Địa phương cần tăng cường năng lực cho cán bộ pháp chế
Một trong những vấn đề được nhiều địa phương đề nghị là Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan sớm trình Chính phủ về việc xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 55/2011/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế theo hướng kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân lực làm công tác pháp chế, duy trì các Phòng Pháp chế được thành lập tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh.
Bộ Tư pháp cho biết, thời gian qua, Bộ nhận được kiến nghị của bộ, ngành, địa phương về việc đề nghị Bộ Tư pháp tham mưu cho Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2011/NĐ-CP nhằm khắc phục khó khăn, vướng mắc trong công tác pháp chế và để nâng cao hiệu quả công tác này.
Trên cơ sở tổng hợp báo cáo đánh giá 05 năm thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp nhà nước, Bộ Tư pháp đã trình Chính phủ Báo cáo đánh giá 05 năm thực hiện công tác pháp chế theo Nghị định số 55/2011/NĐ-CP. Báo cáo đã tập trung làm rõ kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế của công tác pháp chế và đã đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác pháp chế; trong đó, đã có kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc kiện toàn tổ chức pháp chế và nhân lực làm công tác pháp chế, tiếp tục duy trì các Phòng Pháp chế...
Trong khi chưa có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đề nghị các địa phương: không sử dụng biên chế cho các vị trí việc làm khác; không tuyển dụng người không đủ tiêu chuẩn làm cán bộ pháp chế; không bố trí những người không có năng lực làm công tác pháp chế; tăng cường năng lực cho cán bộ pháp chế. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp sẽ tổ chức thực hiện để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác pháp chế trong thời gian tới.
Bộ Tư pháp cũng nhấn mạnh: Đối với công tác pháp chế ở các bộ, ngành, trước hết cần phải được thực hiện đúng quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP và các văn bản khác liên quan đến công tác này. Theo đó, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tiếp tục duy trì tổ chức pháp chế; đồng thời, căn cứ tình hình cụ thể của mỗi bộ, ngành để sắp xếp, bố trí, ổn định đội ngũ cán bộ bảo đảm đủ về số lượng, chất lượng phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ.
Đối với các doanh nghiệp nhà nước, căn cứ vào nhu cầu công tác pháp chế, lãnh đạo doanh nghiệp quyết định việc thành lập tổ chức pháp chế hoặc bố trí nhân viên làm công tác pháp chế chuyên trách.
Bộ Tư pháp cũng đề nghị các bộ, ngành, doanh nghiệp nhà nước quan tâm tạo điều kiện để bố trí, sắp xếp biên chế làm công tác pháp chế tại các đơn vị thuộc cơ quan trong tổng số biên chế được giao. Thực tế hiện nay, một số địa phương đã sử dụng biên chế làm công tác pháp chế để tuyển dụng vị trí việc làm khác; giao cán bộ khác kiêm nhiệm làm công tác pháp chế, như vậy là không đúng với quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP. Về việc này, thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ để kiểm tra việc tuyển dụng, bố trí biên chế làm công tác pháp chế để có giải pháp phù hợp.
Nghiên cứu điều kiện bảo đảm chế độ
Trước đề nghị Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính sớm xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với người làm công tác pháp chế theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP Bộ Tư pháp cho biết, để khuyến khích, động viên đội ngũ những người làm công tác pháp chế ở bộ, ngành, địa phương, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành đưa ra nhiều giải pháp như: ban hành một số VBQPPL quy định mới, điều chỉnh tăng mức kinh phí chi cho một số hoạt động liên quan đến công tác pháp chế như: về việc quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác điều ước quốc tế và công tác thỏa thuận quốc tế (Thông tư số 129/2013/TT-BTC ngày 18/9/2013);
Lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác hợp nhất VBQPPL và pháp điển, hệ thống văn bản QPPL (Thông tư liên tịch số 192/2013/TTLT-BTC-BTP ngày 13/12/2013); hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng VBQPPL và hoàn thiện hệ thống pháp luật (Thông tư liên tịch số 92/2014/TTLT-BTC-BTP-VPCP ngày 14/7/2014)...
Đặc biệt, Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ đã quy định về việc bảo đảm kinh phí cho công tác xây dựng VBQPPL và hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó quy định về nguồn kinh phí; nguyên tắc bảo đảm kinh phí; lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho xây dựng VBQPPL và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Căn cứ Luật năm 2015 và Nghị định số 34, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 338/2016/TT-BTC ngày 28/12/2016 quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng VBQPPL và hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó đã bổ sung nhiều nội dung chi và mức chi cho các hoạt động xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục phối hợp với bộ, ngành liên quan nghiên cứu các điều kiện bảo đảm, trong đó có chế độ ưu đãi đối với cán bộ, công chức làm công tác pháp chế để bảo đảm phù hợp với quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP.