Không cấp dưỡng đầy đủ, có bị hạn chế quyền thăm con?

(PLO) -Tôi và chồng tôi ly hôn được hai năm. Do khi ly hôn tôi không đủ điều kiện để nuôi con nên Tòa án tuyên con tôi ở với bố và tôi có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Tuy nhiên, do điều kiện khó khăn nên tôi không cấp dưỡng đầy đủ cho con. Bên nhà chồng tôi lấy lí do này không cho tôi đến thăm con và cũng dặn con là không được nói chuyện với mẹ. Vậy hành vi của gia đình nhà chồng tôi có đúng không? Tôi phải làm gì để được gặp con mình? (Hoàng Kim Ân, hoangkiman1806...@gmail.com)

Trả lời:

Căn cứ theo quy  định tại Điều 82 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, người không trực tiếp nuôi con sau ly hôn có các quyền, nghĩa vụ sau đây:

“1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.”

Theo quy định trên thì khi vợ chồng bạn ly hôn bạn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con và có quyền thăm nom con mà bất kỳ một ai cũng không có quyền cản trở.

Ngoài ra nghĩa vụ cấp dưỡng và quyền thăm nom con là hai quyền và nghĩa vụ riêng biệt, chúng không có mối quan hệ với nhau. Vì vậy, mặc dù bạn vi phạm nghĩa vụ cấp dưỡng xong quyền lợi được thăm nom con vẫn được đảm bảo. Người trực tiếp nuôi dưỡng con và các thành viên trong gia đình có quyền yêu cầu bạn thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng xong phải tôn trọng quyền thăm nom con của bạn.

Theo đó, nếu bên nhà chồng bạn có những hành vi cản trở quyền thăm nom con thì bạn gửi đơn lên cơ quan thi hành án yêu cầu giải quyết cho thi hành vấn đề thăm nom, chăm sóc con chung theo án Tòa. Để thực hiện việc trên thì bạn có thể thực hiện theo các bước sau::

• Bước một, nhờ tổ trưởng dân phố chứng kiến và xác nhận vào đơn về việc có đến thăm nom nhưng người kia gây khó khăn, cản trở.

• Bước hai, đến trường làm đơn xác nhận, xin sao chụp hồ sơ học bạ, sổ liên lạc… để minh chứng tình trạng sức khỏe, hạnh kiểm và học lực của bé.

• Bước ba, làm đơn yêu cầu cơ quan thi hành án giải quyết cho thi hành vấn đề thăm nom, chăm sóc con chung theo án Tòa

Tuy nhiên, để tạo ấn tượng cho con thì bạn nên chọn cách giải quyết về mặt tình cảm với bên gia đình nhà chồng vì người có quyền lợi liên quan ở đây chính là con trai bạn và vì hoàn cảnh đặc biệt nên bạn mới không cấp dưỡng đủ cho con theo như quyết định mà Tòa án đã tuyên. Vì thế, bạn nên thỏa thuận lại bằng văn bản với người chồng đã ly hôn về mức cấp dưỡng và phương thức cấp dưỡng. Còn về quyền thăm con sau ly hôn thì bạn nên giải thích với nhà chồng đó là quyền của bạn và không ai có quyền cản trở theo những căn cứ trên. 

Đọc thêm