD) của Việt Nam do Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố mới đây, những cụm từ như “sự phục hồi đang ở rất gần” hay “bình thường mới, tương lai xán lạn” là những từ khóa nổi bật. Cùng với đó, Quyết định khôi phục các đường bay quốc tế và mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế vào tháng 3 vừa qua cũng được cộng đồng các DN châu Âu hoan nghênh khi hơn 2/3 số DN được hỏi tin rằng nền kinh tế Việt Nam có nhiều khả năng ổn định và cải thiện trong quý II/2022.

Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cộng đồng DN đánh giá các nhóm giải pháp đưa ra tại Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ rất toàn diện, có ý nghĩa hết sức tích cực, như một “liều thuốc” hữu hiệu giúp DN phục hồi, cơ bản đáp ứng được mong muốn của cộng đồng DN và người dân.

Tại Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2021, VCCI cũng đánh giá trong 5 năm trở lại đây, những nỗ lực cải cách của Chính phủ thời gian qua đã đem lại thay đổi tích cực đến chất lượng MTKD tại Việt Nam, qua cảm nhận của cộng đồng DN. Trong đó, với 76,8% DN đánh giá tích cực, lĩnh vực “Thành lập DN” được DN đánh giá có sự cải thiện lớn nhất trong giai đoạn 2017-2021.

“Với tốc độ tăng trưởng được dự báo, niềm tin về triển vọng kinh doanh gia tăng, tình hình DN những tháng cuối năm nhiều khả năng sẽ tiếp tục khả quan...” – Cục trưởng Cục ĐKKD dự báo.

90% DN rút lui khỏi thị trường là DN có quy mô nhỏ

Cùng với số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường cao kỷ lục, số DN rút lui trong tháng 4/2022 cũng đã giảm 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, số DN giải thể và chờ làm thủ tục giải thể giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Phần lớn các DN rút lui khỏi thị trường có quy mô nhỏ, thời gian hoạt động ngắn (khoảng 90%) và chủ yếu lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn. Ngoài ra, các DN giải thể và chờ làm thủ tục giải thể có xu hướng giảm ở cả 17/17 ngành kinh doanh. Điều này cho thấy sức chống đỡ của DN đã tăng lên rất nhiều, DN đã tìm thấy các cơ hội kinh doanh tốt hơn để tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.

Đọc thêm