Khơi thông 'điểm nghẽn' để giảm chi phí logistics cho vùng ĐBSCL

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 21/7, tại TP Cần Thơ, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam và Liên đoàn Thương mại công nghiệp Việt Nam - chi nhánh tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) phối hợp tổ chức Hội nghị Quốc tế “Nhận diện các vấn đề khó khăn trong thu hút đầu tư, giao thương quốc tế tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ đã có những đánh giá tổng quan về tình hình kinh tế, thu hút đầu tư của khu vực phía Nam và vùng ĐBSCL, giữa bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động. Điển hình như, tính đến quý II/2023, tỉnh Long An và TP Cần Thơ hiện là các địa phương dẫn đầu khu vực ĐBSCL về thu hút đầu tư với nhiều dự án nổi bật, lượng vốn nước ngoài đăng ký đầu tư lớn; đối với các địa phương khác cũng đang tích cực cải thiện môi trường đầu tư, để đón nguồn vốn đầu tư chất lượng.

Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư và tăng cường giao thương quốc tế tại ĐBSCL vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn cần được nhận diện.

Theo ông Nguyễn Phương Lam, sự chồng chéo của một số quy định pháp luật, thiếu hụt nguồn lao động cũng hạn chế về cơ sở hạ tầng giao thông và logistics đang là những "điểm nghẽn", khiến vùng ĐBSCL trở nên kém thu hút trong mắt các nhà đầu tư, cũng như giảm năng lực giao thương của doanh nghiệp khu vực này.

PGS. TS Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát Triển Logistics Việt Nam (VLI) cho biết, hằng năm, nhu cầu vận tải hàng hoá xuất khẩu của vùng ĐBSCL lên đến vài chục triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu trong năm 2022 ước tính là 11 tỷ USD. Thế nhưng, hệ thống hạ tầng kỹ thuật của ĐBSCL như hiện nay là không tương xứng với những tiềm năng vốn có.

Minh chứng là các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đều đang phụ thuộc vào các cảng biển tại TP HCM; chỉ có 3/13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL có kho lạnh thương mại (Long An, Hậu Giang và Cần Thơ). Điều này khiến cho một số cảng biển tại TP HCM thường xuyên quá tải, dẫn tới chi phí logistics tăng cao đã làm ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của sản phẩm.

Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cùng VCCI Cần Thơ và Hiệp hội các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác, với mong muốn chung tay tìm ra giải pháp hữu hiệu nhằm phát triển kinh tế vùng ĐBSCL.

Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cùng VCCI Cần Thơ và Hiệp hội các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác, với mong muốn chung tay tìm ra giải pháp hữu hiệu nhằm phát triển kinh tế vùng ĐBSCL.

Theo PGS. TS Hồ Thị Thu Hòa, để "khơi thông" dòng chảy logistics, các địa phương cần đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng như giao thông, kho bãi hoặc tối ưu hóa các phương án logistics, qua đó góp phần giảm chi phí và tăng hiệu quả sản xuất. Đồng thời, các doanh nghiệp cần chủ động tạo liên kết phối hợp linh hoạt, hình thành mạng lưới để cùng nhau phát triển theo hướng bền vững, liên kết chuỗi cung ứng.

Ông Matsumoto Nobuyuki – Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản tại TP HCM cũng nhận định: "Điểm nghẽn" lớn nhất trong thu hút đầu tư, giao thương quốc tế của vùng ĐBSCL nằm ở hệ thống hạ tầng chất lượng còn thấp. Chỉ khi các vấn đề về cơ sở hạ tầng được giải quyết, giao thương mới có thể thuận lợi, ĐBSCL mới có thể phát triển mạnh mẽ đúng với tiềm năng kỳ vọng.

Trước những vấn đề nêu trên, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cùng VCCI Cần Thơ và Hiệp hội các tỉnh/ thành khu vực ĐBSCL ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác, với mong muốn chung tay tìm ra giải pháp hữu hiệu nhằm phát triển kinh tế vùng ĐBSCL.

Đọc thêm