Khởi tố theo yêu cầu của người bị hại: Có tiền là thoát?

(PLO) - Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS), một số tội danh của Bộ luật Hình sự (BLHS) sẽ được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại. Tuy nhiên, việc người bị hại yêu cầu khởi tố hay không còn phụ thuộc vào kết quả bồi thường dân sự. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng nếu như người có hành vi phạm tội có tiền để bồi thường thì sẽ thoát tội.
Nhiều vụ bế tắc
Đầu năm 2011, một vụ việc xảy ra ở quận T. của thành phố H. khiến dư luận xôn xao. Do mâu thuẫn từ trước nên trên đường đi làm về, Nguyễn Văn T. đã chặn đường dùng dao chém anh Đinh Quang H. Vết thương vào phần đầu khiến anh H. phải nhập viện ngay sau đó. 
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, gia đình Nguyễn Văn T. đã vào viện lo mọi thứ thuốc men, viện phí và tự nguyện “bồi thường” cho anh H. 100 triệu đồng. Gia cảnh khó khăn, lại thấy gia đình T. cũng “biết điều” nên anh H. đã làm đơn bãi nại cho T. và từ chối tham gia giám định thương tích. Cơ quan điều tra đã nhiều lần mời Nguyễn Văn T.  lên trụ sở để lấy lời khai, đồng thời yêu cầu anh H. đi giám định nhưng cả hai đều tìm cách trốn tránh.
Theo quy định tại Điều 105 BLTTHS, 11 trường hợp khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại bao gồm các tội: cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái bị kích động mạnh; cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính; hiếp dâm; cưỡng dâm; làm nhục người khác; vu khống; xâm phạm quyền tác giả; xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp là chỉ được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại  hoặc của người đại diện hợp pháp của họ.
Các tội danh nói trên nằm ở Khoản 1 nên đều là tội phạm ít nghiêm trọng, không nhất thiết phải khởi tố mà có thể giải quyết bằng con đường hành chính, dân sự. Quy định như vậy cũng là để bảo vệ bí mật đời tư cho bị hại, nếu như họ có thể thỏa thuận, thương lượng thì không nhất thiết phải xử lý hình sự.
Không công bằng?
Tuy nhiên, trên thực tế việc khởi tố hay không theo yêu cầu của bị hại gặp nhiều khó khăn, thậm chí nhiều vụ là bế tắc. Theo phản ánh của UBND tỉnh Đồng Nai tại buổi tổng kết thi hành BLHS thì: “Việc người bị hại yêu cầu khởi tố hay không còn phụ thuộc vào kết quả bồi thường dân sự. Có trường hợp người bị hại từ chối không đi giám định thương tích nhưng chưa có chế tài điều chỉnh nên cũng không có căn cứ xử lý hình sự người phạm tội. Do đó, trong thực tiễn xử lý tội phạm này thiếu tính kịp thời, ít có giá trị răn đe giáo dục, có xu hướng đối tượng có nhiều tiền sẽ khó bị xử lý về tội này”.
Vấn đề này, Bộ Tư pháp cũng thừa nhận: “Đối với một số tội khởi tố, xét xử theo yêu cầu của người bị hại như tội cố ý gây thương tích, hiếp dâm... cũng phát sinh tiêu cực, không được công bằng. Trong thực tế, nhiều trường hợp bị cáo, gia đình bị cáo có điều kiện về kinh tế thì thường là thương lượng bồi thường vật chất và người bị hại không yêu cầu khởi tố hoặc rút yêu cầu khởi tố. Ngược lại, đối với bị cáo không có điều kiện kinh tế để thương lượng bồi thường thì phải bị khởi tố theo yêu cầu của người bị hại. Đây là một bất hợp lý nhưng lại diễn ra phổ biến, gây bất bình trong xã hội suốt thời gian qua”.
Để khắc phục tình trạng nói trên, nhiều ý kiến cho rằng cần quy định cụ thể những biện pháp xử lý nếu bị hại từ chối giám định (vì với một số tội như cố ý gây thương tích, chỉ qua giám định mới biết tỷ lệ thương tật bao nhiêu, rơi vào khoản mấy, có thuộc phạm vi khởi tố theo yêu cầu của bị hại hay không...); bổ sung hành vi từ chối giám định của người bị hại vào quy định của BLHS (hiện BLHS chỉ quy định hành vi từ chối khai báo, từ chối kết luận giám định  hoặc từ chối cung cấp tài liệu là tội phạm).
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng cần quy định rõ thời hạn yêu cầu khởi tố vụ án. Nếu quá thời hạn luật quy định mà bị hại không có yêu cầu khởi tố thì có thể coi là họ đã từ chối quyền  của mình; đồng thời bổ sung quy định thời hạn thực hiện quyền rút yêu cầu khởi tố vụ án của người có quyền yêu cầu khởi tố vụ án để đảm bảo quyền lợi của các bên cũng như tránh lãng phí công sức, tiền của của Nhà nước.

Đọc thêm