Ông Lê Nam Giang - Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa cho biết, với đặc thù của huyện miền núi, khí hậu khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi so với các huyện khác trong tỉnh. Song huyện Tuyên Hóa đã bám sát sự chỉ đạo, điều hành của tỉnh, căn cứ tình hình thực tế của địa phương, cấp ủy, chính quyền, mặt trận các cấp đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, huyện Tuyên Hóa tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế để chủ động thích ứng trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng và có những bước đi phù hợp trong bối cảnh mới.
|
Thị trấn Đồng Lê hôm nay. |
Đồng thời mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu kinh tế chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, vốn đầu tư và lao động (thủ công) sang sử dụng tổng hợp, có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, ngành nông nghiệp huyện Tuyên Hóa luôn có bước phát triển, năng suất và sản lượng của cây trồng, vật nuôi chính được cải thiện, nâng cao.
|
"Bưởi Tuyên Hóa" giúp nhiều người dân thoát nghèo. |
Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2024, diện tích gieo trồng của huyện ước đạt 3.868ha (lúa 1.436ha, ngô 1.257ha, lạc 368ha, sắn 607, rau màu khác 200ha); năng suất, sản lượng các loại cây trồng chính đều vượt kế hoạch. Tổng sản lượng lương thực ước đạt hơn 16.800 tấn. Hiện các xã, thị trấn đang tích cực triển khai sản xuất vụ hè-thu. Tổng đàn gia súc toàn huyện hiện có khoảng hơn 46.800 con, tổng đàn gia cầm hơn 433.000 con…
Công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng, khai thác và phòng, chống cháy rừng được chú trọng. Thu ngân sách đảm bảo tiến độ, 6 tháng đầu năm ước thực hiện 57,4 tỷ đồng.
|
Thương hiệu "Mật ong Tuyên Hóa" nổi tiếng khắp cả nước. |
Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn huyện đã có 12/18 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có xã Châu Hóa đạt NTM nâng cao.
|
"Gà đồi Tuyên Hóa" nổi tiếng khắp cả nước. |
Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường được tăng cường. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ước đạt 275 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, huyện đã phê duyệt hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật cho 72 công trình, hạng mục công trình với tổng giá trị đầu tư được phê duyệt hơn 72 tỷ đồng; phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng dự án cho 4 công trình trọng điểm, kiểm tra công tác nghiệm thu cho hơn 25 công trình.
Công tác giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân luôn được quan tâm, chú trọng; quốc phòng - an ninh trên địa bàn được giữ vững…
Về nhiệm vụ và giải pháp những tháng còn lại của năm 2024, huyện Tuyên Hóa sẽ tập trung phát triển nguồn nhân lực, lựa chọn khâu đột phá để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
|
Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Gianh. |
Đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của các cấp học, ngành học, tập trung đào tạo đội ngũ lao động để đáp ứng đủ cả về số lượng và chất lượng với cơ cấu hợp lý cho yêu cầu phát triển của huyện; gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động.
Trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ về số lượng, cơ cấu hợp lý, đạo đức lối sống trong sáng, có trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, tác phong làm việc dân chủ, khoa học, trách nhiệm, tận tụy, tâm huyết, đáp ứng yêu cầu phục vụ Nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp và sự phát triển của huyện. Đa dạng hóa các hình thức huy động và sử dụng nguồn lực; thúc đẩy xã hội hóa, thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước; áp dụng nguyên tắc thị trường trong quản lý, khai thác, sử dụng các nguồn lực cho phát triển.
Với những định hướng và giải pháp phù hợp trong điều kiện địa lý của từng vùng, từng địa phương, tin tưởng rằng trong giai đoạn 2021-2026 khu vực miền núi phía Tây của tỉnh sẽ có nhiều đổi mới và khởi sắc, trở thành cực tăng trưởng mới của Quảng Bình trong thời gian tới.