Theo khảo sát của Bộ Y tế, tất cả các địa phương đã xây dựng xong mức giá viện phí mới. Nhiều bệnh viện (BV) đề xuất mức kịch trần dù cơ sở vật chất cũng như điều kiện kinh tế địa phương không hề tương xứng…
|
Khám cho bệnh nhân tại Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai. |
Không thu giống nhau
Đại diện Bộ Y tế - ông Nguyễn Nam Liên, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính - cho hay, đến nay đã có khoảng 20/39 BV trực thuộc Bộ Y tế gửi về Bộ bản đề xuất điều chỉnh giá 447 dịch vụ y tế. Trong số đó, một số BV chưa giải trình đầy đủ cơ cấu tính giá dịch vụ nên Bộ Y tế đã yêu cầu phải làm lại.
Cũng theo ông Nam Liên, tại nhiều địa phương, đa số cơ sở y tế xây dựng giá dịch vụ y tế chưa căn cứ vào điều kiện thực tế cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực y tế, điều kiện kinh tế, mức sống của đại bộ phận dân cư, mà chủ yếu dựa trên định mức do Bộ Y tế ban hành.
Nhiều BV đang xây dựng và đề xuất với mức giá khá cao, bằng 90-100% của mức giá tối đa theo khung giá ban hành tại Thông tư 04, tương đương với mức kịch trần được thu của BV hạng đặc biệt. Cụ thể như BVĐK các tỉnh Lai Châu, Phú Thọ, Thanh Hoá, Bình Định, Vĩnh Long, Cà Mau, Đồng Tháp…
Thậm chí, có địa phương còn xây dựng và đề xuất giá của cả các dịch vụ chưa thực hiện được để “đón đầu” mặc dù Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH VN) đã khuyến nghị đề xuất mức giá phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và thu nhập bình quân chung của địa phương, bảo đảm có lộ trình thực hiện đến mức giá tối đa. Giá dịch vụ y tế tăng phải tính đến khả năng cân đối quỹ BHYT tại địa phương bởi khi tăng giá, dịch vụ y tế, quỹ BHYT phải chi thêm ít nhất 25%.
Chính vì lẽ đó, ông Liên cho biết, các địa phương sẽ phải xem xét, tính toán lại để xây dựng một khung giá phù hợp nhất. Cùng với đó, ông Liên khẳng định: Sẽ không thể có chuyện "cào bằng" giá viện phí vì các BV hạng 1 ở trung ương và hạng 1 ở địa phương cũng đã có những mức giá khác nhau dựa trên những tính toán về cấu thành của kỹ thuật sử dụng. Các giá này đều nằm trong khung giá quy định và không được vượt mức tối đa.
Ngoài ra, sẽ có mức thu khác nhau giữa các hạng BV. Hiện, có 4 BV hạng đặc biệt là Bạch Mai, Chợ Rẫy, 108 và BV TƯ Huế sẽ được Bộ Y tế xem xét thông qua mức tối đa trong khung viện phí mới. Đây là những BV có sự phát triển tốt về chất lượng khám chữa bệnh, cơ sở vật chất cũng như nguồn nhân lực.
Phải công khai bảng giá các dịch vụ
Về phía BHXH VN, ông Phạm Lương Sơn - Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH VN - cho biết, dự kiến năm 2012 theo chỉ tiêu Chính phủ giao, BHYT sẽ phải thu 37.400 tỷ cho Quỹ và dành khoảng hơn 33 nghìn tỷ cho quỹ khám chữa bệnh. Theo dự báo đánh giá tác động, nếu lộ trình viện phí mới dự kiến áp dụng từ 1/7/2012 thì số chi phí do BHYT chi trả tăng lên sẽ khoảng trên 4 nghìn tỷ.
Trong năm 2012, theo tính toán sơ bộ thì Quỹ BHYT chưa mất cân đối. Năm 2013 chưa có sự thống nhất cao giữa các nhóm tính toán sự tác động của viện phí tăng với quỹ BHYT. Vì vậy, trước mắt, phí đóng BHYT sẽ chưa tăng, nhưng đến mức không thể cân đối quỹ, BHXH VN sẽ đề nghị Chính phủ tăng mức đóng BHYT bắt buộc từ mức 4,5% hiện nay lên 5%; còn đối với người tham gia BHYT tự nguyện, phải tăng mức đóng từ 4,5% mức lương tối thiểu lên 6%. Bên cạnh đó phải mở rộng đối tượng tham gia BHYT để đảm bảo nguyên lý cộng đồng (nay có khoảng 57 triệu người tham gia BHYT).
“Các BV phải công khai bảng giá các dịch vụ để người bệnh biết. Tuyệt đối không được thu thêm của người bệnh các chi phí đã tính trong cơ cấu giá. Đặc biệt, các BV không được khoán mức thu, chi cho các khoa, phòng vì như vậy sẽ dẫn đến lạm dụng các chỉ định như đã từng xảy ra để đạt doanh thu” - ông Phạm Lương Sơn nói.
Nếu bị thu thêm trái phép, hãy gọi đường dây nóng Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, giá viện phí chưa được HĐND TP thông qua trong kỳ họp này. Dự định, đến cuối năm, giá viện phí mới mới được thông qua. Trước khi giá viện phí được điều chỉnh tăng, Sở Y tế yêu cầu các BV không được thu thêm của bệnh nhân dưới bất cứ hình thức nào. Nếu bệnh nhân phát hiện sự thiếu minh bạch trong viện phí, có thể phản ảnh theo số điện thoại đường dây nóng (04)-33733071 của Sở Y tế. |
Hải Long