Khối u to như quả bưởi do tự điều trị ung thư vú

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Phát hiện bị ung thư vú nhưng sợ phiền gia đình, sợ đi viện, người phụ nữ Hải Phòng đã tự uống thuốc nam dẫn đến việc khối u ngày càng lớn, to bằng quả bưởi.
Bệnh nhân B phục hồi sau quá trình điều trị tại bệnh viện. Ảnh: BVCC
Bệnh nhân B phục hồi sau quá trình điều trị tại bệnh viện. Ảnh: BVCC

Bệnh viện K mới tiếp nhận và điều trị thành công cho bệnh nhân L.T.B (53 tuổi, quê Hải Phòng) bị ung thư vú.

Bà B đã phát hiện u vú trái từ giữa năm 2022, nhưng vì tâm lý lo lắng, sợ làm phiền người thân, sợ đi bệnh viện nên đã ở nhà tự điều trị thuốc nam với hy vọng có thể chữa được bệnh.

Tuy nhiên, sau một thời gian uống thuốc nam, khối u ngày càng to nhanh, lớn bằng quả bưởi, dọa vỡ bất cứ lúc nào. Kèm theo đó là cảm giác đau nhức liên tục, khiến bà B mệt mỏi, yếu đi nhanh chóng, đến khi không thể chịu nổi mới đồng ý đến bệnh viện.

Ngay khi nhập viện, bệnh nhân B được chẩn đoán là bệnh đã ở giai đoạn 4 phải điều trị ngay nếu không u sẽ ngày càng lớn, vỡ, ảnh hưởng đến sức khỏe nghiêm trọng, thậm chí có nguy cơ tử vong.

Thạc sĩ - Bác sĩ Đặng Tiến Giang - Phó Trưởng khoa Nội 6, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân cho biết: Bệnh nhân B đáp ứng điều trị khá tốt, tác dụng phụ được gia đình phối hợp quản lý chặt, khối u hoại tử và tiêu nhỏ đi nhanh chóng. Chỉ sau hơn 2 tháng điều trị tích cực, khối u gần như tiêu biến hoàn toàn, bệnh nhân B không còn bị những cơn đau đớn dày vò.

Còn theo Tiến sĩ - Bác sĩ Phùng Thị Huyền, Phó trưởng Tiểu ban điều trị ung thư vú - phụ khoa, Trưởng khoa Nội 6, phụ nữ khi mắc bệnh ung thư vú thường có rất nhiều cảm xúc tiêu cực. Phần lớn họ cảm thấy hoài nghi, lo lắng, sợ hãi đau buồn hoặc phiền muộn. Một số khác sẽ giận dữ và trầm cảm và không ít bệnh nhân nghĩ rằng ung thư là bản án tử hình, cảm thấy bất lực trước thực tế khách quan. Nhiều người bệnh sợ làm phiền người thân, gia đình, tâm lý muốn giấu bệnh, cảm xúc cô đơn sợ hãi ngày càng lấn át.

"Nhìn chung, những cảm xúc và phản ứng này không tốt cho sức khỏe, có thể là lý do trì hoãn việc điều trị, khiến người bệnh đến với thầy thuốc ở thời điểm muộn. Gia đình, bạn bè và nhân viên y tế đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ bệnh nhân đối mặt với ung thư. Họ có thể giúp người bệnh nhận ra cần phải đi thăm khám để nhận được liệu pháp điều trị cần thiết", bác sĩ Huyền nói.

Đọc thêm