Khởi tố vụ việc từ hồ sơ của lực lượng quản lý thị trường

(PLVN) - Một vụ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu BIA SAIGON do SABECO sở hữu vừa được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ra quyết định truy tố, sau gần 3 tháng nhận bàn giao hồ sơ từ Cục Quản lý thị trường tỉnh này.
Tang vật là những thùng bia vi phạm quyền sở hữu nhãn hiệu của BIA SAIGON, vừa bị phát hiện xử lý.
Tang vật là những thùng bia vi phạm quyền sở hữu nhãn hiệu của BIA SAIGON, vừa bị phát hiện xử lý.

Thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, căn cứ vào hồ sơ chuyển giao từ Cục QLTT Bà Rịa - Vũng Tàu, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” đối với thương hiệu Bia Sài Gòn xảy ra tại ấp Bắc 2, xã Hòa Long, thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Vụ việc này được Cục QLTT Bà Rịa - Vũng Tàu trinh sát, sau khi có đơn đề nghị của chủ thể quyền và hồ sơ kèm theo. Đại diện Cục QLTT của tỉnh này cho biết, sau nhiều ngày tiến hành theo dõi và nắm thông tin chính xác, ngày 23/6/2020, Đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 1 (Cục QLTT Bà Rịa - Vũng Tàu) đã tổ chức kiểm tra đột xuất đối với cơ sở sản xuất bia BIVA ở Ô4, ấp Bắc 2, xã Hòa Long, thành phố Bà Rịa do ông Vũ Tuấn Châu, sinh năm 1963, làm chủ cơ sở. 

Qua kiểm tra phát hiện tại cơ sở có 4.712 thùng bia BIA SAIGON VIETNAM thành phẩm (01 thùng có 24 lon, 01 lon có dung tích 330ml), 116.700 vỏ lon bia (loại 330ml) và 3.300 vỏ thùng bia (thùng giấy catton). Trên các lon và vỏ thùng bia có in dấu hiệu “BIA SAI GON VIET NAM” với các “hình khiên đứng”, “hình con rồng”. Thông tin trên bao bì thể hiện sản phẩm thuộc Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam, có trụ sở tại phường Bến Nghé, TP. Hồ Chí Minh. 

Xét thấy các dấu hiệu trên có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu BIA SAIGON đang được bảo hộ của SABECO, lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản tạm giữ, niêm phong toàn bộ số hàng hóa và giấy tờ có liên quan. Sau đó, Cục QLTT Bà Rịa - Vũng Tàu đã chuyển giao hồ sơ vụ việc và toàn bộ hàng hóa, giấy tờ đang bị tạm giữ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC03) Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để xác minh, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Chưa đến 3 tháng sau khi vụ việc được phát hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành Quyết định số 85/QĐKTVA-CSKT, khởi tố vụ án hình sự “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” quy định tại khoản 2, Điều 226 của Bộ luật Hình sự.

Đây không phải là vụ việc đầu tiên được truy tố sau khi lực lượng QLTT chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra. Bởi trước đó, đã có khá nhiều vụ việc được lực lượng này chuyển giao sang công an đã được khởi tố, điển hình như vụ khởi tố bị can Nguyễn Kim Hoài (SN 1986, trú tại xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) về tội “Sản xuất hàng giả” theo quy định tại Điều 192, khoản 3, điểm a - Bộ luật Hình sự năm 2015.

Số lượng hàng giả mà lực lượng QLTT Hà Nội thu giữ được tại cơ sở của bị can này lên đến hơn 10.000 sản phẩm của các nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam như Adidas, Uniqlo, Nike; trị giá tương đương với hàng thật vào khoảng 10 tỷ đồng. 

Luật pháp đã quy định về các tội danh liên quan đến hàng giả và hàng xâm phạm chủ thể quyền sở hữu. Tuy nhiên, trên thực tế, các quy định liên quan đến kiểm tra hàng giả và hàng xâm phạm chủ thể quyền sở hữu vẫn còn khá nhiều băn khoăn, vướng mắc khiến cho các hoạt động kiểm soát thị trường của lực lượng QLTT còn gặp nhiều khó khăn và chưa thể phát huy được tối đa khả năng của ngành. 

Ví dụ, trong một cuộc kiểm tra “thủ phủ hàng giả” ở tiểu khu Thao Chính (huyện Phú Xuyên, Hà Nội), đại diện đội QLTT dẫn đoàn kiểm tra đã không thể thu giữ được một số mặt hàng mới thoạt nhìn rất dễ nhầm lẫn với các nhãn hàng nổi tiếng thế giới đã được bảo hộ như Kappa, Gucci…

Cũng vị này cho biết, do chưa có chủ thể quyền có đơn khiếu nại và đề nghị lực lượng QLTT vào cuộc nên không thể thu giữ số hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu nêu trên. Luật pháp quy định, đối với các sản phẩm có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ buộc phải có đơn từ chủ sở hữu nhãn hiệu, lực lượng QLTT mới có thể tiến hành kiểm tra và thu giữ hàng hóa.

“Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục QLTT, kể từ thời điểm chuyển sang hoạt động theo mô hình ngành dọc, lực lượng QLTT đã chuyển hơn 100 vụ việc sang cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, trong đó khoảng gần 30 vụ việc đã được khởi tố, 29 vụ việc không khởi tố, còn lại vẫn đang điều tra, xử lý. Riêng năm 2020, tính đến hết tháng 8, lực lượng này đã chuyển 4 vụ việc sang cơ quan công an, trong đó có 1 vụ việc đã được khởi tố”.

Đọc thêm