“Giải quyết những khập khiễng bộc lộ sau 6 năm thi hành Luật Luật sư (LS) để LS Việt Nam có thể cạnh tranh và phát triển đúng tầm là mục tiêu mà dự thảo Luật LS (sửa đổi) hướng đến” - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường (ĐBQH tỉnh Quảng Bình) khẳng định như vậy tại buổi thảo luận Tổ về dự thảo Luật LS (sửa đổi) sáng qua (6/6).
|
Thảo luận về Luật Luật sư. |
E ngại miễn đào tạo, tập sự
Mục tiêu đến năm 2012, Việt Nam sẽ có 18.000 – 20.000 LS. Nhưng hiện mới có gần 7.000 LS mà chỉ có 0,2% LS có thể ngang hàng với LS khu vực nên gần như các vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài liên quan đến cá nhân, cơ quan, tổ chức Việt Nam đều phải “nhường” thị trường cho hơn 200 LS nước ngoài đang hành nghề tại Việt Nam. Các ĐBQH đề nghị phải có qui định phát triển đội ngũ LS tương xứng với yêu cầu của thời kỳ hội nhập.
Nhưng phải nâng cao chất lượng của LS, bắt đầu từ “đầu vào” như ý kiến của ĐB Hoàng Đăng Quang (tỉnh Quảng Bình) là chú trọng có bằng cử nhân Luật chính qui và bổ sung thêm 1 số tiêu chuẩn cần thiết cho LS, nhất là kiến thức về luật quốc tế và ngoại ngữ, chứ “hiện LS chưa nắm được hết luật quốc tế, yếu ngoại ngữ hạn chế rất nhiều đến khả năng bảo vệ thân chủ”.
Thời gian đào tạo và tập sự hành nghề LS cũng là “tâm điểm” quan tâm của nhiều ĐBQH. “Trước Luật có “dễ dãi” trong qui định miễn đào tạo hoặc tập sự đối với một số chức danh dẫn đến hậu quả là chất lượng hành nghề. Bên cạnh đó, đào tạo không giống nhau nhưng chức danh này được chuyển đổi, chức danh khác lại không được…” – Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa nhận. Một số ĐBQH đề nghị, trước khi điều chỉnh thời gian đào tạo và tập sự phải đánh giá ảnh hưởng đến chất lượng LS để đảm bảo hợp lý.
ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) nhận xét: “tăng thời gian học, giảm thời gian tập sự là không ổn”. Đa số ĐBQH không đồng tình với việc miễn đào tạo LS cho các chức danh tư pháp muốn chuyển sang hành nghề LS, nhất là, chức danh thừa phát lại vì chức danh này mới đang thí điểm tại TP.HCM. ĐB Nguyễn Mạnh Cường (tỉnh Quảng Bình) đề nghị cân nhắc qui định điều tra viên được miễn đào tạo, nhưng phải qua tập sự 2/3 thời gian, trong khi thẩm phán, kiểm sát viên lại được miễn hoàn toàn.
Tán thành kéo dài thời gian đào tạo LS thành 12 tháng, ĐB Bùi Trí Dũng (tỉnh An Giang) nhận thấy: “miễn đào tạo hoặc chỉ đào tạo 3-4 tháng rồi cho chuyển đổi sang LS là không ổn. Không thể bỏ đào tạo nếu muốn tăng chất lượng LS”. Bởi đào tạo kỹ năng của LS khác các ngành tố tụng khác vì ngoài nền tảng PL, LS còn cần những kỹ năng đặc biệt và cần đào tạo lại để rèn luyện thêm cho LS.
Phó Chánh án TAND TP.HCM Huỳnh Ngọc Ánh (ĐBQH TP.HCM) cho rằng: “tập sự là quan trọng nhất. Đề nghị thời gian đào tạo 3 năm vì nếu học 12 tháng thì không có gì để dạy”. Nhưng ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) đề nghị duy trì thời gian đào tạo và tập sự hiện hành vì “giờ tăng học lên là không hợp lý vì nhiều nội dung trùng. Ở ta không có nhiều án lệ nên không cần học nhiều”.
Viên chức hành nghề LS có “lợi bất cập hại”?
Từ sau Pháp lệnh LS sửa đổi (năm 2003), viên chức không được tham gia hành nghề LS khiến 2/3 giảng viên luật đã bỏ giảng dạy để hành nghề. “Đó là sự thiệt thòi” – Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh. Thực tế, nhiều người là viên chức vẫn tham gia nhiều công việc trong lĩnh vực LS như hội thẩm nhân dân, tư vấn pháp luật… Do vậy, dự thảo Luật LS (sửa đổi) thiên về hướng phát huy đội ngũ viên chức ngành luật (các giảng viên, chuyên gia, nghiên cứu viên… ngành luật) “để tăng cường mũi nhọn phát triển đội ngũ LS”.
Các ĐBQH lưu ý, phát triển số lượng LS “không vì thế mà mở rộng đối tượng được công nhận là LS như trong dự thảo”. ĐB Hoàng Đăng Quang không tán thành cho phép những người “phạm tội nghiêm trọng nhưng đã được xóa án tích” được hành nghề LS vì “không phù hợp với điều kiện hiện nay”, nhưng ĐB Nguyễn Mạnh Cường (tỉnh Quảng Bình) băn khoăn việc “mở” cho viên chức hành nghề LS có thể ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ ở cơ quan vì nhiều công việc của LS cũng phải làm trong giờ hành chính. “Không thể lấy việc bác sỹ được mở phòng khám tư nhân để xem xét việc cho phép viên chức hành nghề LS vì bác sỹ làm theo ca” – ĐB Nguyễn Mạnh Cường phát biểu.
Nên đa số các ĐB đề nghị, “khai thác” tiềm năng của đội ngũ giảng viên luật cho hoạt động LS thì phải qui định chặt chẽ để viên chức đảm bảo trách nhiệm đối với công việc của mình tại cơ quan Nhà nước. Còn ĐB Huỳnh Ngọc Ánh không hoàn toàn tán thành cho phép giảng viên các trường luật làm LS do e ngại có thể phát sinh những “mối quan hệ tế nhị” như “thầy là LS, trò cũ là thẩm phán”, ảnh hưởng đến chất lượng tranh tụng, giải quyết vụ án…
Không để lạm dụng quyền cấp GCN bào chữa
Đa số ĐBQH cho rằng, về lâu dài phải tiến tới bỏ GCN bào chữa để thuận lợi cho LS và bảo đảm quyền có LS của đương sự, song trước mắt, vì những đặc thù của hoạt động tố tụng hình sự thì vẫn phải qui định các cơ quan tiến hành tố tụng cấp GCN bào chữa. Tuy vậy, đi kèm với qui định này là qui định rõ trường hợp nào được từ chối cấp GCN, tránh tùy tiện khi áp dụng khiến LS “kêu” như thời gian qua.
Trước lo ngại của ĐB Tô Văn Tám (tỉnh Kon Tum) về việc luật chưa có qui định về thu hồi thẻ LS sau khi thu hồi chứng chỉ hành nghề, dẫn đến nguy cơ dùng thẻ LS để lừa đảo, Bộ trưởng Hà Hùng Cường thừa nhận, dù thực tế thu hồi chứng chỉ đồng thời là thu hồi thẻ, song luật chưa có qui định liên thông giữa các qui định về thu hồi thẻ và chứng chỉ hành nghề LS.
Một số ĐBQH đề nghị việc thu hồi thẻ LS hoặc cấm hành nghề phải có sự giám sát của Bộ Tư pháp (thể hiện vai trò quản lý Nhà nước) không để như hiện nay có tình trạng, “LS bị khai trừ ở nơi này nhưng được công nhận nơi khác gây phản cảm về đạo đức nghề nghiệp và làm giới LS “mang tiếng” như phản ánh của ĐB Bùi Trí Dũng (tỉnh An Giang).
Các ĐBQH cũng đã tranh luận về thẩm quyền cấp thẻ LS. Hiện Liên đoàn LS Việt Nam kiến nghị qui định giao thẩm quyền này cho Liên đoàn, không phải ĐLS (như dự thảo Luật LS (sửa đổi) và được một số ĐBQH tán thành vì cho rằng, để LĐLS cấp thẻ sẽ tạo được sự thống nhất, không manh mún và giá trị thẻ LS “cao hơn”.
Còn để ĐLS cấp thẻ nhiều khi khó khách quan do có “yêu – ghét”, mà nhiều đoàn chỉ có vài LS (như 1 nhóm LS) cũng được cấp thẻ thì không hợp lý. Ngược lại, có những ĐBQH như ĐB Nguyễn Mạnh Cường nhận thấy “LS đã được kết nạp vào ĐLS nhưng vẫn phải chờ LĐLS cấp thẻ là vô lý” nên để các ĐLS cấp thẻ LS để tăng cường tính tự quản của ĐLS, không hành chính hóa quan hệ giữa LĐLSVN và các ĐLS.
Huy Anh